Cầu nối đưa chính sách tín dụng đến người nghèo

Được ví như những “cánh tay” nối dài của Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Bến Tre, tổ tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn tỉnh đã mở rộng mạng lưới hoạt động đến tận hầu hết các khóm, ấp.

Chú thích ảnh
Định kỳ mỗi tháng, các nhân viên Ngân hàng chính sách xã hội đến các phòng giao dịch để giải ngân, thu lãi và nắm bắt, tháo gỡ khó khăn của các Tổ Tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn tỉnh Bến Tre. 

Nhờ đó, nhiều hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng chính sách được tiếp cận nguồn vốn vay kịp thời để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống; đồng thời, nâng cao ý thức tiết kiệm, có điều kiện trả nợ, trả lãi, giảm gánh nặng khi đến thời hạn hoàn trả nguồn vốn đã vay.

“Cánh tay” đắc lực

Tính đến ngày 30/6/2022, Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Bến Tre đã thực hiện 12 chương trình tín dụng, tăng 8 chương trình so với thời điểm triển khai vào năm 2003; Doanh số cho vay hơn 461 tỷ đồng, với 41.840 lượt hộ vay.

Trong 20 năm triển khai chính sách tín dụng ưu đãi theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính Phủ về tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần hỗ trợ cho hàng chục nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác; giúp 3.028 hộ vượt qua ngưỡng nghèo, 8.015 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học, 86 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.

Bên cạnh đó, nguồn vốn tín dụng chính sách còn góp phần tạo việc làm cho hơn 11.000 lao động từ Quỹ Quốc gia về việc làm; xây dựng 14.524 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường; xây dựng 85 căn nhà cho hộ nghèo, 68 căn nhà ở xã hội cho các đối tượng chính sách, 17 căn nhà ở xã hội... Qua đó, góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn thành phố xuống còn 1,08%, hộ cận nghèo còn 1,03% vào cuối quý I/2022.

Đặc biệt, 143 tổ tiết kiệm và vay vốn được thành lập tại 40/69 ấp, khu phố, với gần 5.600 hộ thành viên, thành phố Bến Tre được đánh giá là một trong những địa phương có mạng lưới tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động hiệu quả trong thời gian qua tại tỉnh tỉnh Bến Tre.

Tổ tiết kiệm và vay vốn ấp 1, xã Phú Nhuận, thành phố Bến Tre do bà Bùi Thị Thắm làm tổ trưởng có 60 hộ dân tham gia, chủ yếu có nhu cầu về vốn để phục vụ sản xuất nông nghiệp, cải thiện đời sống sinh hoạt. Tổng dư nợ tại tổ hơn 1,6 tỷ đồng.

Bà Thắm cho biết, trước khi tiến hành làm hồ sơ để các đối tượng chính sách được tiếp cận nguồn vốn, điều kiện tiên quyết phải là hộ gia đình chí thú làm ăn. Sau đó, tổ tiết kiệm và vay vốn họp bình xét cho vay có sự tham dự của cán bộ Hội đoàn thể cấp xã, Trưởng ấp đảm bảo công khai, minh bạch, công bằng, dân chủ và đúng đối tượng.

Ngoài việc luôn hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, các thành viên trong tổ luôn tương trợ giúp đỡ nhau trong sản xuất và đời sống, nâng cao thu nhập. Song song đó, ban quản lý tổ cũng thường xuyên kiểm tra, giám sát việc sử dụng nguồn vốn vay của hộ vay, đôn đốc hộ vay tuân thủ theo các quy ước của tổ như trả nợ, trả lãi đúng hạn, hướng tới việc phấn đấu không phát sinh nợ quá hạn, không có nợ quá hạn và lãi tồn.

Mặt khác, tổ cũng tích cực vận động hộ vay tiết kiệm chi tiêu, hình thành thói quen gửi tiết kiệm, tạo nguồn vốn tích lũy cho gia đình. Hiện, hầu hết các thành viên trong tổ đều tham gia gửi tiết kiệm qua tổ tiết kiệm và vay vốn cố định hàng tháng.

Nhờ nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội, nhiều hộ dân trong ấp 1 đã vươn lên thoát nghèo. Trong cuộc bình xét vay vốn gần đây của tổ, bà Đặng Thị Liền đã được giải ngân 20 triệu đồng để bắt đầu cải tạo 4.000 m2 dừa xiêm.

Chú thích ảnh
Cán bộ tín dụng chính sách tư vấn cho người dân. 

Bà Liền chia sẻ, hiện tại giá dừa đang xuống thấp nhưng giá phân bón, công lao động lại tăng cao, người dân gặp rất khó khăn trong việc cải tạo vườn cây để phục hồi sản xuất cho vụ mùa sau. Nhờ có nguồn tín dụng chính sách được giải ngân, nông dân giảm nỗi lo phải “vay nóng” bên ngoài để làm ăn.

Bà Liền cho hay, tất các giao dịch về hồ sơ, nhận vốn, đóng lãi, trả nợ đều được thực hiện ở điểm giao dịch tại Ủy ban nhân dân xã Phú Nhuận vào ngày cố định hàng tháng, ngay cả cuối tuần hay nghỉ lễ. Khoảng cách gần, thủ tục đơn giản, minh bạch, lãi suất thấp lại được giao dịch trực tiếp với các giao dịch viên giúp người dân tiết kiệm về thời gian và an tâm hơn.

Tạo điều kiện hoàn vốn

Thực tế người vay có nhu cầu được giải ngân nhưng khâu hoàn vốn đã vay như một áp lực Với phương châm “tích tiểu thành đại”, những hộ vay có thu nhập thấp, hộ nghèo, hộ cận nghèo... trên địa bàn tỉnh Bến Tre đã linh hoạt gửi tiết kiệm qua tổ tiết kiệm và vay vốn. Đây là cách để giúp người dân dần hình thành ý thức tích lũy, có điều kiện tích góp để trả nợ, giảm gánh nặng khi đến thời hạn hoàn trả vốn vay.

Cựu chiến binh Lê Văn Thảo trú tại ấp Mỹ Sơn Đông, xã Phú Mỹ, huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre được Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ vay 50 triệu đồng để phát triển sản xuất cây giống từ năm 2020. Ông chia sẻ, gia đình vừa mới thoát nghèo, kinh tế chưa ổn định, vì vậy tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi là một cứu cánh để tránh nguy cơ tái nghèo.

Tuy nhiên, giá mít giống thời gian qua xuống thấp nên đối với ông Thảo hiện tại, đây là một "món nợ" lớn. Ý thức được gánh nặng đến khi đáo hạn, ông Thảo đều đặn tích góp đã gửi tiết kiệm 200.000 đồng/tháng vào Tổ tiết kiệm và Vay vốn ấp Mỹ Sơn Đông.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và Vay vốn ấp Mỹ Sơn Đông, xã Phú Mỹ, huyện Mỏ Cày Bắc cho biết, thời gian đầu, việc triển khai hình thức tiết kiệm gặp nhiều khó khăn. Vì đa phần các tổ viên thuộc thành phần kinh tế khó khăn thu nhập không ổn định nên rất ngại tham gia.

Trước tình hình này, cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội, các hội, đoàn thể và tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn tích cực tuyên truyền về ý nghĩa và lợi ích của việc tham gia gửi tiết kiệm thông qua tổ. Từ đó, nhận thức của người dân được nâng cao và tỷ lệ tham gia ngày càng nhiều.

Ông Hùng cũng giải thích thêm, hiểu rõ hoàn cảnh của các tổ viên, việc gửi tiết kiệm cũng được linh động. Theo đó, người gửi hoàn toàn có thể tăng hay giảm tuỳ theo thu nhập của bản thân, nhưng phải duy trì thực hiện đều đặn hàng tháng.

Ông Nguyễn Thành Ẩn, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Mỏ Cày Bắc thông tin, hiện, Hội Cựu chiến binh huyện quản lý dư nợ hơn 38 tỷ đồng, với hơn 1.500 hộ vay. Các chi hội trên địa bàn huyện cũng củng cố và nâng cao 59 tổ tiết kiệm và vay vốn tại 13 xã, với với khoảng 1.500 thành viên, huy động tiền gửi tiết kiệm trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt trên 3 tỷ đồng.

Theo Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Mỏ Cày Bắc, việc huy động tiền gửi tiết kiệm thông qua tổ tiết kiệm và vay vốn mang lại lợi ích kép. Qua đó, tạo thêm nguồn vốn bổ sung, hỗ trợ đắc lực cho các đối tượng thụ hưởng chính sách để sản xuất, kinh doanh, cải thiện cuộc sống.

Chú thích ảnh
Người dân xã Phú Nhuận, thành phố Bến Tre, tỉnh Bến Tre tìm hiểu về các chương trình tín dụng ưu đãi được nêm yết công khai tại phòng giao dịch xã. 

Ngoài ra, gửi tiết kiệm cũng là cách giúp người nghèo, đối tượng chính sách tích góp, tạo lập nguồn vốn, thực hiện tốt kế hoạch trả nợ, thậm chí có thêm vốn để mở rộng phát triển sản xuất, kinh doanh và vươn lên thoát nghèo bền vững. Trong quá trình gửi tiết kiệm, khách hàng cũng được hưởng mức lãi suất tiền gửi nên cũng tạo thêm thu nhập cho người gửi tiền (tiền lãi).

Theo ông Nguyễn Mạnh Hoài, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Bến Tre, tổ tiết kiệm và vay vốn là khâu quan trọng trong phương thức cho vay, là cánh tay nối dài của Ngân hành Chính sách xã hội trong thực hiện tín dụng chính sách xã hội. Đây chính là cầu nối giữa ngân hàng với người vay vốn, đã góp phần chuyển tải nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến với các đối tượng được thụ hưởng kịp thời.

Phó Giám đốc Ngân hành Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh lý giải, do tổ tiết kiệm và vay vốn được thành lập theo cụm dân cư, tổ nhân dân tự quản liền kề nên biết rõ nhu cầu vay vốn của các đối tượng thụ hưởng, tích cực hướng dẫn hồ sơ vay, tổ chức họp bình xét cho vay công khai, dân chủ.

Đồng thời có sự giám sát, kiểm tra việc sử dụng vốn của hộ vay; đôn đốc hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích và có hiệu quả, chấp hành nguyên tắc có vay có trả; phối hợp với Ngân hành chính sách xã hội xử lý nợ quá hạn, lãi tồn, nợ bị rủi ro, hộ vay bỏ địa phương.

Bên cạnh đó, tổ tiết kiệm và vay vốn còn giữ vai trò nòng cốt tích cực vận động hộ vay tiết kiệm chi tiêu, hình thành thói quen gửi tiết kiệm, tạo nguồn vốn tích lũy, trả nợ cho gia đình, giảm tỷ lệ nợ bị rủi ro, nợ quá hạn,…

Tính đến 30/6/2022, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Bến Tre có 2.956 tổ tiết kiệm và vay vốn, với 105.087 tổ viên. Bình quân, mỗi tổ tiết kiệm và vay vốn có 36 tổ viên, gửi tiết kiệm 75 triệu đồng.

Theo đánh giá, xếp loại tốt có 2.414 tổ, chiếm tỷ lệ 81,67%; khá 401 tổ, chiếm tỷ lệ 13,57%; trung bình 116 tổ, chiếm tỷ lệ 3,92 % và yếu 22 tổ, chiếm tỷ lệ 0,74%.

Bài, ảnh: Chương Đài (TTXVN)
Chính sách tín dụng ưu đãi ở Bầu Bàng giúp doanh nghiệp, người dân vượt khó
Chính sách tín dụng ưu đãi ở Bầu Bàng giúp doanh nghiệp, người dân vượt khó

Thời gian qua, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Bầu Bàng, tỉnh Bình Dương đã giải ngân kịp thời nguồn vốn tín dụng chính sách đến với người dân, về tận thôn xã, giúp bà con phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, cải thiện cuộc sống. Nhờ có vốn ưu đãi từ NHCSXH, nhiều hộ nghèo, cận nghèo, cả hộ mới thoát nghèo đã thâm canh trồng trọt, chăn nuôi tạo ra giá trị kinh tế cao.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN