Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình đã thông báo tới cử tri dự kiến chương trình, nội dung Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV. Kỳ họp này dự kiến diễn ra từ ngày 20/10 đến ngày 13/11/2021, tổ chức thành hai đợt, trong đó đợt 1 sẽ họp trực tuyến; đợt 2 sẽ họp tập trung. Về nội dung, kỳ họp sẽ xem xét thông qua 2 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết gồm: Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự; Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế; Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa...
Các cử tri của huyện Vũ Thư đã phát biểu nhiều vấn đề tâm huyết, trách nhiệm với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình. Đáng chú ý, cử tri Phạm Đắc Công, Bí thư Đảng ủy xã Song An, huyện Vũ Thư cho rằng, việc xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược là quyết định đúng của Đảng nhưng chưa đủ, cần quan tâm đến cả cán bộ cấp xã. Việc bố trí công việc và số lượng công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã hiện nay chưa phù hợp, không mang tính ổn định lâu dài. Văn phòng Đảng ủy xã với khối lượng công việc nhiều như hiện nay mà hưởng phụ cấp quá thấp, không tương xứng. Hiện đội ngũ công chức cấp xã thiếu nghiêm trọng, kéo dài nhiều năm, ảnh hưởng đến kết quả thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Việc thi tuyển cán bộ cấp xã là thẩm quyền của cấp huyện, tỉnh không nên ôm đồm gây khó khăn cho xã. Việc sáp nhập, sắp xếp cán bộ xã mỗi nơi làm một khác...
Xung quanh vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, sẽ báo cáo lên tỉnh, Trung ương đối với việc đồng chí Chánh Văn phòng Đảng ủy xã không phải công chức, không phải chuyên trách mà chỉ bán chuyên trách dẫn đến hạn chế trong công tác đảng của xã, trong khi công tác văn phòng Đảng ủy xã rất quan trọng. Đối với ý kiến về việc sáp nhập xã, bố trí bộ máy cán bộ mỗi tỉnh làm một cách, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, việc mỗi tỉnh làm một khác nhưng trong khuôn khổ Trung ương cho phép và địa phương có sáng kiến thêm... Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức một đoàn giám sát về vấn đề này từ nay đến tháng 9/2022, để xem đúng, sai ở đâu và sẽ chấn chỉnh đối với chỗ sai, chỗ đúng thì phát huy.
Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, việc thi tuyển công chức cấp xã đáng lẽ của cấp huyện nhưng do là việc khó, cấp huyện chưa làm được nên nhờ cấp tỉnh. Tỉnh làm thì phải lấy ý kiến cấp huyện, rồi tập hợp danh sách từ cấp xã lên huyện nên mất thời gian, cử tri thông cảm. Phó Chủ tịch Quốc hội đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Thái Bình và được biết tỉnh đang chuẩn bị tổ chức kỳ thi tuyển cán bộ công chức cấp huyện, cấp xã toàn tỉnh. Sau đó, tỉnh sẽ bổ sung công chức cho cả cấp huyện và cấp xã, nơi nào thiếu sẽ được tăng cường...
Về ý kiến cần tăng thêm biên chế chuyên trách, tăng thêm tiền lương, chế độ chính sách cho cấp xã, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, sẽ báo cáo và sẽ có tiến hành khảo sát thêm trên phạm vi cả nước. Phó Chủ tịch Quốc hội chia sẻ, cán bộ cơ sở rất quan trọng. Công tác phòng, chống dịch đã xác định "mỗi xã là một pháo đài chống dịch" thì càng thấy cán bộ cơ sở quan trọng, rất vất vả, trong khi chế độ đãi ngộ của Nhà nước còn thấp. Do đó, ngoài chế độ đãi ngộ theo mức chung cả nước, Trung ương cũng đã giao cho các địa phương tùy theo điều kiện thu nhập, ngân sách của mình có thể tăng thêm định mức đãi ngộ cấp xã.
Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định, các ý kiến của cử tri đều được tiếp thu, tổng hợp và được chuyển đến cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Các ý kiến thuộc thẩm quyền của địa phương, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị chính quyền cấp huyện, tỉnh Thái Bình xem xét giải quyết.