Gia Lai dừng các lễ hội, hội chợ từ ngày 1/8
UBND tỉnh Gia Lai đã có quyết định tạm dừng tổ chức các lễ hội, hội chợ, sự kiện có quy mô lớn trên địa bàn tỉnh từ ngày 1/8 cho đến khi có thông báo mới.
Theo đó, UBND tỉnh Gia Lai chỉ đạo thủ trưởng các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh tổ chức thực hiện các nhiệm vụ và biện pháp sau: những người từ Đà Nẵng trở về từ ngày 1/7/2020 đến nay phải khai báo y tế và tự theo dõi sức khỏe; những người đã đến các khu vực có nguy cơ cao bị cách ly, phong tỏa, hoặc có biểu hiện ho, sốt thì phải được xét nghiệm SARS-CoV-2 ngay. Người dân phải đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, hạn chế tụ tập đông người, vệ sinh, rửa tay thường xuyên với xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cần tiếp tục kiểm soát chặt tuyến biên giới và hoạt động nhập cảnh, xử lý nghiêm các trường hợp xâm nhập, vượt biên trái phép. Sở Giáo dục và Đào tạo cần phối hợp với Sở Y tế, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch để tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông một cách an toàn; chỉ đạo tạm dừng việc tổ chức dạy thêm học thêm trong Hè năm 2020. Ban Tôn giáo (Sở Nội vụ) phải hướng dẫn các tổ chức tôn giáo, tín ngưỡng, cơ sở thờ tự trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch COVID-19 để đảm bảo an toàn, sức khỏe cho bà con theo đạo đúng tinh thần Công văn số 607/TGCP-VP ngày 30/7/2020 của Ban Tôn giáo Chính phủ.
Bên cạnh đó, tỉnh Gia Lai đã triển khai 2 phòng xét nghiệm và 1 phòng lấy mẫu xét nghiệm nhằm tư vấn, xét nghiệm, phát hiện sớm các trường hợp mắc COVID-19, từ đó có biện pháp xử lý, tránh dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.
Từ ngày 28-30/7, tại Gia Lai ghi nhận gần 2.700 công dân trở về từ Đà Nẵng. Toàn tỉnh hiện có 2.875 trường hợp đang được cách ly; trong đó có 82 trường hợp tại cơ sở y tế, 81 trường hợp tại khu cách ly tập trung, còn lại cách ly tại nhà, nơi lưu trú. Ngoài ra, từ ngày 2/2 đến 30/7, ngành y tế Gia Lai tế đã lấy 2.318 mẫu xét nghiệm; có 2.203 mẫu cho kết quả âm tính, không có mẫu nào cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2, các mẫu còn lại đang chờ kết quả. Đặc biệt, 25 trường hợp là F1, F2 của ca dương tính với SARS-CoV-2 tại Đăk Lăk cũng đã có kết quả âm tính.
Đắk Nông vừa chống COVID-19 vừa chống bệnh bạch hầu
Ngày 1/8, bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, đã ký công văn chỉ đạo các sở, ban ngành, UBND các huyện, thành phố tăng cường các biện pháp phòng, chống COVID-19 trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp và tỉnh liền kề với Đắk Nông là Đắk Lắk cũng đã ghi nhận trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 đầu tiên.
Theo đó, UBND tỉnh Đắk Nông xác định địa phương có nguy cơ lây lan dịch COVID-19 trong cộng đồng. UBND tỉnh Đắk Nông chỉ đạo, kể từ 0 giờ ngày 2/8/2020, Đắk Nông tạm ngưng các hoạt động lễ hội, nghi lễ tôn giáo, hoạt động thể thao, sự kiện tập trung đông người nơi công cộng. Tỉnh cũng chỉ đạo tạm ngưng các cơ sở kinh doanh dịch vụ như: khu vui chơi, giải trí, cơ sở làm đẹp, dịch vụ mát xa, quán bar, vũ trường…; người dân không được tập trung quá 30 người nơi công cộng, giữ khoảng cách tối thiểu 1m khi tiếp xúc, đeo khẩu trang khi đi ra ngoài…
UBND tỉnh Đắk Nông cũng nêu rõ, đối với các sự kiện phục vụ mục đích chính trị, kinh tế, xã hội thực sự cần thiết thì khi tổ chức cơ quan chủ quản phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Đồng thời, ban tổ chức không được tổ chức liên hoan, tiệc mừng sau khi kết thúc chương trình.
UBND tỉnh Đắk Nông chỉ đạo Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan, chính quyền các địa phương đẩy mạnh các biện pháp ngăn chặn, nắm bắt các trường hợp đi về từ các khu vực có dịch; đẩy mạnh kiểm tra, khai báo y tế và thực hiện các biện pháp cách ly phù hợp; mua sắm các trang thiết bị xác định SARS-CoV-2; đảm bảo thuốc men, vật tư y tế phục vụ công tác phòng chống dịch.
UBND tỉnh Đắk Nông chỉ đạo Công an tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông chủ động phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp thông tin không đúng sự thật về dịch COVID-19, gây hoang mang, bất ổn trong xã hội.
Hiện nay, bên cạnh dịch COVID-19, Đắk Nông còn đang phải thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ, cấp bách để phòng chống dịch bạch hầu. Tính đến hết ngày 31/7, toàn tỉnh phát hiện 38 trường hợp bệnh nhân dương tính với vi khuẩn bạch hầu, 10 ổ dịch bạch hầu tại các huyện Krông Nô, Đắk G’Long, Đắk R’Lấp và Tuy Đức. Đến nay, đã có hơn 20.000 người tại các ổ dịch, các khu vực có nguy cơ cao đã được tiêm phòng vắc xin phòng bệnh.
UBND tỉnh Đắk Nông cũng vừa có công văn yêu cầu ngành y tế chủ động, phối hợp với các ngành liên quan, chính quyền địa phương khẩn trương triển khai kế hoạch tiêm vắc xin bạch hầu theo kế hoạch của Bộ Y tế.
Thừa Thiên- Huế tuyên truyền phòng COVID- 19 cho ngư dân
Đẩy mạnh tuyên truyền phòng chống dịch COVID-19 cho bà con ngư dân là một trong những nội dung quan trọng mà Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên- Huế đang chỉ đạo các đồn biên phòng tuyến biển triển khai hiện nay.
Do ảnh hưởng của bão số 2, nhiều tàu thuyền của bà con ngư dân ở thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc sau nhiều ngày đánh bắt ở ngoài biển đã vào bờ neo đậu để tránh trú. Đây cũng là dịp để cán bộ, chiến sĩ Trạm kiểm soát Biên phòng Lăng Cô triển khaicông tác tuyên truyền về phòng, chống dịch COVID-19 cũng như kiểm tra, vận động người dân phát hiện các tàu, thuyền đưa người từ vùng dịch về địa phương để trốn cách ly.
Ngư dân Trần Đình Hùng (thôn An Cư Đông, thị trấn Lăng Cô) cho biết, thị trấn nằm sát vùng dịch bệnh, mặc dù lực lượng chức năng đã triển khai các chốt kiểm soát y tế trên tuyến đường bộ nhưng người dân cũng cần đề cao cảnh giác, theo dõi tàu thuyền đi lại giữa các tỉnh lân cận với Thừa Thiên- Huế. Bà con ngư dân địa phương cũng đang phối hợp chặt chẽ với lực lượng biên phòng và các ngành chức năng để khai báo y tế theo quy định của tỉnh.
Trung úy Đoàn Văn Tùng, Trạm trưởng Trạm kiểm soát Biên phòng Lăng Cô, cho biết, thị trấn hiện có 163 phương tiện tàu thuyền hành nghề khai thác trên biển, chủ yếu là những tàu nhỏ hoạt động ven bờ. Bên cạnh công tác tuyên truyền cho ngư dân, đơn vị cũng tăng cường tuần tra, nắm địa bàn, kiểm soát chặt chẽ tàu thuyền từ những địa phương khác vào trú phải được khai báo y tế, đo thân nhiệt đầy đủ.
Cách đây 2 ngày, Tổ tuần tra của Đồn Biên phòng Lăng Cô đã phát hiện tại bờ biển Đồng Dương, thị trấn Lăng Cô có một tàu cá của thành phố Đà Nẵng mang số hiệu ĐNa 90511 TS đưa 9 người (đều trú tại xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên- Huế) vào bờ để trốn dịch. Hiện nay, những ngư dân này đã tự cách ly tại nhà và cho kết quả kiểm tra xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.
Theo Thượng tá Lê Xuân Thanh, Chính trị viên Đồn Biên phòng Lăng Cô, đơn vị luôn theo dõi các văn bản chỉ đạo của Trung ương cũng như của tỉnh để nắm bắt kịp thời gắn với thực hiện nhiệm vụ của đơn vị. Thời gian qua, Đồn Biên phòng Lăng Cô đã triển khai nhiều hình thức tuyên truyền để nâng cao y thức phòng, chống dịch cho bà con ngư dân như sử dụng loa kéo lưu động, phát những tờ rơi với nội dung dễ hiểu, dễ thực hiện tới người dân.
Thừa Thiên- Huế có đường bờ biển dài 126 km, với trên 2.000 phương tiện tàu thuyền hành nghề khai thác thủy sản. Hiện nay, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên- Huế đã chỉ đạo các đồn biên phòng thường xuyên tổ chức tuần tra chặt chẽ dọc tuyến biển, đặc biệt là các bãi ngang, cửa lạch, cửa biển đối với những người trên các phương tiện vận tải, tàu cá đi từ nơi khác trở về. Đồng thời, lực lượng biên phòng tỉnh cũng đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân biết việc các phương tiện tàu thuyền ngoại tỉnh về Thừa Thiên- Huế trốn dịch bệnh là sai phạm về pháp luật, dễ làm lây lan nguồn bệnh.