Tuy nhiên, trong quá trình kiểm tra các ngành chức năng tỉnh Lào Cai đã phát hiện nhiều bất cập chưa được xử lý triệt để tại các dự án thủy điện như công tác lập quy hoạch, lập dự án đầu tư, thiết kế kỹ thuật, thi công xây dựng cho đến việc quản lý vận hành.
Ảnh hưởng sinh kế người dân
Qua khảo sát một số dự án thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh Lào Cai của các ngành chức năng cho thấy một số dự án thủy điện đã tác động tiêu cực, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của người dân địa phương như gây ngập úng, sụt lún nhà ở, ngập úng cây trồng, làm mất diện tích đất sản xuất. Cá biệt, một số công trình thủy điện khi xây dựng đã gây ô nhiễm môi trường sinh thái, đường giao thông xuống cấp do vận chuyển vật liệu thi công dự án.
Theo ông Hoàng Chí Hiền, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lào Cai, nhiều bất cập tồn tại là do việc đánh giá tác động môi trường của một số dự án thủy điện chưa sát thực tế. Chủ đầu tư các dự án thủy điện chưa quan tâm giải quyết triệt để ý kiến, kiến nghị của người dân bị ảnh hưởng, còn có thái độ chây ỳ, chưa phối hợp tốt với chính quyền địa phương các cấp, đặc biệt là người đứng đầu các doanh nghiệp ít khi làm việc trực tiếp với chính quyền địa phương để thống nhất phương án giải quyết hài hòa lợi ích của các bên.
Một số dự án thủy điện đang gây nhiều bức xúc cho người dân cụ thể như Nhà máy thủy điện Phúc Long, công suất 22MW, do Công ty cổ phần thủy điện Phúc Long làm chủ đầu tư, phát điện thương mại hơn 1 năm nay. Dù nhà máy đã cam kết nhiều lần nhưng vẫn chưa đền bù thiệt hại do ngập úng ruộng vườn, lún nứt nhà ở của 150 hộ dân ở thị trấn Phố Ràng, xã Phúc Khánh, xã Xuân Thương, thuộc huyện Bảo Yên. Nhà máy thủy điện Nậm Lúc, công suất 24MW, do Công ty cổ phần thủy điện Đông Nam Á làm chủ đầu tư, tích nước hồ chứa gây sạt lở đường điện và đường giao thông đi lại của người dân thôn Kho Vàng, xã Cốc Lầu (Bắc Hà - Lào Cai) từ tháng 4/2021 đến nay vẫn chưa giải quyết dứt điểm.
Thủy điện Bản Hồ (chủ đầu tư là công ty Việt Long) tại xã Bản Hồ, thị xã Sa Pa xả lũ bất ngờ về đêm gây ngập úng nhà cửa, thiệt hại tài sản của người dân nhưng đã hơn 3 năm trôi qua vẫn chưa thực hiện xong việc đền bù.
Ông Trần Trọng Thông, Phó chủ tịch UBND thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai chia sẻ thêm, nhiều doanh nghiệp thủy điện đã không phối hợp tốt với chính quyền địa phương trong giải phóng mặt bằng, đền bù cho người dân dẫn tới những bất cập tồn tại kéo dài. Thậm chí tại nhiều dự án thủy điện trong qúa trình xây dựng, vận hành còn xảy ra mâu thuẫn, gây mất an ninh trật tự buộc lực lượng chức năng và chính quyền địa phương phải vào cuộc.
Ngoài ra, tại huyện Văn Bàn, do ngành chức năng và địa phương giám sát, quản lý không chặt chẽ, có 4 nhà máy đã lắp đặt công suất lớn hơn so với công suất cho phép, gây sự đã rồi, cơ quan chức năng phải áp dụng hình thức phạt cho tồn tại, dẫn đến nhiều hệ lụy.
Cụ thể như Nhà máy thủy điện Nậm Xây Nọi của Công ty cổ phần thủy điện Nậm Xây Nọi 2 xây vượt thiết kế cho phép 3 MW (từ 12 lên 15 MW); Nhà máy thủy điện Minh Lương, do Công ty cổ phần Nam Tiến làm chủ đầu tư, xây vượt 2MW; Nhà máy thủy điện Minh Lương Thượng, do Công ty cổ phần phát triển thủy điện làm chủ đầu tư xây vượt 2,4 MW; Nhà máy thủy điện Nậm Lúc do Công ty cổ phần thủy điện Đông Nam Á làm chủ đầu tư, xây vượt 4MW.
Nhà máy thủy điện Minh Lương Thượng tự ý sử dụng 2,7 ha đất lúa trong khi chưa hoàn thiện hồ sơ thuê đất theo quy định. Qua rà soát về đất đai, có 4 dự án chưa thuê diện tích đất mặt nước (lòng hồ) gồm: Thủy điện Suối Chăn 1, huyện Văn Bàn; Thủy điện Vĩnh Hà, Thủy điện Phúc Long và Thủy điện Xuân Hòa, huyện Bảo Yên. Tại huyện Văn Bàn có 4 nhà máy thủy điện, là: Nậm Tha 3, Nậm Tha 4, Nậm Tha 5, Nậm Tha 6 có một số hạng mục thi công ra ngoài phạm vi ranh giới được cấp và chưa thực hiện thu hồi đất, thu hồi rừng.
Chế tài xử lý chưa đủ mạnh
Ông Hoàng Chí Hiền, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lào Cai cho biết, để khắc phục những tồn tại, hạn chế của các dự án thủy điện làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của nhân dân khu vực dự án, tỉnh Lào Cai đã giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức rà soát, đánh giá tổng thể quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn, kiên quyết loại ra khỏi quy hoạch các dự án thủy điện nhỏ không đảm bảo hiệu quả kinh tế, có chiếm nhiều đất rừng tự nhiên, ảnh hưởng lớn đến dân cư và tác động xấu đến môi trường.
Các cơ quan có liên quan nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước về môi trường trong việc lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường. Yêu cầu chủ đầu tư, đơn vị tư vấn thực hiện lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, giải pháp và kinh phí để khắc phục các ảnh hưởng trước và sau khi tích nước hồ chứa đến hai bên bờ hồ và vùng hạ du đập, nhà máy.
Các cơ quan tăng cường kiểm tra, giám chủ đầu tư các dự án thủy điện, kịp thời phát hiện và yêu cầu chủ đầu tư thực hiện các biện pháp bồi thường thiệt hại do dự án gây ra. Xử lý các chủ đầu tư dự án không tuân thủ các quy định của pháp luật về xây dựng, gây ô nhiễm môi trường sinh thái... Xem xét, đề xuất thu hồi giấy phép hoặc đình chỉ thi công để khắc phục hậu quả, giảm thiểu tối đa ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của nhân dân trong vùng dự án.
Qua kiểm tra, ngành chức năng cũng đã xử phạt các nhà máy thủy điện vi phạm các quy định hiện hành. Cụ thể, Sở Công Thương tỉnh Lào Cai đã xử phạt hành chính bằng tiền đối với các nhà máy: Thủy điện Minh Lương, do Công ty cổ phần Nam Tiến Lào Cai làm chủ đầu tư; thủy điện Minh Lương Thượng do Công ty cổ phần Phát triển thủy điện làm chủ đầu tư, Nhà máy thủy điện Nậm Lúc do Công ty cổ phần thủy điện Đông Nam Á Nậm Lúc làm chủ đầu tư với số tiền 15 triệu đồng/nhà máy, về hành vi lắp đặt vượt công suất ghi trong giấy phép xây dựng.
Bên cạnh đó, ngành chức năng xử phạt Nhà máy thủy điện Nậm Tha 3, thủy điện Suối Chăn 2 với số tiền 50 triệu đồng/nhà máy về một số vi phạm... Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều người, những mức xử phạt trên vẫn còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe dẫn tới nhiều chủ đầu tư thủy điện trên địa bàn biết sai vẫn cứ làm sai đặt các cơ quan quản lý nhà nước vào sự đã rồi chỉ có thể phạt cho tồn tại. Mặt khác hầu hết các dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh Lào Cai được xây dựng ở những vùng sâu, vùng xa gây rất nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng trong công tác kiểm tra, kiểm soát các sai phạm đã dẫn tới những bất cập tồn tại trong thời gian dài không được xử lý.
Theo báo cáo của ngành công thương Lào Cai, đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh Lào Cai có 130 dự án thủy điện đã được phê duyệt quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ với tổng công suất 1.573,95MW. Đến nay đã có 69 dự án thủy điện đã hoàn thành phát điện với tổng công suất 1.080,35MW. Trong những năm qua, các nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh Lào Cai cơ bản vận hành ổn định, an toàn, tổng giá trị doanh thu của 69 dự án thủy điện đã hoàn thành phát điện đạt khoảng 4.800 tỷ đồng/năm và đóng góp vào ngân sách nhà nước khoảng 700 -900 triệu đồng/1MW/năm.