Từ nay đến khi kết thúc bầu cử, Lai Châu tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về vị trí, vai trò của Quốc hội và HĐND các cấp, vai trò, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp; tuyên truyền nguyên tắc bầu cử, tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp; quyền bầu cử và ứng cử của công dân, trách nhiệm của cử tri trong quá trình bầu cử...
Lai Châu tập trung tuyên truyền về sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp đối với công tác bầu cử; đẩy mạnh đấu tranh, phản bác thông tin, quan điểm sai trái, xuyên tạc về cuộc bầu cử, lợi dụng bầu cử để kích động, gây rối, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chống phá Đảng, Nhà nước…
Ông Lê Đức Dục cho biết thêm, tỉnh sẽ tiến hành tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ 3 để chốt danh sách người ứng cử. Qua hội nghị hiệp thương lần thứ hai, Lai Châu đã lập danh sách sơ bộ 8 người địa phương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV (không có người tự ứng cử) và 84 người giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND tỉnh Lai Châu, khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026. Việc giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND tỉnh Lai Châu đều đảm bảo đúng quy trình, thủ tục theo quy định của pháp luật.
8/8 huyện, thành phố và 106/106 xã đã tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ hai, giới thiệu 445 ứng cử viên để bầu 259 đại biểu HĐND cấp huyện, giới thiệu 3.977 ứng cử viên để bầu 1.210 đại biểu HĐND cấp xã.
Trước đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu đã thành lập Ủy ban bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026 gồm 31 thành viên. Ủy ban bầu cử tỉnh Lai Châu thành lập 2 Ban bầu cử Quốc hội và 13 Ban bầu cử đại biểu HĐND tỉnh. UBND cấp huyện thành lập 58 Ban bầu cử đại biểu HĐND cấp huyện; 106 xã, phường, thị trấn thành lập 570 Ban bầu cử đại biểu HĐND cấp xã. UBND cấp xã đã dự kiến có 867 khu vực bỏ phiếu.