Nỗ lực tự đổi mới
Theo Liên minh hợp tác xã tỉnh Ninh Thuận, toàn tỉnh hiện có 84 hợp tác xã, 1.300 tổ hợp tác với trên 44.600 thành viên tham gia trong các lĩnh vực kinh tế nông - lâm - diêm nghiệp và lĩnh vực phi nông nghiệp. Thời gian qua, các hợp tác xã, tổ hợp tác đã tập trung hỗ trợ kinh tế hộ thành viên bằng các hoạt động tổ chức sản xuất, giải quyết việc làm để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho thành viên.
Đáng chú ý, trong 64 hợp tác xã đăng ký hoạt động lĩnh vực kinh tế nông - lâm - diêm nghiệp, có 59 hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp. Gần đây, số lượng hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp có nhiều hoạt động đổi mới, mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh theo hướng liên kết với các doanh nghiệp ngày càng gia tăng, đang dần trở thành phương thức sản xuất mới, mang lại hiệu quả cao trên địa bàn.
Điển hình như mô hình liên kết trồng măng tây xanh của hợp tác xã dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú (xã An Hải, huyện Ninh Phước). Toàn bộ thành viên tham gia hợp tác xã được hỗ trợ từ cây giống, kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm đầu ra thông qua ký hợp đồng với công ty thu mua với giá bình quân 50.000 đồng/kg. Với mức giá này, người trồng măng tây xanh thu lợi nhuận từ 400 - 500 triệu đồng/ha/năm.
Ông Hùng Ky, Giám đốc hợp tác xã dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú cho biết, để có được hiệu quả kinh tế trên, vai trò của hợp tác xã trong liên kết sản xuất rất quan trọng. Khi mới thành lập hợp tác xã chỉ có 16 thành viên, nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước và sự quyết tâm của từng xã viên, đến nay, đã có 62 thành viên tham gia trồng măng tây xanh theo mô hình cánh đồng mẫu lớn với tổng diện tích trên 45 ha. Bên cạnh sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hiện nay, hợp tác xã đang mở rộng diện tích trồng măng tây xanh theo tiêu chuẩn hữu cơ để nâng cao hiệu quả kinh tế cho xã viên.
Thời gian qua, một số hợp tác xã kiểu mới gắn với chuỗi giá trị hoạt động khá hiệu quả như: hợp tác xã Phước Hậu, Phú Quý, Trường Thọ... liên kết với các công ty sản xuất giống triển khai mô hình cánh đồng mẫu lớn trồng lúa với diện tích hàng trăm ha, năng suất thu hoạch bình quân đạt 8 tấn/ha, tăng 10 - 15% so với sản xuất kiểu truyền thống.
Bên cạnh đó, một số hợp tác xã thông qua hợp tác tài trợ của các tổ chức quốc tế như hợp tác xã Tầm Ngân (tập đoàn CJ - Hàn Quốc), hợp tác xã nho Evergreen Ninh Thuận (Socodevi - Canada) cung cấp các mặt hàng ớt, nho chất lượng cao vào các hệ thống bán lẻ của các siêu thị lớn.
Tuy nhiên, bên cạnh một số hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp gắn với du lịch hoạt động tương đối ổn định; trên bình diện chung, sự phát triển của các hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Trong 84 hợp tác xã đang hoạt động, chỉ có 36% hợp tác xã hoạt động khá; số hợp tác xã hoạt động trung bình, yếu vẫn chiếm tỷ lệ cao, thu nhập và đời sống xã viên còn khó khăn.
Theo thống kê năm 2019, doanh thu bình quân của hợp tác xã đạt gần 2 tỷ đồng, thu nhập bình quân của thành viên hợp tác xã khoảng 35 triệu đồng; doanh thu bình quân của tổ hợp tác khoảng 150 triệu đồng, thu nhập bình quân của thành viên tổ hợp tác khoảng 20 triệu đồng.
Theo Liên minh hợp tác xã tỉnh Ninh Thuận, đa số hợp tác xã có quy mô nhỏ, vốn ít, một số hợp tác xã, tổ hợp tác có quy mô vốn chỉ vài chục triệu đồng, cơ sở vật chất nghèo nàn, chưa có nhiều tài sản thế chấp khi vay vốn ở các tổ chức tín dụng, khả năng huy động vốn các thành viên rất hạn chế. Kinh phí thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển cho các hợp tác xã còn rất hạn chế, chủ yếu dựa vào ngân sách hỗ trợ từ Trung ương nên đa phần các hợp tác xã khó mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Ngoài ra, trình độ đội ngũ quản lý trong khu vực hợp tác xã, tổ hợp tác còn bất cập so với yêu cầu quản lý mới, hầu hết làm theo kinh nghiệm, tín nhiệm của xã viên dẫn đến việc điều hành, đàm phán liên kết, dự báo thị trường, xây dựng phương án kinh doanh gặp không ít khó khăn.
Chưa kể, các hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp thường xuyên đối mặt với những khó khăn do tác động của yếu tố thời tiết, biến đổi khí hậu, giá cả thị trường, thời gian gần đây lại chịu ảnh hưởng nặng do đại dịch COVID - 19.
Thêm vào đó, việc liên kết giữa hợp tác xã với doanh nghiệp để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm còn hạn chế. Nhiều doanh nghiệp sẵn sàng ký hợp đồng cung cấp cây giống, phân bón, hỗ trợ kỹ thuật sản xuất cũng như nhiều chính sách hỗ trợ khác cho hợp tác xã. Nhưng trên thực tế, nhiều thành viên vẫn chưa mặn mà tham gia hợp tác xã, còn sản xuất riêng lẻ, chưa liên kết với nhau, dễ phá vỡ hợp đồng để bán sản phẩm ra bên ngoài với giá cao hơn mà không quan tâm vào chuỗi phát triển bền vững.
Đẩy mạnh phát triển bền vững
Theo ông Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, Trưởng Ban chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã tỉnh, Ninh Thuận xác định kinh tế tập thể là hình thức tổ chức sản xuất có vai trò quan trọng. Điều này góp phần tích cực thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội như tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế ổn định, góp phần tích cực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Để củng cố và phát huy hiệu quả kinh tế tập thể, tỉnh đang tập trung đổi mới, tổ chức lại hoạt động của các hợp tác xã theo đúng Luật Hợp tác xã năm 2012. Theo đó, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và chấn chỉnh hoạt động để các hợp tác xã, tổ hợp tác phát triển theo hướng bền vững, không để hợp tác xã hoạt động kém hiệu quả, thua lỗ phải giải thể.
Năm 2020, tỉnh phấn đấu có 8-10 hợp tác xã thành lập mới, 45-50% hợp tác xã hoạt động đạt khá; trong đó, chú trọng phát triển kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp, nòng cốt là hợp tác xã với nhiều hình thức liên kết, hợp tác đa dạng, góp phần hình thành chuỗi giá trị sản xuất trong nông nghiệp. Đề ra mục tiêu mỗi xã phải có ít nhất một hợp tác xã hoạt động hiệu quả gắn với mô hình sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm đặc thù của địa phương.
Ông Trần Quốc Nam cho hay, để giúp các hợp tác xã đứng vững trước sự cạnh tranh của nền kinh tế thị trường, việc hỗ trợ phát triển cho các hợp tác xã tiếp tục được đổi mới, đi vào trọng tâm, trọng điểm, theo hướng ưu tiên đầu tư cho những hợp tác xã hoạt động theo mô hình kiểu mới để trở thành “đầu tàu” của kinh tế tập thể.
Theo đó, thông qua các giải pháp cụ thể như: hỗ trợ hợp tác xã tiếp cận các nguồn lực về đất đai, tín dụng, hướng dẫn các hợp tác xã thành lập mới, thu hút thêm thành viên, tăng số vốn điều lệ, xây dựng kết cấu hạ tầng, đào tạo nhân lực, chuyển giao khoa học - công nghệ, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm nhằm từng bước mở rộng quy mô hoạt động của các hợp tác xã, tổ hợp tác.
Bên cạnh đó, các đơn vị liên quan đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân nhằm nâng cao nhận thức về vai trò của hợp tác xã kiểu mới đối với kinh tế hộ. Thông qua hợp tác xã, các hộ thành viên có điều kiện tham gia và được hỗ trợ của Nhà nước, từ các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương…. Qua đó, giúp xã viên, người nông dân có cơ hội tham gia liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị để phát triển kinh tế hiệu quả, bền vững.
Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, để đẩy nhanh phát triển, các hợp tác xã, tổ hợp tác, mỗi hộ thành viên cần nỗ lực khắc phục những tồn tại, khó khăn, mạnh dạn thay đổi tư duy, tập quán sản xuất cũ để ngày càng chủ động, phát huy vai trò làm chủ kinh tế tập thể, tạo ra chuỗi sản phẩm có giá trị kinh tế cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Trong giai đoạn 2020 - 2025, Ninh Thuận tiếp tục thực hiện đề án đổi mới, phát triển các hình thức kinh tế hợp tác, phát triển kinh tế tập thể với nhiều hình thức hợp tác đa dạng, nòng cốt là hợp tác xã để liên kết rộng rãi các hộ nông dân, người lao động, các hộ sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp, không giới hạn quy mô, lĩnh vực và địa bàn để bảo đảm lợi ích của các thành viên.