Qua đó, góp phần thực hiện tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, tạo động lực cho nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh khai thác tiềm năng, lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh theo hướng hàng hóa, linh hoạt trong việc bố trí cơ cấu cây trồng.
Nhiều mô hình hiệu quả
Gia đình ông Hoàng Văn Hà, xã Khánh Thành là một trong những hộ tiêu biểu của huyện Yên Khánh trong quá trình chuyển đổi canh tác đất lúa kém hiệu quả sang trồng ổi, từng bước ổn định kinh tế gia đình. Trước đây, gia đình ông Hà chủ yếu cấy lúa theo phương thức truyền thống nhưng nhiều năm lúa thất thu, giá cả bấp bênh, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Năm 2016 khi địa phương triển khai đưa cây ổi lê Đài Loan (Trung Quốc) vào trồng, gia đình ông đã mạnh dạn chuyển đổi 6 sào đất trồng lúa sang trồng ổi, trồng theo hướng an toàn, chủ yếu sử dụng phân hữu cơ.
Qua thời gian cho thấy cây ổi lê Đài Loan (Trung Quốc) rất phù hợp với chất đất tại địa phương. Sản phẩm ổi trên diện tích chuyển đổi của chị cho chất lượng ngon, bán với giá cao, ổn định. Về giá trị sản xuất, mỗi sào trồng cây ổi lê Đài Loan (Trung Quốc) cho giá trị bình quân 17 triệu đồng/năm, cao gấp 5 - 7 lần cấy lúa trước đây. Không những vậy, khi trồng cây ổi lê Đài Loan (Trung Quốc), người dân có điều kiện áp dụng khoa học, kỹ thuật vào quá trình sản xuất theo hướng tạo ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn, cho giá trị vượt trội. Hiện tại, sản phẩm ổi tại mô hình đạt tiêu chuẩn VietGAP và được công nhận OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm).
Ông Hà chia sẻ, do nắm chắc quy trình trồng và chăm sóc cây ổi, cùng điều kiện thổ nhưỡng ở địa phương phù hợp nên vườn ổi của gia đình ông phát triển nhanh. Những năm gần đây, cây ổi lê Đài Loan (Trung Quốc) trở thành một trong những cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân xã Khánh Thành, nhiều hộ giàu lên, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Hay như mô hình trồng cây hoa màu và dưa lưới trong nhà màng, nhà lưới của ông Tống Viết Vinh, xã Mai Sơn, huyện Yên Mô. Trước đây gia đình ông chuyên canh cây lúa nhưng năng suất đạt hiệu quả không cao. Từ năm 2016, gia đình ông chuyển đổi diện tích đất trồng lúa sang trồng cây hoa màu, cây ăn quả. Đến năm 2022, gia đình tiếp tục chuyển đổi sang mô hình công nghệ cao trồng cây dứa lưới trong nhà màng.
Ông Vinh cho biết, 1 năm sẽ trồng được 3 vụ, mỗi vụ đạt 6 - 7 tấn, giá bao tiêu khoảng 40.000 đồng/kg, cao hơn nhiều so với loại quả khác. Chính vì hiệu quả kinh tế cao, dưa đã trở thành cây chủ lực của gia đình nên gia đình ông đã đầu tư thêm 3.000 m2 nhà màng để tiếp tục mở rộng diện tích. Mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng của ông Vinh không chỉ giải quyết được việc làm cho các nhân khẩu trong gia đình, mà còn tạo việc làm thường xuyên và thời vụ cho nhiều lao động địa phương.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Mô Nguyễn Thị Len chia sẻ, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi trên đất lúa kém hiệu quả được huyện Yên Mô triển khai một cách tích cực, hiệu quả. Đặc biệt, một số địa phương đã linh hoạt lựa chọn và chuyển đổi sang các mô hình cây trồng mới phù hợp với từng vùng sinh thái, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân và tạo nền tảng vững chắc cho tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững… Đến nay, trên địa bàn huyện Yên Mô, giá trị thu nhập trên sau chuyển đổi đạt từ 250-500 triệu đồng/ha, cao gấp 3-5 lần so với cấy lúa.
Hướng đi bền vững
Chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa được tỉnh Ninh Bình thực hiện từ năm 2016. Đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa trên 211 ha; trong đó, diện tích chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây lâu năm 21 ha; diện tích chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng lúa kết hợp nuôi thủy sản hơn 152 ha…
Với nhiều hình thức chuyển đổi, bà con nông dân tỉnh Ninh Bình đã mạnh dạn chuyển đổi những diện tích lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác. Điển hình, với hình thức chuyển đổi sang trồng cây hàng năm như ngô, rau các loại, cây sen và cây dược liệu… đã mang lại hiệu quả kinh tế bình quân từ 250-300 triệu đồng/ha/năm, tập trung ở huyện Nho Quan và thành phố Tam Điệp. Hay trồng lúa kết hợp nuôi thủy sản tập trung chủ yếu trên đất 2 vụ lúa và đất 1 vụ lúa sâu trũng tại các huyện, thành phố như Nho Quan, Kim Sơn, Hoa Lư với các con nuôi thủy sản là các loại cá truyền thống như cá trắm, chép, chạch sụn... đạt giá trị sản xuất từ 200 - 450 triệu đồng/ha/năm…
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Ninh Bình cho biết, việc chuyển đổi đất trồng lúa sang các hình thức sản xuất nông nghiệp khác đã và đang mang lại hiệu quả cao hơn nhiều so với trồng lúa, được nhân dân ghi nhận và ủng hộ. Kết quả chuyển đổi cũng góp phần hình thành các hình thức tổ chức sản xuất hoạt động hiệu quả như hợp tác xã ngành hàng, tổ hợp tác, chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản được tăng cường; là điều kiện tốt để áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, bảo quản, sơ chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Để việc chuyển đổi đúng quy định, phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, ngành nông nghiệp tỉnh Ninh Bình hướng dẫn cụ thể về trình tự thủ tục chuyển đổi; thường xuyên kiểm tra, giám sát tại các địa phương; tăng cường tuyên truyền, vận động về mục đích, ý nghĩa, hiệu quả của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả. Đồng thời tổ chức tập huấn, hướng dẫn quy trình kỹ thuật từng loại cây trồng chuyển đổi cho các hộ dân ứng dụng nhằm tăng hiệu quả sản xuất và chỉ đạo ngành nông nghiệp các địa phương hướng dẫn người dân lựa chọn giống có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với điều kiện của từng vùng cũng như quan tâm xây dựng, nhân rộng những mô hình mới, hiệu quả kinh tế - xã hội cao…
Hiệu quả chuyển đổi cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả tại Ninh Bình những năm qua được khẳng định là hướng đi đúng, từng bước thay đổi tư duy sản xuất truyền thống sang sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng. Từ đó, giúp mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân, đa dạng hóa sản phẩm và tạo nền tảng vững chắc cho tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, đóng góp tích cực vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.