Các địa phương nới lỏng biện pháp hạn chế phòng, chống dịch COVID-19

Chiều 22/9, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa đã quyết định chuyển áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg sang áp dụng Chỉ thị 15+ đối với thành phố Sa Đéc và các huyện: Châu Thành, Lai Vung, Lấp Vò, bắt đầu từ 0 giờ ngày 23/9 đến khi có thông báo mới.

Chú thích ảnh
Cửa hàng bán thuốc phường 2, thành phố Cao Lãnh giữ khoảng cách giao hàng và nhận tiền để phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Ảnh: Nguyễn Văn Trí/TTXVN

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND thành phố Sa Đéc và các huyện: Châu Thành, Lai Vung, Lấp Vò căn cứ Kế hoạch số 282/KH-UBND của UBND tỉnh về thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh trong tình hình mới, để triển khai thực hiện các giải pháp cấp bách, bảo đảm mục tiêu kiểm soát dịch.

Trước đó, thành phố Cao Lãnh và Hồng Ngự, các huyện Cao Lãnh, Tháp Mười, Thanh Bình, Tam Nông, Tân Hồng, Hồng Ngự đã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 và các quy định, biện pháp cao hơn, từ 0 giờ ngày 16/9.

Trong ngày 22/9, Đồng Tháp đã xét nghiệm 9.862 mẫu bằng phương pháp Realtime RT-PCR cho 83.973 người và test nhanh 5.183 mẫu cho 5.480 người; kết quả, phát hiện 18 ca mắc COVID-19. Đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 8.186 ca mắc, trong đó 7.282 người đã được xuất viện, 203 ca tử vong, đang điều trị cho 695 ca.

Toàn tỉnh hiện có 73 khu vực phong tỏa; 105 “vùng xanh” được UBND cấp huyện công nhận, 1.078 “vùng xanh” được UBND cấp xã công nhận. Đặc biệt, đã hơn 14 ngày, thành phố Hồng Ngự và huyện Tam Nông chưa ghi nhận ca mắc trong cộng đồng.

* UBND tỉnh Long An đã quyết định dừng hoạt động các Trạm Kiểm tra phòng, chống dịch COVID-19 và 3 tổ tuần tra lưu động, kiểm soát việc triển khai thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg từ ngày 22/9. Riêng Trạm Kiểm tra tại cầu Đức Huệ, thuộc tuyến đường tỉnh 822, thị trấn Đông Thành, UBND tỉnh Long An giao UBND huyện Đức Huệ ban hành quyết định thành lập Trạm để kiểm tra việc phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định. 

Chú thích ảnh
Người dân ra đường tại thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức (Long An). 

Tỉnh Long An đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15/CT-TTg. UBND tỉnh giao các địa phương trong tỉnh quyết định tiếp tục duy trì hoạt động các trạm, chốt kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 tại các vị trí ra vào giữa huyện với huyện, giữa các xã vùng xanh với các xã thuộc các vùng có màu còn lại và các trạm, chốt kiểm soát tại các vị trí kết nối giao thông quan trọng giữa tỉnh Long An với các tỉnh, thành phố tiếp giáp.

Đến nay, tỉnh Long An ghi nhận 31.070 ca mắc COVID-19 (trong đó  8.207 ca trong cộng đồng, 2.519 ca trong khu cách ly, 20.344 ca trong khu phong tỏa); điều trị khỏi 25.180 ca (84,26%); 391 ca tử vong (1,25%), 4.146 đang điều trị tại bệnh viện (13,4%), 335 ca đang chờ khu cách ly tạm (1,75%). Long An đã  tiêm 1.627.959 mũi vaccine phòng COVID-19, trong đó có 1.425.741 mũi 1 và 202.218 mũi 2.

Long An còn hâi vùng nguy cơ cao (thị xã Kiến Tường, huyện Bến Lức), ba vùng nguy cơ (Đức Hòa, thành phố Tân An, Cần Giuộc) và 10 đơn vị thuộc vùng bình thường mới.

* Ngày 22/9, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, Lê Ngọc Châu đã ký công văn số 6255/UBND-VX1 về việc cho phép hoạt động trở lại một số dịch vụ như: Dạy học và ăn bán trú đối với bậc Mầm non, dịch vụ nhà hàng, quán ăn, quán cà phê, các tuyến xe buýt nội tỉnh và dịch vụ cắt tóc gội đầu, bắt đầu từ 0 giờ ngày 23/9.

Chú thích ảnh
Học sinh THPT Đồng Lộc tới trường. Ảnh: Công Tường/TTXVN

Theo đó, đối với hoạt động dạy học và ăn bán trú đối với bậc học Mầm non, UBND tỉnh yêu cầu phải đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 theo phương án do Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp Sở Y tế xây dựng.

Dịch vụ nhà hàng, quán ăn, quán cà phê, đồ uống, giải khát; quán/điểm ăn uống vỉa hè; phòng tập gym, bia, yoga được hoạt động theo nguyên tắc không quá 50% công suất, không quá 30 người trong cùng thời điểm. Dịch vụ cắt tóc, gội đầu, làm móng, cơ sở thẩm mỹ/spa được hoạt động theo nguyên tắc không quá 50% công suất của mỗi cơ sở. Tất cả các dịch vụ trên chỉ được hoạt động đến 21 giờ đêm. Các cơ sở kinh doanh/dịch vụ phải đăng ký công suất hoạt động và cam kết với UBND phường, xã, thị trấn; ghi tên, địa chỉ, số điện thoại và quét mã QR-code xác nhận đi/đến đối với khách hàng; thực hiện nghiêm Thông điệp 5K của Bộ Y tế.

Các tuyến xe buýt nội tỉnh, khi được phép hoạt động trở lại yêu cầu mỗi chuyến xe chở không quá 50% chỗ ngồi/lượt; bắt buộc đo thân nhiệt hành khách, tuyệt đối không cho hành khách có dấu hiệu ho, sốt, khó thở lên xe; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, số điện thoại và quét mã QR-code khách đi xe trên từng chuyến xe; bắt buộc đeo khẩu trang, ngồi giãn cách theo quy định.

Bên cạnh đó, tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục hạn chế tổ chức các đám cưới, đám hỏi, sinh nhật, mừng thọ, mừng nhà mới, gặp mặt. Nếu tổ chức, số lượng tham gia không quá 30 người và yêu cầu phải đăng ký và cam kết thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 với ban cán sự thôn, xóm, tổ dân phố.

* Ngày 22/9, UBND tỉnh Sơn La đã ban hành Quyết định số 2308/QĐ-UBND về việc hoạt động trở lại một số loại hình sản xuất, kinh doanh theo biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 của địa phương và tiếp tục tạm dừng một số loại hình sản xuất, kinh doanh trên địa bàn; trừ huyện Phù Yên đang có dịch.

Chú thích ảnh
Công ty vật liệu xây dựng Quang Huy, huyện Sông Mã (Sơn La) hoạt động sản xuất trở lại. Ảnh: TTXVN

Theo đó, từ 0 giờ ngày 23/9, UBND tỉnh Sơn La cho phép hoạt động trở lại nhà hàng, quán ăn; các cơ sở chăm sóc sắc đẹp, cắt tóc, khu vui chơi, giải trí... nhưng cùng không quá 10 người/phòng/một thời điểm. Các địa điểm tập luyện thể dục, thể thao ngoài trời và trong nhà không quá 15 người/cùng một địa điểm... Khu Quảng trường Tây Bắc hoạt động trở lại theo quy định, mỗi nhóm không quá 5 người; Khu di tích Đền thờ Vua Lê Thái Tông và các đền, chùa, nơi thờ tự khác không đón tiếp quá 4 người/cùng một thời điểm...

Tỉnh cho phép hoạt động trở lại 100% số chuyến khai thác tuyến vận tải hành khách cố định nội tỉnh, vận tải hành khách bằng xe buýt; 100% số phương tiện xe taxi, xe hợp đồng trong phạm vi nội tỉnh. Tuy nhiên, các phương tiện hoạt động vận tải khách nội tỉnh phải chấp hành quy định không được chở quá 50% số người cho phép và tuân thủ các quy định phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục tạm dừng các vận chuyển hành khách liên tỉnh; hoạt động của các cơ sở lưu trú; nhà hàng tiệc cưới, khu du lịch trên địa bàn...

UBND tỉnh Sơn La yêu cầu các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoạt động trở lại thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định và hướng dẫn; bố trí đầy đủ phương tiện, vật tư thiết bị cần thiết để phòng, chống dịch; yêu cầu người lao động khai báo y tế, tuân thủ các biện pháp hạn chế di chuyển, giao tiếp; bắt buộc cài đặt ứng dụng công nghệ thông tin quản lý người vào, ra để phục vụ công tác truy vết của cơ quan y tế khi có ca mắc tại cơ sở... 

Trường hợp phát hiện vi phạm, UBND tỉnh giao các cơ quan chức năng kịp thời xử lý theo quy định của pháp luật và báo cáo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh và UBND tỉnh.Tính từ ngày 29/4 đến nay, Sơn La có 252 ca mắc COVID-19, chủ yếu tại huyện Phù Yên với 251 ca.

Phóng viên TTXVN tại các địa phương
Từ 12 giờ ngày 22/9, Thái Bình mở cửa trở lại một số dịch vụ
Từ 12 giờ ngày 22/9, Thái Bình mở cửa trở lại một số dịch vụ

Căn cứ diễn biến dịch bệnh COVID-19, để giữ vững địa bàn an toàn với dịch COVID-19, đồng thời thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, UBND tỉnh Thái Bình đã chỉ đạo từ 12 giờ ngày 22/9/2021 mở cửa trở lại một số dịch vụ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN