Đa dạng kênh bán hàng phục vụ Tết

Chỉ còn chưa đầy một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, các doanh nghiệp bán lẻ trên địa bàn Nghệ An đang tích cực triển khai kế hoạch phục vụ Tết với cam kết nguồn cung dồi dào, giá bán ổn định, lượng hàng hóa tăng từ 7 - 25% so với năm 2023 với kênh bán hàng đa dạng.

Chú thích ảnh
Khách hàng chọn mua giỏ quà Tết tại siêu thị Go!Vinh. Ảnh: Bích Huệ/TTXVN

Tại nhiều siêu thị, cửa hàng, đại lý, nhiều quầy, kệ đã thu gọn các mặt hàng khác để dành chỗ, ưu tiên cho các hàng hóa phục vụ Tết, nhất là sản phẩm bánh mứt kẹo, giỏ quà. Không khí Tết đang đến rất gần.

Đến thời điểm này, việc chuẩn bị hàng Tết của siêu thị Go!Vinh đã gần như hoàn tất. Siêu thị đã chủ động lên kế hoạch với các nhà cung cấp lớn sản phẩm từ tháng 9, 10 để bảo đảm giá cả ổn định. Năm nay, ngoài 86 tỷ đồng hàng hoá cao điểm Tết, siêu thị chủ động dự phòng dịp sau Tết tổng giá trị hàng hoá 170 tỷ đồng, tăng 25% so với năm ngoái. Hàng hoá chủ yếu hàng tiêu dùng, thời vụ Tết như: bia, rượu, bánh kẹo, rau, củ, quả. Hơn 90% hàng hoá lên kệ là hàng Việt Nam, một số ít hàng nhập khẩu hoa quả từ châu Âu, Thái Lan…

Ông Trần Anh Khang – Giám đốc Go! Vinh cho biết, hệ thống chú trọng hơn vào mặt hàng thiết yếu và hàng Tết, giỏ quà Tết với mức giảm giá chiết khấu. Nhằm đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm các mặt hàng phục vụ Tết, siêu thị tăng cường kiểm tra hàng hóa kinh doanh tại hệ thống. Ngoài áp dụng nhiều hình thức bán hàng trực tiếp, online, vận chuyển đến tay người tiêu dùng, siêu thị cũng ưu tiên lên kệ và giành các vị trí đẹp, bắt mắt cho sản phẩm OCOP và đặc sản địa phương trong dịp Tết này.

Tại Công ty TNHH MM Mega Market Nghệ An, phương án chuẩn bị hàng hoá phục vụ Tết cũng sẵn sàng. Ngoài hàng hoá thiết yếu như: gạo, thịt lợn, thịt gia cầm, trâu, bò, thuỷ, hải sản, thực phẩm chế biến, rau, củ, quả, dầu ăn, bánh kẹo… trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, doanh nghiệp còn dự trữ thêm các nhóm mặt hàng như hàng khô (măng, miến, mộc nhĩ...); các loại quả - hạt khô phục vụ Tết, mặt hàng khác như hoa, cây cảnh, quần áo, điện máy… Tổng lượng hàng hóa dự trữ trị giá khoảng 15 tỷ đồng.

Chị Hoàng Thị Hà – Giám đốc Công ty TNHH MM Mega Market chi nhánh Nghệ An chia sẻ, lượng hàng ký kết để phục vụ Tết tăng khoảng 50% so với các tháng thường trong năm nhưng giảm gần 30% so với cùng kỳ năm 2023 do dự báo tình hình kinh tế khó khăn, sức mua giảm. Siêu thị chủ động bố trí thêm quầy thanh toán trong trường hợp đông khách, mở rộng bãi xe khách hàng, tăng cường nhân sự hỗ trợ di chuyển hàng hoá cho khách nếu mua số lượng lớn, kéo dài thời gian mở cửa trong những thời điểm mua sắm cao điểm...

Ngoài siêu thị, trung tâm thương mại lớn, các chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch cũng đã chủ động nguồn cung, ký kết đơn hàng với nhà sản xuất để phục vụ người tiêu dùng.

"Nắm bắt nhu cầu nhanh, tiện lợi trong mỗi bữa ăn gia đình, cửa hàng đã đặt hàng với nhà sản xuất thực phẩm sạch, sản phẩm OCOP và đặc sản địa phương để phục vụ người tiêu dùng. Ngoài các món khô, cửa hàng còn tăng thêm người để chế biến đa dạng các món ăn ngày thường cũng như các món làm lễ cúng trong những ngày Tết", chị Thúy Hằng – đại diện chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Tomato, thành phố Vinh cho hay.

Đại diện Sở Công Thương Nghệ An cho biết, từ tháng 9/2023, Sở đã chủ động theo sát thông tin tình hình thị trường và xây dựng kế hoạch phục vụ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Sở Công Thương cũng xác định nhóm hàng cần đảm bảo cung cầu trong dịp Tết như mặt hàng tiêu dùng thiết yếu: gạo, thịt bò, thịt lợn, thịt gà, thủy hải sản, thực phẩm chế biến, rau củ, trái cây tươi. Các mặt hàng có nhu cầu cao trong dịp Tết là nông lâm sản khô (măng, miến, mộc nhĩ…), bánh mứt kẹo, rượu bia, nước giải khát, xăng dầu…

Hệ thống cung ứng hàng hóa trên địa bàn tỉnh dịp Tết chủ yếu ở các kênh cơ bản: kênh bán hàng truyền thống, gồm 27 trung tâm thương mại; hệ thống siêu thị, hệ thống chợ, hơn 600 cửa hàng tiện lợi, hơn 3.000 cửa hàng tạp hóa trên địa bàn các huyện, thành phố, thị xã; 17 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Các kênh bán hàng gồm các sàn thương mại điện tử, kênh bán hàng đa phương tiện (qua điện thoại, website, ứng dụng mua hàng…) của hệ thống phân phối truyền thống trên địa bàn.

Bà Trần Mỹ Hà - Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương cho biết, dự báo về khả năng cung ứng và nhu cầu một số nhóm hàng thiết yếu trong đợt Tết sắp đến, Sở ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn đạt khoảng 10.500 tỷ đồng (tăng 10% so với Tết năm 2023) và đã chỉ đạo các đơn vị sản xuất, kinh doanh xây dựng kế hoạch thực hiện.

Ngành công thương đã rà soát dự kiến nguồn hàng cung ứng phục vụ nhu cầu của người dân trên địa bàn tỉnh 3 tháng trước, trong và sau tết Nguyên đán Giáp Thìn. Cụ thể: hơn 75 tấn gạo, hơn 19,4 tấn thịt lợn; hơn 11,4 tấn thịt bò; 13,5 tấn thịt gia cầm; 63,7 tấn rau, củ, quả; 13,6 tấn thủy, hải sản; hơn 10 tấn thực phẩm chế biến; 15,2 tấn hoa quả; 3,3 tấn bánh, mứt, kẹo; gần 6,8 triệu lít dầu ăn; hơn 292 triệu lít bia, rượu, nước giải khát…

Ông Cao Minh Tú – Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, Sở đã triển khai kế hoạch bảo đảm cân đối cung - cầu, bình ổn thị trường cuối năm; tăng cường nắm bắt, cung cấp thông tin, định hướng, khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ kết hợp thực hiện kế hoạch tăng trưởng xanh trên địa bàn.

Ngành đã chỉ đạo doanh nghiệp, địa phương tăng cường dự trữ, chuẩn bị tốt nguồn hàng; trong đó, chú trọng các mặt hàng thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá và mặt hàng có nhu cầu cao trong dịp Tết, địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa; triển khai hiệu quả bình ổn thị trường Tết gắn với việc thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".

Sở Công Thương cũng tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn chặn kịp thời hành vi sản xuất, buôn bán, lưu thông hàng cấm, hàng lậu, hàng giả, gian lận thương mại, hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá trái pháp luật nhằm thu lợi bất chính; có phương án chủ động đối phó với biến động thị trường bất thường; đảm bảo an toàn thực phẩm, chất lượng sản phẩm thuộc ngành quản lý trên địa bàn; đảm bảo cung ứng điện và xăng, dầu phục vụ nhu cầu của doanh nghiệp và người dân.

Hiện các đơn vị sản xuất, kinh doanh đang xây dựng phương án đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu phục vụ trước, trong và sau Tết, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng hóa, tổ chức bán hàng thường xuyên, liên tục, đa dạng hóa các hình thức bán. Hàng hóa đảm bảo về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, an toàn thực phẩm, giá cả phải niêm yết công khai, bán theo giá niêm yết, việc kinh doanh đảm bảo quy định...

Các sở, ngành, đơn vị liên quan, UBND huyện, thành phố, thị xã, doanh nghiệp trên địa bàn tổ chức tốt phục vụ Tết dưới nhiều hình thức; đẩy mạnh sự kiện kích cầu tiêu dùng, xúc tiến thương mại, khuyến công, chương trình OCOP, chương trình khuyến mại tập trung… đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân.

Để bảo đảm phục vụ tốt nhu cầu tiêu dùng của người dân, bên cạnh việc hỗ trợ các doanh nghiệp tìm kiếm tạo nguồn hàng chất lượng, ổn định, tỉnh sẽ tăng cường triển khai hoạt động, sự kiện xúc tiến thương mại như tổ chức hội chợ, tuần hàng, lễ hội... giới thiệu, trưng bày, bán sản phẩm hàng hóa tới trực tiếp người tiêu dùng.

Các sở, ngành, huyện, thành, thị sẽ tổ chức điểm chợ Hoa xuân, Hội chợ nông sản, thực phẩm Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 phục vụ nhân dân. Đồng thời, tiếp tục kết nối các doanh nghiệp với các sàn thương mại điện tử lớn hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp, cá nhân tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP, sản phẩm tiêu dùng.

TTXVN/Báo Tin tức
Làng nghề hàng thực phẩm tăng công suất kịp giao hàng Tết
Làng nghề hàng thực phẩm tăng công suất kịp giao hàng Tết

Thời điểm giáp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, các làng nghề sản xuất thực phẩm tại tỉnh Nam Định lại càng tất bật hơn với nhiều đơn hàng phục vụ thị trường Tết, nhiều cơ sở còn thuê thêm nhân công thời vụ, tăng cường máy móc, giờ làm để kịp giao hàng cho khách.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN