Diễn đàn này có sự tham gia của gần 200 đô thị thông minh thịnh vượng trên thế giới.
Đây là lần đầu tiên Vùng thông minh Bình Dương lọt vào Top 7, sau 3 lần liên tiếp nằm trong Top 21 (SMART 21), sánh vai với các thành phố: Curitiba, Paraná, Brazil; Langley Township, British Columbia, Canada; Mississauga, Ontario, Canada; Moscow, Russia; Townsville, Queensland, Australia; Winnipeg, Manitoba, Canada.
Để đánh giá một thành phố đạt trong Top 7, ICF đã nghiên cứu và đánh giá hàng trăm thành phố trên thế giới, qua đó lựa chọn ra Top 21 (SMART 21). Top 21 sẽ được tiếp tục so sánh và đánh giá kỹ lưỡng, trực tiếp và gián tiếp, từ đó chọn ra Top 7 những thành phố có chiến lược phát triển thông minh nhất.
Một khu vực lọt vào Top 7, trước hết cần thỏa mãn 6 tiêu chí khắt khe đã được kiểm tra tại vòng Top 21, gồm: tiêu chí về nền tảng kết nối băng thông rộng, nguồn nhân lực tri thức, đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững, bình đẳng công nghệ số và cam kết đồng lòng của cả cộng đồng.
Đối với Bình Dương, sự kiên định của 25 năm phát triển với chiến lược Nhà nước và doanh nghiệp cùng đồng hành trên cơ sở thấu hiểu nội tại và định hướng tương lai vì sự hạnh phúc của cộng đồng đã ICF và cộng đồng quốc tế ghi nhận.
Cụ thể, tỉnh đã đáp ứng các chiến lược phát triển của các địa phương, nhìn nhận vào tính kế thừa, sự sâu sắc và tính kiên định của chiến lược nhằm tạo ra những giá trị phục vụ cho sự phồn vinh và hạnh phúc của cộng đồng. Đáng chú ý là việc triển khai đề án Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương mà tỉnh chọn làm mục tiêu định hướng nâng cao chất lượng phát triển trong thời gian tới.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, thông tin này được nhận định là cú hích quan trọng đưa hình ảnh Bình Dương vươn tầm ra thế giới; đồng thời tạo lực giúp Bình Dương giữ vững thắng lợi mục tiêu kép vừa phát triển kinh tế vừa chống dịch.
Theo báo cáo đánh giá về kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề dịch bệnh COVID-19, Bình Dương ghi nhận tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 7,23% so với cùng kỳ năm 2020.
Cụ thể, các chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 8,23%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 10,4%; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 47,2%; kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tăng 43,4%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng 10,8%; thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài cán mốc 1,4 tỷ USD; tổng thu ngân sách nhà nước tăng 22,6%, tổng chi ngân sách địa phương giảm 3,5%.