Tại các địa phương, cử tri đã nghe đại biểu Quốc hội báo cáo chương trình dự kiến Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên - Huế trong thời gian qua. Dự kiến, tại Kỳ họp lần này, Quốc hội sẽ tiến hành thảo luận và thông qua cơ chế chính sách đặc thù cho Thừa Thiên - Huế, bổ sung quy hoạch Dự án điện khí Chân Mây vào Quy hoạch phát triển mạng lưới điện lực quốc gia giai đoạn 2026-2030. Đây sẽ là nguồn lực cần thiết để tỉnh Thừa Thiên - Huế phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới nhằm sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương...
Cử tri của các địa phương bày tỏ niềm tin tưởng, phấn khởi trước những bước phát triển của đất nước, đồng thời kiến nghị Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên - Huế tiếp tục quan tâm đến việc tăng cường tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân; giải pháp tiêu thụ nông sản trong bối cảnh ảnh hưởng dịch bệnh; tháo gỡ khó khăn trong việc sắp xếp công việc cho công chức cấp xã dôi dư khi thực hiện Nghị định 34/2019/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 92/2009/NĐ-CP ngày 22/1/2009 của Chính phủ; đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, các tuyến đường dân sinh vùng biên giới; vấn đề học tập của học sinh miền núi; hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng; xem xét giải quyết kinh phí hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng tránh lụt, bão...
Cử tri Phan Hùng, huyện Quảng Điền tỉnh Thừa Thiên - Huế đề nghị Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành tiếp tục chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh, đồng thời tăng cường tìm kiếm nguồn vaccine phòng COVID-19 để tiêm chủng cho nhân dân nhất là đối tượng sinh viên, người lao động. Hiện, địa bàn huyện Quảng Điền có hơn 3.500 lao động từ các tỉnh phía Nam trở về quê hương tránh dịch, đều chưa được tiêm vaccine. Nếu các tỉnh, thành mở của trở lại, các lao động này không đủ điều kiện để đi làm, ảnh hưởng đến đời sống của họ và gia đình. Dịch bệnh gây khó khăn trong việc sản xuất và tiêu thụ nông - lâm - thủy sản, đặc biệt là các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội. Cử tri đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có phương án điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp với điều kiện thời tiết, diễn biến dịch bệnh ở từng địa phương, đảm bảo vừa phòng, chống dịch, vừa tránh tình trạng kêu gọi giải cứu nông-lâm-thủy sản.
Cử tri Lê Anh Miên, huyện A Lưới nêu ý kiến, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách quan tâm đầu tư giúp A Lưới thay đổi diện mạo, qua đó nhiều người dân từng bước vươn lên thoát nghèo. Tuy nhiên, huyện miền núi A Lưới từng là chiến trường ác liệt trong chiến tranh, nhiều nạn nhân vẫn bị di chứng dai dẳng chất độc da cam qua nhiều thế hệ, đất đai bị nhiễm chất độc hóa học dioxin đang là hạn chế đối với sự phát triển của địa phương. Cử tri kiến nghị Quốc hội, Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm đầu tư tẩy sạch chất độc dioxin, nhất là ở khu vực xã Đông Sơn; có chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng di chứng chiến tranh; xây dựng mô hình sinh kế giúp đồng bào xóa đói giảm nghèo bền vững...
Đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên - Huế tiếp thu ý kiến, kiến nghị của cử tri, tổng hợp chuyển các cơ quan có thẩm quyết giải quyết theo quy định và cho biết, đối với huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế đang hoàn thiện đề án vùng dân tộc thiểu số của tỉnh, qua đó có hỗ trợ phù hợp giai đoạn mới của địa phương.