Bình Định xác định phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh dựa trên ba cực phát triển: Cực Đông Nam là Quy Nhơn và vùng phụ cận; Cực phía Bắc là thị xã Hoài Nhơn; Cực phía Tây là đô thị Tây Sơn.
Theo đó, thành phố Quy Nhơn và vùng phụ cận là động lực chính, hạt nhân phát triển phía Đông Nam tỉnh Bình Định. Thị xã Hoài Nhơn là cửa ngõ phía Bắc, đồng thời là hạt nhân thúc đẩy sự phát triển phía Bắc tỉnh Bình Định. Huyện Tây Sơn (Đô thị Tây Sơn dự kiến) là cực phía Tây và là hạt nhân thúc đẩy phát triển phía Tây tỉnh Bình Định.
Tỉnh Bình Định cũng phấn đấu mục tiêu đến năm 2030, Bình Định trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, là trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ, du lịch và văn hóa phía Nam của vùng. Tỉnh cũng là trung tâm lớn của cả nước về phát triển kinh tế biển; trọng điểm du lịch quốc gia và quốc tế với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế đồng bộ, hiện đại.
Kinh tế của tỉnh phát triển nhanh, bền vững và xanh dựa trên các trụ cột tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ du lịch, cảng biển - logistics; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đô thị hóa. Tỉnh thực hiện thành công các mục tiêu chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn của các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh thuộc nhóm cao của cả nước.
Cụ thể, Bình Định đặt ra mục tiêu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt từ 8,5% trở lên; trong đó giai đoạn 2021 - 2025 đạt bình quân 7 - 7,5%/năm và giai đoạn 2026 - 2030 đạt 9,8% - 10,8%/năm. GRDP bình quân đầu người (theo giá hiện hành) đến năm 2030 là 204 - 213 triệu đồng/người (tương đương khoảng 7.500 - 7.900 USD). Tăng trưởng năng suất lao động bình quân 8,3%/năm giai đoạn 2021 - 2030. Đến năm 2030, tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt 30.000 - 35.000 tỷ đồng/năm.
Có 90% số xã đạt tiêu chí nông thôn mới; giảm mạnh tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số, mỗi năm giảm từ 3 - 4%; năm 2030, tỷ lệ nghèo đa chiều giảm còn 2%. Tỷ lệ lao động có việc làm trên tổng số lao động của tỉnh đạt 97,9%.
Để đạt các mục tiêu trên, Bình Định cũng xác định các trụ cột phát triển trong thời gian tới như: tập trung phát triển công nghiệp công nghệ cao và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trọng tâm là công nghiệp chế biến chế tạo giá trị cao. Phát triển du lịch Bình Định trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản dựa trên công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, chuyển từ số lượng sang chất lượng.
Để thực hiện, Bình Định cũng xác định các đột phá như: xây dựng hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại; chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về tái cơ cấu nền kinh tế và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh địa phương; đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo định hướng phát triển của tỉnh.