Đặc biệt, một số diện tích lúa đã bị thiệt hại hoàn toàn, không còn khả năng khắc phục.
Theo ông Nguyễn Việt Khái, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trần Văn Thời, qua thống kê, hiện đã có khoảng 570 ha lúa bị thiệt hại; trong đó khoảng 260 ha lúa bị thiệt hại trên 70%, còn lại bị thiệt hại từ 30% trở lên.
Qua ghi nhận tại 3 ha lúa của hộ ông Nguyễn Văn Cưng, xã Bình Đông, huyện Trần Văn Thời, hiện đã bị ngập sâu trong nước, có những nơi, nước ngập cao hơn mặt ruộng khoảng 1m.
Mưa lớn liên tục trong những ngày qua đã khiến các bờ bao xung quanh ruộng lúa cũng chìm trong nước, do đó gia đình ông Cưng không thể tự bơm thoát nước ra được, đành chấp nhận mất trắng vụ lúa Hè Thu. Ông Nguyễn Văn Cưng tính toán, gia đình đã đầu tư khoảng 20 triệu đồng vào vụ lúa Hè Thu năm nay, gồm tiền công cải tạo đất, tiền giống, tiền phân bón…
Nhiều người dân trồng lúa khu vực xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời, cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Theo nhiều nông dân địa phương cho biết, khi có vài cơn mưa đầu mùa, nông dân đã chủ động gieo sạ vụ lúa để kịp mùa vụ. Tuy nhiên, năm nay do hạn kéo dài nên mưa đến trễ. Thế nhưng, khi có mưa thì mưa liên tục, dồn dập vào ngay thời điểm lúa đẻ nhánh nên lúa bị ngập sâu, lúa không vượt lên được.
Bất chấp những nỗ lực bơm thoát nước, khơi thông dòng dòng chảy, lượng nước quá nhiều, tràn vào đồng ruộng từ nhiều phía đã khiến cho những nỗ lực cứu lúa của nông dân địa phương đều bất thành.
Ông Trần Tấn Lực, xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời chia sẻ, sau khi sạ lúa được gần 20 ngày thì trời mưa liên tục nên lúa bị ngập. Nước dâng cao khiến diện tích bờ bao xung quanh cũng bị tràn khiến nhiều diện tích lúa bị thiệt hại của người dân không còn khả năng khắc phục.
Ông Nguyễn Việt Khởi, xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời cho biết, tình trạng trên đã khiến vụ lúa của gia đình ông bị thiệt hại khoảng 50% và tỷ lệ này có thể tiếp tục tăng lên nếu mưa cứ kéo dài như hiện nay thì nguy cơ mất trắng, lỗ vốn là không thể tránh khỏi.
“Vốn liếng đầu tư mất đã đành, công sức mấy tháng trời dãi nắng dầm mưa giờ xem như đã trôi theo dòng nước. phải chi vùng này được khép kín, đầu tư trạm bơm để tiêu thoát nước thì vụ lúa năm nay của người dân đâu đến nỗi này", ông Khởi xót xa.
Ông Cao Văn Đạt, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời chia sẻ, do đặc thù của xã là vùng trũng nên những diện tích lúa gieo sạ đều bị chìm sâu trong nước. Theo thống kê, hiện xã đã có trên 300 ha diện tích lúa bị thiệt hại. “Chính quyền địa phương đã cùng nông dân triển khai nhiều nỗ lực cứu lúa, nhưng diện tích quá rộng, lượng nước quá nhiều nên cũng khó mà khắc phục được”, ông Đạt cho biết.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trần Văn Thời, tình trạng hạn hán kéo dài đã qua gây ảnh hưởng trực tiếp đến lịch xuống giống vụ lúa Hè Thu của địa phương. Theo đó, do không có nước đầu vụ, nhiều cánh đồng đã sạ trễ so với lịch thời vụ từ 15 – 30 ngày, do đó khi mưa lớn kéo dài những trà lúa sạ muộn này đều bị thiệt hại.
Ông Nguyễn Việt Khái, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trần Văn Thời chia sẻ thêm, trong những năm gần đây, tại địa phương luôn thường xuyên diễn ra tình trạng các cánh đồng lúa bị ngập úng trong mùa mưa. Điều này xuất phát từ thực trạng các tiểu vùng chưa được phân nhỏ để đảm bảo việc bơm thoát nước được hiệu quả. “Theo tính toán, để tình trạng này không tái diễn, ngành nông nghiệp huyện Trần Văn Thời cần hỗ trợ đầu tư hoàn thiện hệ thống thủy lợi khép kín phục vụ sản xuất với 16 trạm bơm, công suất khoảng 600.000 m3/giờ”, ông Nguyễn Việt Khái nêu cụ thể, đồng thời kiến nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh Cà Mau tiếp tục quan tâm đầu tư, hoàn thiện các ô thủy lợi, cũng như khoanh các ô thủy lợi ở các vùng trũng, nâng bờ bao để chủ động được việc bơm tát nước cho diện tích lúa của người dân trong thời gian tới.
Theo kế hoạch sản xuất lúa vụ Hè Thu năm 2024, toàn tỉnh Cà Mau xuống giống trên 35.000 ha; trong đó, tập trung nhiều nhất là tại huyện Trần Văn Thời, với gần 29.000 ha; kế đến là huyện U Minh, với gần 3.300 ha; thành phố Cà Mau gần 2.500 ha…
Trước đó, theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn tỉnh Cà Mau và ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau, diễn biến thời tiết năm nay có nhiều bất lợi cho sản xuất lúa vụ Hè Thu. Do đó, ngành nông nghiệp tỉnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp tổ chức sản xuất; tập trung khuyến cáo nông dân tuân thủ lịch thời vụ, chọn giống và áp dụng tốt các kĩ thuật canh tác, từ khâu làm đất, cải tạo đất đến chọn giống, gieo sạ và phòng, chống thiên tai, sinh vật gây hại bảo vệ sản xuất…