Chương trình 30a - đòn bẩy cho huyện nghèo phát triển

Chiều 28/12, UBND tỉnh Bình Định tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và Quyết định của Thủ tướng về Chương trình giảm nghèo bền vững tỉnh Bình Định.

Chú thích ảnh
Công nhân Điện lực Phú Phong (Bình Định) lắp đặt hệ thống chiếu sáng tuyến Quốc lộ 19B đoạn đi qua xã Tây An, huyện Tây Sơn, Bình Định. 

Ông Nguyễn Mỹ Quang, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Định cho biết, qua 12 năm thực hiện Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a/2008 của Chính phủ, tại 3 huyện nghèo của tỉnh Bình Định (An Lão, Vĩnh Thạnh và Vân Canh) đã có những đổi thay lớn. Trong giai đoạn 2009-2020, các huyện nghèo của Bình Định được đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động 402 công trình, với tổng kinh phí hơn 1.151 tỉ đồng; trong đó, 38 công trình cấp huyện và 364 công trình cấp xã. Nhờ có nguồn vốn của Chương trình 30a, kết cấu hạ tầng tại vùng nghèo, xã đặc biệt khó khăn được đầu tư xây dựng, cơ bản đáp ứng nhu cầu của người dân trong sinh hoạt và sản xuất; 26/26 xã, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế; 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã và thông suốt 4 mùa; trên 99% người dân được sử dụng điện sinh hoạt... Giai đoạn 2009 – 2020, tỉ lệ hộ nghèo ở 3 huyện An Lão, Vĩnh Thạnh và Vân Canh giảm bình quân 6,5%/năm, với trên 7.900 hộ thoát nghèo.

Bình Định cũng thực hiện tốt chính sách hỗ trợ phát triển rừng, giao đất trồng rừng sản xuất. Đến nay, tỉnh đã giao khoán 60.580 ha cho người dân sản xuất; hỗ trợ sinh kế cho người dân; nhân rộng các mô hình giảm nghèo thông qua các giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, giúp hộ nghèo, đồng bào vùng khó khăn cải thiện đời sống.

Bình Định quan tâm thực hiện chính sách hỗ trợ đất sản xuất, nhà ở, tạo thêm nhiều việc làm mới, hỗ trợ người dân xuất khẩu lao động. Hơn 90.000 lượt hộ dân ở vùng khó khăn được vay vốn ưu đãi, với tổng nguồn vốn hơn 2.000 tỉ đồng để phát triển sản xuất. Hơn 3.600 hộ nghèo được hỗ trợ xây dựng nhà ở; trên 134.800 hộ nghèo được hỗ trợ tiền điện. Ngoài ra, 596.000 lượt người thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số, người dân sống ở vùng đặc biệt khó khăn được cấp miễn phí thẻ bảo hiểm y tế, với tổng số tiền hơn 413,6 tỷ đồng…

Theo ông Nguyễn Mỹ Quang, nhờ nguồn vốn Chương trình 30a và lồng ghép các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, bộ mặt nông thôn 3 huyện nghèo của tỉnh Bình Định ngày càng khởi sắc, đời sống của hầu hết hộ nghèo được cải thiện; thu nhập của người dân ổn định. Hiện thu nhập bình quân đạt 30,5 triệu đồng/năm/người, tăng gấp 3 lần so với năm 2010. Nhận thức của người dân, nhất là hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã có chuyển biến tích cực, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đều đã được triển khai về tận thôn, làng, đến với người dân vùng sâu, vùng xa, từng bước đẩy lùi các hủ tục lạc hậu; đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tại khu dân cư.

Tin, ảnh: Nguyên Linh (TTXVN)
Nghệ An tìm giải pháp giảm nghèo bền vững
Nghệ An tìm giải pháp giảm nghèo bền vững

Năm 2021, tỉnh Nghệ An đề ra mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1-1,5%.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN