Đồng bào Khmer địa phương phần lớn cư trú ở nông thôn, với nguồn thu nhập chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp.Trà Cú là huyện nghèo vùng sâu của tỉnh Trà Vinh với dân số trên 156.000 người, trong đó, đồng bào Khmer chiếm hơn 62%. Đây là địa phương có tỷ lệ đồng bào Khmer cao nhất tỉnh. Ông Huỳnh Văn Thảo, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trà Cú cho biết, toàn huyện có 14.000 ha đất trồng lúa, hơn 6.000 ha trồng màu và trên 1.100 ha nuôi thủy sản. Là địa bàn thuần nông, nên những năm qua, huyện ưu tiên hỗ trợ người dân phát triển sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Trong 5 năm qua, huyện đã chuyển đổi hơn 7.400 ha đất sản xuất các loại cây kém hiệu quả sang các cây, con có giá trị kinh tế cao, cho hiệu quả tăng gấp nhiều lần trên cùng vùng đất. Nhiều mô hình cho lợi nhuận cao hơn từ 3 lần trở lên sau chuyển đổi, đang tiếp tục được nhân rộng tại địa phương, như nuôi lươn thương phẩm, nuôi tôm, trồng lúa hữu cơ, rau an toàn, khoai môn, lạc, ớt chỉ thiên…
Bà Quách Thị Út, xã An Quảng Hữu, huyện Trà Cú trồng rau an toàn khoảng 5 năm nay. Bà Út chia sẻ, trước đây, nông dân địa phương chủ yếu trồng lúa nhưng năng suất rất thấp do địa phương thường xuyên bị thiếu nước tưới vào mùa khô. Từ khi được địa phương vận động chuyển sang trồng rau an toàn, tham gia tổ hợp tác, vườn rau 2.000 m2 của gia đình bà luôn cho thu nhập bình quân khoảng 8 triệu đồng/tháng. Vì thị trường đầu ra nông sản an toàn khá ổn định nên nhiều hộ trên địa bàn đã thoát nghèo, thu nhập được cải thiện đáng kể.
Theo Chủ tịch UBND huyện Trà Cú Lê Hồng Phúc, được Trung ương và tỉnh quan tâm, cùng quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân trên địa bàn, thời gian qua huyện đã thực hiện nhiều giải pháp lồng ghép đồng bộ các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, các chính sách an sinh xã hội nên bộ mặt nông thôn các xã vùng sâu, vùng khó khăn có nhiều đổi mới. Giai đoạn 2011-2020, huyện đã giải ngân tổng số tiền gần 1.772 tỷ đồng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Nhờ vậy, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn huyện được hỗ trợ vốn phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, đào tạo nghề, tạo việc làm, hỗ trợ nhà ở, đất ở…
Xác định một trong những nguyên nhân dẫn đến nghèo là do thiếu vốn sản xuất, lãnh đạo huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn phối hợp Phòng Giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện thực hiện đầu tư tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Đây là giải pháp tích cực giúp các hộ nghèo có nguồn vốn làm ăn để vươn lên thoát nghèo bền vững. 10 năm qua, đã có hơn 65.000 lượt hộ được vay ưu đãi tổng số tiền hơn 791 tỷ đồng. Đến cuối năm 2019, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 40,52 triệu đồng/người/năm, tăng 28 triệu/người/năm so với năm 2011. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện từ hơn 33% (cuối năm 2010) đã giảm còn 4,6% (cuối năm 2019).
Tương tự, hàng nghìn hộ nghèo, cận nghèo, hộ nghèo dân tộc, hộ nghèo có chủ hộ là nữ, hộ nghèo thuộc đối tượng chính sách, người có công, hộ nghèo thuộc đối tượng chính sách bảo trợ xã hội ở huyện Duyên Hải được tiếp cận được các chính sách của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo của huyện được kéo giảm bình quân 4,5%/năm, riêng các xã đặc biệt khó khăn giảm 5,3%/năm, hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 6,5% theo chuẩn nghèo quốc gia giai đoạn 2016 - 2020.
Huyện Duyên Hải xác định việc hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộngmô hình giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác giảm nghèo. Vì vậy, huyện tích cực triển khai chương trình trợ giúp trực tiếp về giống cây, vật tư nông nghiệp cho hộ nghèo tại các địa phương tùy theo điều kiện thực tiễn. Theo đó, nhiều hộ nghèo đã mạnh dạn đầu tư trồng trọt, phát triển kinh tế, từng bước ổn định cuộc sống và tích lũy lợi nhuận để tái đầu tư sản xuất.
Bà Thạch Thị Hiền, xã Đôn Châu, huyện Duyên Hải chia sẻ, nhờ sự hỗ trợ vốn sản xuất kịp thời của chính quyền, đoàn thể xã Đôn Châu và huyện Duyên Hải, gia đình bà mới thoát được nghèo. Việc hỗ trợ đã giúp gia đình bà giải quyết khó khăn kinh tế, vừa tạo động lực để thành viên trong gia đình hăng hái lao động, sản xuất.
Theo bà Hiền, gia đình bà thuộc diện hộ nghèo nhiều năm do thiếu vốn sản xuất. Đầu năm 2018, được Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Duyên Hải hỗ trợ vốn 12 triệu đồng đầu tư xây dựng nhà lưới trồng rau màu, cây giống, hệ thống tưới tiêu. Bên cạnh đó, gia đình tranh thủ ngồn vốn hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ nghèo làm chủ hộ của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Đôn Châu, cùng vốn đối ứng, bà đầu tư gần 30 triệu đồng xây dựng nhà lưới trồng rau an toàn trên diện tích 1.000 m2.
Thêm sự cần cù, vượt khó của các thành viên trong gia đình, cuối năm 2018, hộ bà Thạch Thị Hiền đã thoát nghèo thành công. Từ lợi nhuận trồng rau màu, bà Hiền mạnh dạn chăn nuôi bò sinh sản để tăng thêm nguồn thu nhập, phát triển kinh tế gia đình.
Gia đình ông Thạch Vơ, xã Đôn Xuân, huyện Duyên Hải chỉ có 1.000 m2 sản xuất nông nghiệp nhưng hiện có thu nhập rất ổn định nhờ được hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý, thu nhập từ 80 - 100 triệu đồng/năm, tăng gấp 4 - 5 lần so với trồng lúa trước đó. Ông Thạch Vơ chia sẻ, trước đây gia đình là hộ nghèo thường xuyên ở địa phương. Năm 2013, ông vay vốn 15 triệu đồng từ Ngân hàng chính sách xã hội để phát triển sản xuất, cải thiện kinh tế gia đình.
Được chính quyền hướng dẫn, ông dùng số tiền này nuôi bò sinh sản; đồng thời chuyển đổi 1.000 m2 đất trồng lúa sang trồng màu trong nhà lưới. Hiện, ruộng rau của ông luân canh các loại như rau muống, hành lá, khổ qua… 8 vụ/năm cho thu nhập bình quân từ 80 - 100 triệu đồng/năm. Ông cũng xuất bán được nhiều lứa bê, với lợi nhuận 10 triệu đồng/con. Gia đình ông đã trả được nợ ngân hàng, thoát nghèo, kinh tế gia đình hiện khá ổn định.
Tỉnh Trà Vinh hiện còn 1 huyện nghèo loại II, 23 xã khu vực III, 10 ấp đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số thuộc diện đầu tư của Chương trình 135; 4 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, 6 xã đảo và 5 xã an toàn khu. Đến cuối năm 2019, tỉnh còn 9.214 hộ nghèo, giảm 2,73% so với năm 2018; trong đó hộ nghèo dân tộc Khmer còn 5.394 hộ, giảm 5,22%. Năm 2020, Trà Vinh đặt mục tiêu giảm tối thiểu 1,5% số hộ nghèo, riêng hộ dân tộc Khmer nghèo giảm từ 2 - 3%.