Phát biểu tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đánh giá cao những nỗ lực của các bộ, ngành và địa phương trong phát triển của kinh tế tập thể và hợp tác xã nói chung, lĩnh vực phi nông nghiệp nói riêng.
Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, đây là sự kiện quan trọng nhằm đẩy mạnh việc thực hiện chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế tập thể, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong thời điểm các bộ, ngành, địa phương đang chuẩn bị tổng kết 15 năm việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khoá IX “Về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể” để góp phần hoàn thiện khung khổ pháp lý, pháp huy vai trò của kinh tế tập thể, hợp tác xã trong giai đoạn mới.
Phó Thủ tướng cũng biểu dương kinh tế tập thể sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW đã có nhiều chuyển biến, nhiều loại hình phát triển đa dạng trên các lĩnh vực, từng bước phát huy hiệu quả, góp phần xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân và phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Điều này góp phần khẳng định Nghị quyết 13-NQ/TW là một chủ trương đúng đắn nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, giúp các hợp tác xã thoát khỏi tình trạng yếu kém.
Không những thế, kinh tế tập thể, hợp tác xã trong lĩnh vực phi nông nghiệp đã có sự phát triển cả về lượng và chất, vượt qua những yếu kém kéo dài trước đây, hứa hẹn nhiều tiềm năng phát triển mới.
Mặc dù vậy, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, kinh tế tập thể, hợp tác xã nói chung và hợp tác xã phi nông nghiệp nói riêng vẫn phát triển chưa tương xứng tiềm năng và cần có các giải pháp căn cơ, lâu dài để khắc phục những tồn tại, hạn chế vượt qua thách thức.
Theo đó, khu vực kinh tế tập thể cần tiếp tục nâng cao nhận thức của người dân và hệ thống chính trị về phát triển kinh tế tập thể; hàng năm tổ chức tiếp xúc giữa chính quyền với các hợp tác xã phi nông nghiệp để đánh giá hiệu quả hoạt động, nắm bắt khó khăn, vướng mắc.
Đồng thời, kiện toàn, tổ chức lại bộ máy quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể, hợp tác xã, tạo sự thống nhất từ Trung ương đến địa phương nhằm khắc phục tình trạng chồng chéo, phân tán trong quản lý nhà nước…
Đối với các địa phương, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách đặc thù phát triển hợp tác xã phi nông nghiệp mà địa phương có tiềm năng, lợi thế; ưu tiên thực hiện hiệu quả một số chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho hợp tác xã lĩnh vực phi nông nghiệp phát triển.
Đặc biệt, các sở, ngành phải thường xuyên theo dõi, đánh giá tình hình hoạt động của kinh tế tập thể trong lĩnh vực phi nông nghiệp để có giải pháp hỗ trợ tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc cho các hợp tác xã.
Báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Phó Trưởng Ban chỉ đạo đổi mới phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho biết, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, chịu tác động của các nhân tố thuận lợi và khó khăn về kinh tế - xã hội trong nước, hội nhập quốc tế nhưng kinh tế tập thể trong lĩnh vực phi nông nghiệp vẫn đạt được kết quả phát triển về số lượng, qui mô, chất lượng và hiệu quả hoạt động.
Theo ông Nguyễn Ngọc Bảo, để tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể về lĩnh vực phi nông nghiệp, cả nước phấn đấu phát triển kinh tế tập thể trong lĩnh vực phi nông nghiệp đến năm 2030 sẽ tăng trưởng từ 8 - 15%/năm.
Trong tương lại gần, đến năm 2025 cả nước có 130.000 tổ hợp tác, 15.000 hợp tác xã và Liên hiệp hợp tác xã, thu hút 5 triệu thành viên và tạo việc làm cho 3 triệu lao động thường xuyên.
Ngoài ra, đến năm 2030 sẽ có 260.000 hợp tác xã, 25.000 liên hiệp hợp tác xã và thu hút 8 triệu thành viên và tạo việc làm cho 4,5 triệu lao động thường xuyên.
Bên cạnh đó sẽ có 100% cán bộ quản trị điều hành hợp tác xã được đào tạo và có năng lực quản trị, các thành viên và người lao động được phổ biến kiến thức và đào tạo nghề; vốn điều lệ và tổng tài sản tăng bình quân 10%/năm; tốc độ đổi mới công nghệ bình quân là 20%/năm; tỷ lệ hợp tác xã hoạt động có hiệu quả từ 80% trở lên.
Chia sẻ thêm tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chủ tịch Liên minh hợp tác xã Việt Nam cho hay, tính đến cuối năm 2018, cả nước có 64.081 tổ hợp tác, 8.744 hợp tác xã, 21 liên hiệp hợp tác xã phi nông nghiệp, tăng hơn 2 lần năm 2003 và chiếm tỷ trọng 39% tổng số hợp tác xã trong nền kinh tế.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Thịnh, phần lớn hợp tác xã phi nông nghiệp hoạt động kinh doanh có hiệu quả, đạt tỷ lệ 50% - 83% tổng số hợp tác xã trong từng loại hình, cao hơn so với hợp tác xã nông nghiệp.
Đặc biệt, doanh thu và lãi bình quân của hợp tác xã phi nông nghiệp tăng qua hằng năm; năm 2018, bình quân 1 hợp tác xã có doanh thu 8,5 tỷ đồng và lãi 0,48 tỷ đồng, tăng từ 2 - 5 lần so với năm 2003.
Tuy nhiên, theo Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18/3/2002 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, một số cơ quan chức năng, bộ, ngành và địa phương chưa quan tâm đúng mức đến kinh tế tập thể.
Nhận thức của nhiều cán bộ, người dân, kể cả cán bộ trực tiếp phát triển kinh tế tập thể và thành viên hợp tác xã về bản chất, nguyên tắc, chủ trương, chính sách và pháp luật về hợp tác xã còn hạn chế. Các chính sách và bố trí nguồn lực hỗ trợ cho kinh tế tập thể trong lĩnh vực phi nông nghiệp chưa được chú trọng..
Hệ quả là số lượng các loại hình tổ chức kinh tế tập thể trong lĩnh vực phi nông nghiệp còn thấp so với nhu cầu và tiềm năng liên kết, hợp tác, phát triển trong ngành công nghiệp và dịch vụ.
Hơn nữa, phần lớn hợp tác xã có quy mô nhỏ, siêu nhỏ, nhiều hợp tác xã yếu về năng lực tài chính, công nghệ lạc hậu, thiếu nhân lực có trình độ chuyên môn cao, năng lực quản trị hạn chế, chưa minh bạch về vốn góp và tài chính; chưa có hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã cấp tỉnh, vùng để liên kết các hợp tác xã với nhau theo chuỗi giá trị...
Vì vậy, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam kiến nghị, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để tạo điều kiện cho kinh tế tập thể phi nông nghiệp phát triển.
Cụ thể, Quốc hội, Chính phủ và bộ, ngành cần nhanh chóng sửa đổi Luật Hợp tác xã năm 2012; ban hành chiến lược phát triển kinh tế tập thể thời kỳ 2021 - 2030 và đồng bộ khung khổ pháp luật về kinh tế tập thể.
Đồng thời, kiện toàn và nâng cao năng lực hoạt động của bộ máy quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể trong lĩnh vực phi nông nghiệp ở các bộ quản lý chuyên ngành; sửa đổi qui định thông tin, báo cáo.
Bên cạnh đó, bố trí ngân sách nhà nước trung hạn và hằng năm để thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã được ghi thành khoản mục riêng trong dự toán ngân sách nhà nước.
Ngoài ra, cấp uỷ và chính quyền địa phương cung cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền, vận động, quản lý nhà nước, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thực hiện các chính sách hỗ trợ đối với kinh tế tập thể; trong đó có lĩnh vực phi nông nghiệp. Đặc biệt, ban hành cơ chế, chính sách đặc thù phát triển hợp tác xã phi nông nghiệp mà địa phương có tiềm năng, lợi thế.