Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh. Đồng thời, là bước cụ thể hóa về khát vọng, tầm nhìn, quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển cho toàn tỉnh và từng ngành, lĩnh vực, địa phương trong tỉnh.
Tỉnh Nam Định nằm ở trung tâm vùng nam Đồng bằng sông Hồng, có diện tích gần 1.700 km2, dân số khoảng 2 triệu người. Tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2023 của Nam Định đạt 10,19%, đứng thứ 3 vùng Đồng bằng sông Hồng và đứng thứ 6 cả nước. GRDP bình quân đầu người đạt 54,9 triệu đồng/người, tăng 12%. Nam Định là điểm sáng của cả nước trong xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, giáo dục và đào tạo của tỉnh liên tục ở tốp dẫn đầu toàn quốc về chất lượng trong gần 3 thập kỷ qua.
Cùng với đó, hệ thống kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư đồng bộ hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông, môi trường đầu tư ngày một cải thiện, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân nâng lên rõ rệt.
Với mong muốn phát triển bền vững, bứt phá, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, tỉnh Nam Định xác định việc lập quy hoạch là nhiệm vụ hàng đầu có tính khoa học để làm định hướng phát triển. Vì thế, sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 ngày 29-12-2023, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả quy hoạch. Cụ thể, Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 phải bảo đảm phù hợp, thống nhất, đồng bộ với mục tiêu, định hướng của các quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng và phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng.
Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Phạm Gia Túc cho hay, quy hoạch tỉnh được phê duyệt với "3 vùng kinh tế động lực, 4 trung tâm đô thị động lực, 5 hành lang kinh tế, 7 nhiệm vụ trọng tâm và đột phá phát triển". Đây là cơ sở pháp lý quan trọng nhất để triển khai các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; sắp xếp không gian; phân bổ nguồn lực. Cùng đó, khai thác tối đa các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; mở ra cánh cửa lớn thu hút đầu tư. Từ đó, phấn đấu đến năm 2030, Nam Định trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước, một trong những trung tâm phát triển quan trọng của vùng nam Đồng bằng sông Hồng.
Để tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả quy hoạch, theo Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chỉ ra: Nam Định cần rút ra các bài học phát triển của các địa phương trong vùng, tiếp tục đổi mới sáng tạo, phát huy nội lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, tận dụng tốt thời cơ, tìm ra lối đi riêng để Nam Định trở thành địa chỉ đáng đầu tư, đáng sống.
"Với nguồn nhân lực chất lượng cao và tiềm năng lớn về năng lượng sạch, Nam Định cần lựa chọn các ngành, lĩnh vực kinh tế xanh, kinh tế tri thức có giá trị gia tăng cao. Điều đó phải được cụ thể hóa bằng các bộ tiêu chí xanh về hạ tầng, công nghệ, suất vốn đầu tư và mức độ sẵn sàng trong chuyển đổi xanh, chuyển đổi số", Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Phạm Gia Túc bày tỏ, tỉnh Nam Định sẽ tập trung vào các lĩnh vực chính như: Phát triển công nghiệp tiêu dùng và xuất khẩu; đẩy mạnh du lịch; phát triển kinh tế đô thị và tăng cường phát triển kinh tế biển và ven biển. Đồng thời, tập trung vào các nền tảng phát triển như: nguồn nhân lực và văn hóa, khoa học và công nghệ, cơ sở hạ tầng và đổi mới và hoàn thiện thể chế để tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi và minh bạch.
Bí thư Tỉnh ủy Phạm Gia Túc yêu cầu: chính quyền đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng nội dung cốt lõi của quy hoạch tới các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân nhằm tạo sự thống nhất về nhận thức, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả trong thực hiện quy hoạch.
Cùng với đó, Nam Định cũng tiếp tục đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh chuyển đổi số, lấy chính quyền số làm động lực để phát triển kinh tế số, xã hội số, tạo đột phá trong cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Ngoài ra, thực hiện tốt các chính sách xã hội hóa, đa dạng hình thức đầu tư, đổi mới, tăng cường xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước theo hướng xúc tiến đầu tư các thị trường quan trọng như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, châu Âu...
Bên cạnh đó, tỉnh quan tâm đầu tư phát triển văn hóa hài hòa với kinh tế, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phát triển ngành công nghiệp văn hóa, bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch; đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế; bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, góp phần ổn định để phát triển tỉnh nhanh và bền vững.
Tỉnh cũng sẽ tập trung thu hút các nguồn lực để xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu du lịch, phát triển các đô thị, các dự án hạ tầng cung cấp điện, viễn thông, thủy lợi, cấp nước... được phê duyệt trong quy hoạch tỉnh.
“Nam Định sẽ tập trung chỉ đạo triển khai nhanh các kế hoạch, chương trình hành động, đề án, cụ thể hóa quyết định phê duyệt quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ; cam kết thực hiện cải cách hành chính, thủ tục đầu tư thuận lợi, đúng quy định của pháp luật để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư”, Bí thư Phạm Gia Túc cho biết.