Cầu treo xóm Sống mục nát, rào chắn han gỉ, bong mối hàn

Cây cầu treo là con đường độc đạo để giao thương, đi lại của người dân xóm Sống đang bị xuống cấp trầm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân.

Nhân Mỹ là xã vùng sâu đặc biệt khó khăn của huyện Tân Lạc (Hòa Bình). Đời sống của người dân chủ yếu dựa vào chăn nuôi, trồng trọt nông nghiệp. Cơ sở hạ tầng thiết yếu như đường giao thông, trường học, trạm y tế... còn nhiều thiếu thốn. Cây cầu treo là con đường độc đạo để giao thương, đi lại của người dân xóm Sống đang bị xuống cấp trầm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân trong xã. Đặc biệt, hiện nay đang là mùa mưa bão, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, đe dọa đến tính mạng người dân mỗi khi qua lại cây cầu treo này. 

Chú thích ảnh
Người dân lưu thông hết sức khó khăn trên cầu. 

Được đầu tư xây dựng năm 2008 bằng nguồn vốn ngân sách huyện, cầu treo xóm Sống có ý nghĩa quan trọng đối với đời sống sinh hoạt, sản xuất hàng ngày của hơn 126 hộ dân, với hơn 500 nhân khẩu trên địa bàn.

Sau hơn 10 năm đưa vào sử dụng, mặt cầu treo bằng gỗ xẻ đã bị mục nát. Do vậy, người dân trong xóm đã tự hô hào để ủng hộ cây tre, bương thay thế đi tạm. Giờ đây, mặt cầu lại tiếp tục mục nát, rơi rụng, nhiều đoạn xuất hiện các khoảng trống 30 cm, lọt cả bánh xe máy xuống. Bên cạnh đó, các dây cáp, dầm cầu, rào chắn hai bên đều đã han gỉ, bong mối hàn. Trụ cầu đang bong tróc lớp bê tông để lộ cốt sắt bên trong.

Anh Bùi Văn Lực, xóm Sống, xã Nhân Mỹ, huyện Tân Lạc chia sẻ: "Gia đình thường xuyên đi lại qua cầu, trung bình khoảng 6 lần/ngày, mỗi lần đi qua sợ xảy ra tai nạn lắm. Nhiều người dân đi lại trên cầu đã xảy ra tình trạng lọt bánh xe xuống sàn cầu, trượt ngã thường xuyên. Đặc biệt đang trong mùa mưa bão như hiện nay, việc đưa đón trẻ đến trường rồi về nhà luôn phải có người lớn đi kèm".

Chú thích ảnh
Rào chắn, dây cáp treo han gỉ trực chờ bung rơi bất cứ lúc nào. 

Gần đây, khi xóm có đám tang, vì sợ xảy ra sự cố, cả xóm phải chặt tre chống cầu cho người già và trẻ em qua lại, còn thanh niên khiêng quan tài lội bộ qua suối, anh Lực cho biết thêm.

Từ khi cầu treo bị hư hỏng xuống cấp, hàng tháng, người dân trong xóm vận động đóng góp bương, tre và ngày công để tu sửa, nhưng chỉ được một thời gian ngắn là lại mục nát. Nguy hiểm hơn là những ngày mưa, các thanh tre, bương bập bềnh dính bùn đất trơn trượt không ai dám đi lại.

Bí thư Chi bộ xóm Sống Bùi Văn Bỉnh cho biết, cây cầu treo xuống cấp nhiều năm nay, đã gây mất an toàn giao thông trầm trọng, ảnh hưởng đến đời sống, phát triển kinh tế địa phương. Các mặt hàng nông sản do người dân sản xuất như: ngô, khoai, bí... khó vận chuyển ra ngoài để tiêu thụ. Người dân nghèo vẫn hoàn nghèo. Người dân mong muốn Nhà nước quan tâm, sớm đầu tư kinh phí sửa chữa lại cầu, để đi lại được an toàn và phát triển kinh tế.  

Chú thích ảnh
Gầm cầu treo đã han gỉ, bung mối hàn. 

Trước thực trạng này, người dân và chính quyền xã đã gửi đơn đề xuất, kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền. Tháng 2/2020, UBND huyện Tân Lạc đã có văn bản gửi Sở Giao thông Vận tải tỉnh Hòa Bình về việc xin hỗ trợ kinh phí để sửa chữa, cải tạo, nâng cấp công trình. Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình đã ban hành Quyết định số 326 về việc phân bổ kinh phí quản lý, bảo trì đường bộ năm 2020 để sửa chữa cải tạo cầu treo xóm Sống, với tổng kinh phí 800 triệu đồng. Hiện, UBND huyện Tân Lạc đang giao cho các cơ quan chuyên môn hoàn thiện thủ tục đầu tư xây dựng theo quy định.

Tin, ảnh: Thanh Hải (TTXVN)
Cầu treo Đakrông - biểu tượng của núi rừng miền Tây Quảng Trị
Cầu treo Đakrông - biểu tượng của núi rừng miền Tây Quảng Trị

Cầu treo Đakrông bắc qua sông Đakrông, nằm bên Quốc lộ 9, thuộc thị trấn Đăkrông, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị, là một phần trong quần thể trong Khu di tích – danh thắng Đakrông.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN