Bảo vệ diện tích lúa mới gieo cấy trước tình hình mưa lớn

Tại tỉnh Ninh Bình, liên tiếp những ngày qua có mưa lớn đã gây ngập úng trên diện rộng nhiều diện tích lúa mới cấy và sạ, ảnh hưởng đến sản xuất.

Chú thích ảnh
Người dân xã Ninh Hoài, huyện Hoa Lư, chủ động các biện pháp tiêu nước bảo vệ lúa mùa bị ngập nước. Ảnh: Thùy Dung/ TTXVN

Các ngành chức năng đang triển khai các phương án ứng phó với mưa lớn, theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo tình hình thời tiết, thủy văn để chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại. 

Tại huyện Hoa Lư, tính đến thời điểm này toàn huyện đã xuống giống được 1.762 ha lúa mùa. Từ ngày 15/7, toàn huyện có 446 ha lúa bị ngập đến ngày 16/7 con số này tiếp tục tăng lên khoảng hơn 500 ha. Ngày 18/7, số ha bị ngập nước lên đến 1.377 ha.

Trước tình hình này, Chi nhánh khai thác công trình thủy lợi huyện Hoa Lư đã vận hành 51 máy bơm, 22 trạm bơm để tiêu úng, thoát nước. Các trạm bơm của hệ thống vận hành rải rác từ ngày 6/7, và vận hành hết công suất từ ngày 14/7 đến nay. Hiện Chi nhánh duy trì chế độ trực liên tục 24/24 giờ, tận dụng tối đa mở cống tiêu theo thủy triều và vận hành các trạm bơm tiêu theo từng vùng, từng ngày; hướng dẫn các xã, hợp tác xã chủ động bơm tiêu bằng trạm bơm dã chiến, máy dầu các vùng sâu trũng, úng nặng. 

Bà Nguyễn Thị Hoài Phương, chuyên viên Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, UBND huyện Hoa Lư cho biết, để chủ động ứng phó kịp thời với mưa lớn, bảo vệ sản xuất, ngày 15/7, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Hoa Lư đã ban hành văn bản chỉ đạo các ban, ngành, các xã, thị trấn trên địa bàn.

Chú thích ảnh
Cán bộ ngành nông nghiệp đi kiểm tra tình trạng lúa ngập úng tại huyện Hoa Lư. Ảnh: Thùy Dung/TTXVN

Theo đó, nhấn mạnh yêu cầu các hợp tác xã nông nghiệp phải phối hợp chặt chẽ với Chi nhánh khai thác công trình thủy lợi huyện tập trung, chủ động triển khai thực hiện tốt phương án chống úng; tổ chức tiêu kiệt nước, đảm bảo an toàn cho diện tích lúa mới gieo cấy.

Đối với diện tích chưa gieo cấy, thông báo cho nhân dân dừng gieo cấy và chủ động bố trí giống, mạ dự phòng để gieo cấy bổ sung đối với những diện tích bị thiệt hại. Phòng đã thường xuyên cắt cử cán bộ đi kiểm tra, tuyên truyền đến nông dân tiêu thoát nước và cách chăm sóc lúa, chủ động nguồn giống để gieo cấy bổ sung. 

Thông tin từ Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu hạn tỉnh Ninh Bình, kế hoạch gieo cấy lúa vụ mùa 2024 của toàn tỉnh Ninh Bình là trên 31.000 ha. Đến nay, các địa phương đã tập trung gieo cấy vụ mùa đúng khung thời vụ; diện tích thực hiện trên 22.700 ha, đạt 73,3% kế hoạch. Tính đến 8 giờ ngày 18/7 đã có khoảng gần 12.500 ha lúa mùa bị ngập do ảnh hưởng của mưa lớn; trong đó, tỉ lệ ngập trắng là trên 10.300 ha.

Các địa phương có diện tích lúa bị ngập nhiều là các huyện Yên Khánh, Gia Viễn, Yên Mô, Hoa Lư. Đến nay, Công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thủy lợi tỉnh đã vận hành 309 máy bơm, 74 trạm và mở 30 cống dưới đê; 13 cống, tràn hồ để tiêu úng, cứu lúa. Nhiều diện tích lúa đến nay đã được tiêu úng nhanh. 

Do ảnh hưởng của mưa lớn thượng nguồn từ ngày 13/7 đến nay, trên các sông thuộc khu vực tỉnh Ninh Bình có khả năng xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên từ 0,5 - 2,0m. Trong đợt lũ này, mực nước đỉnh lũ trên sông Hoàng Long tại Bến Đế, Gián Khẩu có khả năng ở mức xấp xỉ dưới báo động 1; trên sông Đáy tại Ninh Bình ở mức dưới báo động 1. Mực nước sông lên có thể gây ngập úng tại các vùng trũng thấp ven sông, khu vực thuộc huyện Nho Quan, Gia Viễn, thành phố Ninh Bình nên cần đề phòng lũ quét cục bộ, sạt lở đất ở vùng ven sông suối và ngập úng ở vùng trũng thấp.

Trước tình hình mưa lớn những ngày qua, Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã ban hành văn bản số 36/BCH-VP ngày 14/7/2024 về việc ứng phó với áp thấp nhiệt đới và mưa lớn. Theo đó, các ngành chức năng tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát hỗ trợ, hướng dẫn bảo đảm an toàn giao thông cho người và phương tiện, nhất là tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực đã xảy ra sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở; kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không đảm bảo an toàn; không để xảy ra thiệt hại đáng tiếc về người do bất cẩn, chủ quan.

Các ngành, đơn vị liên quan theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo; thông báo, hướng dẫn kịp thời, thường  xuyên cho các cấp chính quyền, người dân để chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại.

Đồng thời, triển khai lực lượng kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động khơi thông dòng chảy, tổ chức di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra. Các đơn vị sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu. Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thuỷ lợi tỉnh chủ động phối hợp với các đơn vị có liên quan sẵn sàng vận hành các công trình phòng khi có mưa lớn xảy ra ngập úng. 

Ông Phạm Hồng Sơn, Phó trưởng phòng Kỹ thuật, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Ninh Bình khuyến cáo, vụ mùa thường xuyên có mưa lớn, ngành nông nghiệp đã khuyến cáo nông dân không nên sử dụng phương pháp gieo sạ.

Cùng đó, khuyến cáo chỉ những chân ruộng cao, tưới - tiêu chủ động hoàn toàn, gọn vùng mới tổ chức gieo sạ. Tuy nhiên, do tập quán và tình trạng thiếu lao động nên diện tích gieo sạ trên toàn tỉnh vẫn chiếm tỷ lệ cao. Điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất. Với những diện tích lúa mới gieo, rễ chưa kịp bám vào đất gặp những trận mưa lớn vừa qua thì chắc chắn mộng mạ sẽ bị trôi dạt, phải gieo lại. 

Đối với những diện tích đã gieo được trên dưới 1 tuần, nếu được tiêu úng kịp thời thì cây lúa vẫn có thể khôi phục, phát triển bình thường được nhưng nếu sau cơn mưa này mà trời lại có nắng to, nhiệt độ cao thì cây lúa cũng rất dễ bị chết. Do vậy, ưu tiên hàng đầu hiện nay là phải nhanh chóng tiêu úng, sau đó tiếp tục theo dõi để có biện pháp xử lý phù hợp, có thể là gieo lại, tỉa dặm kết hợp các biện pháp chăm bón phù hợp.

Hải Yến  (TTXVN)
Mưa lớn làm đổ sập và tốc mái nhiều nhà dân ở Kiên Giang
Mưa lớn làm đổ sập và tốc mái nhiều nhà dân ở Kiên Giang

Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Kiên Giang, từ ngày 14/7 đến 16 giờ ngày 17/7, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới gây mưa lớn, kèm theo dông lốc đã làm đổ sập, hư hỏng 35 nhà dân trên địa bàn tỉnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN