Chính sách tín dụng giúp nhiều hộ nghèo tăng thu nhập

Thời gian qua, tỉnh Bến Tre đã thực hiện nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo thoát nghèo. Đặc biệt, thông qua nguồn vốn tín dụng ưu đãi, nhiều hộ nghèo sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả trong sản xuất đã góp phần cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo. 

Chú thích ảnh
Người dân xã Thành An, huyện Mỏ Cày Bắc nhận tiền hỗ trợ tại UBND xã chiều 6/5. 

Hiệu quả từ nguồn vốn

5 năm trước, gia đình chị Phan Thị Hiệp, ấp Tân Thành, xã Tân Thủy, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre cũng thuộc diện hộ nghèo. Gia đình 4 thành viên sống trong ngôi nhà tranh vách ván tạm bợ trống trước hở sau. Mùa mưa năm 2015, ngôi nhà bị sập hoàn toàn khiến gia đình chị lại thêm khổ.

Nhờ nguồn vốn 30 triệu vay từ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Ba Tri để chăn nuôi bò, gia đình có thêm những lứa bò con, bò cái trong 3 năm liên tiếp. Mang bò đực đi bán, cộng thêm số tiền tích góp được từ nghề đi biển của chồng, gia đình chị Hiệp vươn lên hộ cận nghèo, trả được nợ. Chị Hiệp lại tiếp tục vay diện hộ cận nghèo 30 triệu đồng để mua bò, gà, vịt chăn nuôi thêm.

Chăn nuôi hiệu quả, kinh tế ổn định giúp chị Hiệp lo cho hai con học tập, xây được căn nhà kiên cố và vươn lên thoát nghèo năm 2019. Nhận thấy nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách Xã hội có ưu đãi cho đối tượng hộ mới thoát nghèo, chị mạnh dạn vay tiếp 60 triệu đồng để chăn nuôi bò và có vốn cho con đi xuất khẩu lao động có thời hạn. Thoát nghèo rồi, tinh thần thoải mái, có động lực phấn đấu tiếp để cuộc sống tốt hơn - chị Hiệp chia sẻ.

Ông Trần Xuân Hùng, Trưởng ấp Tân Thành cho biết, năm 2015, ấp có trên 12% hộ nghèo, đến nay tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,31% (12 hộ). Trước đây, đời sống người nghèo rất khó khăn, kinh tế chủ yếu chăn nuôi nhỏ lẻ, khai thác thủy sản và làm muối. Hộ nghèo, cận nghèo ở ấp đều không có đất sản xuất nên chăn nuôi là mô hình sinh kế thoát nghèo của nhiều hộ. Nhờ có nguồn vốn hỗ trợ từ Ngân hàng Chính sách Xã hội nên hộ nghèo thoát được nghèo, có vốn để tăng thêm đàn bò, đàn dê với quy mô lớn hơn. 

Xã Tân Thủy (huyện Ba Tri) là xã bãi ngang ven biển đầu tiên của tỉnh Bến Tre được công nhận xã nông thôn mới cuối năm 2015, đến năm 2016 xã Tân Thủy không còn là xã bãi ngang ven biển. Hiện xã còn 92 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 3,6%), so với năm 2016, số hộ nghèo của xã giảm.

Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thủy Bùi Thị Cẩm Hồng cho biết, trong thời gian xây dựng nông thôn mới có nhiều nguồn ưu tiên hỗ trợ đầu tư cơ sở vật như đường giao thông, các công trình trường học, trạm y tế,… đời sống người dân được nâng lên. Tuy nhiên, những hộ nổi trội, có điều kiện phát triển thì đời sống ổn định nhưng những hộ nghèo thì khó phát triển. Bởi đa phần người nghèo, cận nghèo thiếu vốn, đất sản xuất, thiếu việc làm ổn định. Vì vậy, đồng vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội đóng vai trò rất quan trọng đối với người nghèo ở xã Tân Thủy.

Vì hộ nghèo, cận nghèo không có tài sản để thế chấp nên không thể vay từ các ngân hàng khác nhưng với Ngân hàng Chính sách Xã hội, hộ nghèo, cận nghèo chỉ cần có giấy chứng nhận là được vay vốn. Đó là điều kiện rất thuận tiện cho hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận nguồn vốn - bà Cẩm Hồng cho hay.

Từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách Xã hội cùng với sự giám sát, định hướng của địa phương đã giúp hộ nghèo, cận nghèo sử dụng đồng vốn đúng mục đích đem lại hiệu quả cao. 90% hộ nghèo, cận nghèo ở xã Tân Thủy vay vốn để trồng cỏ, chăn nuôi bò, chăn nuôi dê để cải thiện cuộc sống. 

Theo bà Đặng Thị Thủy - Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Ba Tri cho biết, trong giai đoạn 2016 - 2020, ngân hàng đã cho trên 10.500 hộ nghèo, hộ cận nghèo vay gần 377 tỷ đồng. Qua kiểm tra sử dụng vốn cho thấy, nguồn vốn cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo đem lại hiệu quả cao (trên 95% hộ nghèo, hộ cận nghèo sử dụng vốn có hiệu quả). Nguồn vốn được người dân tập trung vào sản xuất nông nghiệp, nhất là nuôi bò sinh sản. Trong đó, tỷ trọng vốn đầu tư cho phát triển đàn bò chiếm hơn 90% tổng vốn đầu tư. Đây là mô hình kinh tế có hiệu quả giúp cho hộ nghèo có điều kiện tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.

Tiếp tục đồng hành 

Từ năm 2016 - 2020, Ngân hàng Chính sách Xã hội chi nhánh tỉnh Bến Tre đã cho 51.248 lượt hộ nghèo, cận nghèo vay vốn với tổng số tiền 2.350 tỷ đồng. Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần giúp trên 20.300 hộ vượt qua ngưỡng nghèo, tạo việc làm cho trên 7.100 lao động, hỗ trợ 487 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, giúp gần 4.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục con đường học tập, xây dựng trên 115.500 công trình nước sạch, công trình vệ sinh và trên 900 căn nhà cho hộ nghèo,... 

Vốn tín dụng chính sách xã hội đã giúp giải quyết những vấn đề căn bản, thiết yếu trong cuộc sống cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác; tạo nguồn lực giúp các địa phương khai thác tiềm năng, thế mạnh, mang lại hiệu quả thiết thực về kinh tế - xã hội. Từ đó, góp phần thực hiện tốt các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, nông thôn mới, an sinh xã hội; ngăn chặn, hạn chế “tín dụng đen”. 

Hiện Ngân hàng Chính sách Xã hội có chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo với mức vay tối đa 100 triệu đồng/hộ, thời gian vay tối đa 120 tháng để phát triển sản xuất, kinh doanh. Khi đã thoát nghèo, các hộ này còn được vay chương trình cho vay hộ thoát nghèo, chương trình cho vay tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm với mức vay tối đa 100 triệu đồng/hộ để hộ thoát khỏi nguy cơ tái nghèo.

Ngoài ra, ngân hàng còn cho người lao động thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo vay đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài với mức vay tối đa bằng 100% chi phí ghi trong hợp đồng lao động; cho vay đi học đại học, cao đẳng, trung cấp, học nghề với mức vay 2,5 triệu đồng/tháng; cho vay xây nhà ở cho hộ nghèo với mức vay 25 triệu đồng/hộ…

Theo bà Trần Lam Thùy Dương - Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội chi nhánh tỉnh Bến Tre, thời gian qua, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vay vốn hợp lý của hộ nghèo. Qua đó, góp phần giảm 5,42% tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2016 - 2020 (tỷ lệ hộ nghèo năm 2016 là 12,11%, giảm còn 4,59% giữa năm 2020).

Tuy nhiên, theo bà Thùy Dương, hiện mức cho vay tối đa đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định là 100 triệu đồng/hộ nhưng giai đoạn 2016 - 2020, mức vay bình quân khoảng 35 triệu đồng/hộ. Qua kiểm tra thực tế, hộ nghèo, hộ cận nghèo vay số tiền càng lớn, cơ hội thoát nghèo càng cao. Vì vậy, mức vay mà hộ nghèo, cận nghèo đã vay thời gian qua khá thấp nên cơ hội thoát nghèo bền vững còn hạn chế. 

Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội chi nhánh tỉnh Bến Tre cho rằng, hộ nghèo, hộ cận nghèo khi vay vốn để phát triển kinh tế thoát nghèo ngoài ý chí, quyết tâm thoát khỏi ngưỡng cửa nghèo cần có nhiều sinh kế, dự án khả thi, phù hợp với điều kiện kinh tế, lao động của gia đình.

Để làm được điều đó, cấp ủy, chính quyền, hội, đoàn thể phân công cán bộ vừa giúp họ xây dựng sinh kế, dự án, vừa đồng hành với họ suốt chu kỳ sinh kế, dự án. Hộ nghèo, cận nghèo nếu có nhiều sinh kế, dự án khả thi, ngân hàng chính sách xã hội khuyến kích họ vay đến mức tối đa để thực hiện và thoát nghèo trong thời gian sớm nhất. 

Đồng hành cùng người nghèo trong thời tới, Ngân hàng Chính sách Xã hội chi nhánh tỉnh Bến Tre tiếp tục triển khai thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội đến người nghèo, đối tượng chính sách khác; đảm bảo 100% hộ nghèo, cận nghèo đủ điều kiện vay và có nhu cầu vay đều tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi cũng như dịch vụ của ngân hàng.

Tin, ảnh: Trần Thị Thu Hiền (TTXVN)
Vốn tín dụng chính sách góp phần giảm nghèo ở Kon Tum
Vốn tín dụng chính sách góp phần giảm nghèo ở Kon Tum

Kon Tum là tỉnh có tỉ lệ người dân là đồng bào dân tộc thiểu số cao (chiếm hơn 53%), nhận thức còn nhiều hạn chế nên kinh tế chậm phát triển, nhất là vùng sâu, vùng xa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN