Như vậy, sau huyện Tháp Mười đây là huyện thứ hai của tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới. Bên cạnh đó, ba thành phố là Cao Lãnh, Hồng Ngự, Sa Đéc đã được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Trong 10 năm qua, huyện Cao Lãnh đã huy động hơn 17.253 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới, trong đó, nhân dân đóng góp trên 1.072 tỷ đồng. Đến nay, huyện không có nợ đọng xây dựng cơ bản trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Cả hệ thống chính trị huyện Cao Lãnh đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân, nhà hảo tâm chung tay xây dựng nông thôn mới. Với hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm, toàn huyện đã xây dựng được gần 832km đường giao thông nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa. Hệ thống giao thông của huyện cơ bản hoàn chỉnh.
Kinh tế huyện Cao Lãnh tiếp tục duy trì mức tăng trưởng khá theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, thương mại và dịch vụ trong cơ cấu kinh tế. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt gần 57 triệu đồng/năm; hộ nghèo giảm còn 1,54%. Tỷ lệ hộ dân sử dụng điện thường xuyên và an toàn là 99,44%, tăng 6,31% so với năm 2011... Tỷ lệ nhà ở đạt chuẩn theo quy định của Bộ Xây dựng chiếm 83,62%.
Theo UBND huyện Cao Lãnh, 10 năm qua, huyện đã không ngừng nỗ lực hoàn thiện các tiêu chí xã, huyện nông thôn mới. Đến nay, địa phương đạt nhiều kết quả nổi bật như: Kết cấu hạ tầng được đầu tư theo hướng đồng bộ, theo chuẩn nông thôn mới, từng bước hiện đại; các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, môi trường có nhiều chuyển biến, thay đổi tích cực. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt. Hệ thống chính trị được củng cố, tăng cường; an ninh-quốc phòng, trật tự an toàn xã hội ổn định…
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa nhấn mạnh, huyện Cao Lãnh từng vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong kháng chiến chống Mỹ và Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Giờ đây, Đảng bộ và nhân dân huyện Cao Lãnh tiếp tục lập nên thành tích đáng tự hào khi trở thành huyện nông thôn mới.
Cao Lãnh có địa bàn rộng với 18 xã, thị trấn, nhiều nhất so với các địa phương khác trong tỉnh. Trong đó, nhiều xã thuộc vùng sâu, vùng căn cứ kháng chiến, cơ sở hạ tầng và đời sống người dân còn khó khăn. Tuy nhiên, với quyết tâm “biến không thành có”, sau 10 năm xây dựng nông thôn mới, hiện nay, huyện Cao Lãnh có diện mạo mới khang trang.
Ông Phạm Thiện Nghĩa lưu ý, mặc dù Cao Lãnh được công nhận là huyện nông thôn mới nhưng cần xác định đây chỉ là bước khởi đầu. Huyện còn nhiều việc phải làm để hoàn thiện, nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới. Điều quan trọng nhất là lãnh đạo địa phương phải luôn nuôi dưỡng khát vọng xây dựng quê hương giàu mạnh hơn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
Ghi nhận những nỗ lực và thành quả đạt được trong phong trào thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới” của huyện Cao Lãnh, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp tặng Bằng khen 27 tập thể, 49 cá nhân có thành tích xuất sắc trên địa bàn. Chủ tịch UBND huyện Cao Lãnh tặng Giấy khen cho nhiều tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong xây dựng nông thôn mới.
Tại buổi lễ, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong và Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đồng Tháp Phan Văn Thắng trao Huy hiệu 40, 45, 50 năm tuổi Đảng cho 8 đảng viên thuộc Đảng bộ huyện Cao Lãnh.