Nghệ An tìm giải pháp giảm nghèo bền vững

Năm 2021, tỉnh Nghệ An đề ra mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1-1,5%.

Đối với một địa phương như tỉnh Nghệ An thì đây là việc làm không đơn giản, không chỉ cần nội lực của các địa phương, các ngành trong tỉnh mà quan trọng hơn là cần sự hỗ trợ, giúp đỡ của Trung ương trong công tác giảm nghèo.

Chú thích ảnh
Gia đình chị Lê Thị Trang (bản Hủa Na, xã Châu Hạnh, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An) thoát nghèo từ Chương trình hỗ trợ bò sinh sản. Ảnh: Tá Chuyên/TTXVN

Giải pháp được tỉnh đề ra là tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, thông tin nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành và nhân dân, xác định rõ mục đích, ý nghĩa đối với công tác giảm nghèo cho nhân dân; tập trung phát triển kinh tế-xã hội, tăng cường thu hút các doanh nghiệp có quy mô lớn vào đầu tư sản xuất kinh doanh trên địa bàn để đẩy nhanh tốc độ phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với giảm nghèo, nâng cao mức sống cho nhân dân; chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nghèo, trong đó có các chính sách về vay vốn tín dụng ưu đãi, hỗ trợ hộ nghèo về giáo dục và đào tạo, y tế, nhà ở, tiền điện, các chương trình hỗ trợ các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc miền núi, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển.

Cùng với đó, tỉnh đa dạng hóa nguồn vốn huy động và ưu tiên nguồn lực đầu tư cho mục tiêu giảm nghèo; tiếp tục vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhận giúp đỡ, hỗ trợ các huyện, xã, hộ nghèo, nhất là các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ của 113 cơ quan, đơn vị trong tỉnh đang nhận hỗ trợ, giúp đỡ 115 xã nghèo trên địa bàn tỉnh.

Năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Nghệ An còn 4,11% (tương đương 41.041 hộ). Nghệ An hiện có 3 huyện nghèo được hưởng chính sách đầu tư theo Nghị quyết 30a của Chính phủ (gồm: Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong) và huyện Quỳ Châu là huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao được hưởng cơ chế đầu tư theo Quyết định số 293 của Thủ tướng Chính phủ (nay là Quyết định số 275/QĐ-TTg). Toàn tỉnh cũng có  94 xã đặc biệt khó khăn và 193 thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc, miền núi thuộc diện đầu tư của Chương trình 135; 12 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển.

Năm 2020, tại Nghệ An, tổng nguồn lực huy động thực hiện Chương trình giảm nghèo trên địa bàn đạt 3.406.764 triệu đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương đầu tư theo mục tiêu Chương trình giảm nghèo là 3.191.470  triệu đồng (bao gồm chương trình 30a; hỗ trợ đầu tư các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển; chương trình 135; hỗ trợ các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, an toàn khu và các thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng miền núi; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo; truyền thông về giảm nghèo; nâng cao năng lực; hỗ trợ mua thẻ Bảo hiểm y tế người nghèo, người cận nghèo; miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh nghèo, vốn vay tín dụng ưu đãi Ngân hàng Chính sách xã hội, hỗ trợ tiền điện, trợ giúp pháp lý cho người nghèo....); ngân sách địa phương bố trí được 109.814 triệu đồng; huy động các cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp hỗ trợ 105.480 triệu đồng.

Tại Nghệ An, tuy chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được các địa phương, đơn vị thực hiện một cách đồng bộ, đem lại nhiều kết quả khả quan, tỷ lệ giảm nghèo tuy đạt kế hoạch đề ra, nhưng chưa thực sự bền vững, vẫn còn hộ tái nghèo và hộ nghèo phát sinh mới. Mặt khác, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh đang cao hơn mức bình quân cả nước (Nghệ An còn 4,11%, trong khi cả nước còn 3,75%).

Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do hộ nghèo, hộ cận nghèo tập trung nhiều ở các vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng giáo dân, vùng ven biển; việc bình xét, phân loại hộ nghèo, nguyên nhân nghèo để có biện pháp hỗ trợ phù hợp ở một số địa phương chưa sát thực tế. Trong khi đó, hàng năm nguồn lực đầu tư từ ngân sách địa phương cho công tác giảm nghèo còn ít; một bộ phận người nghèo còn có tư tưởng không muốn thoát nghèo; còn nhiều vướng mắc trong việc lập hồ sơ đầu tư xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng trên địa bàn các huyện nghèo, xã nghèo đặc biệt khó khăn và chậm so với thời gian quy định của Luật Đầu tư công và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Nguyễn Văn Nhật (TTXVN)
Đẩy mạnh phát triển KT-XH gắn với giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Đẩy mạnh phát triển KT-XH gắn với giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Theo thống kê mới nhất của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Nguyên, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2016 - 2020 đã giảm đáng kể từ 13,4% (năm 2016) xuống còn khoảng 3,1% vào cuối năm 2020, bình quân giảm 2,06%/năm, vượt chỉ tiêu đề ra.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN