Theo Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông Bến Tre Nguyễn Văn Điền, hiện nay, chủ đầu tư và đơn vị thi công đang khẩn trương khắc phục tình trạng sạt lở hai bên bờ sông Ba Lai trên địa bàn xã Phú Đức và Tân Phú, huyện Châu Thành nhằm hoàn trả lại hiện trạng ban đầu vào cuối tháng 8/2020.
Công trình đập tạm trên sông Ba Lai được đưa vào sử dụng từ ngày 5/3/2020 để ngăn mặn từ sông Ba Lai vào nội đồng. Sau khi kết thúc xâm nhập mặn mùa khô năm 2020, từ ngày 7-11/5/2020, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông Bến Tre tiến hành tháo dỡ để khai thông lại dòng chảy. Đồng thời, tháo dỡ toàn bộ khung cừ để hoàn trả lại lòng sông và mặt bằng hai bên vai đập.
Trong quá trình tháo dỡ toàn bộ khung cừ công trình đập tạm ngăn mặn (đập tạm Tân Phú) trên thượng nguồn sông Ba Lai, đã phát sinh sạt lở hai bên vai đập, gây thiệt hại một số tài sản công và tài sản của một số hộ dân hai bên bờ sông.
Cụ thể, phía bờ phía xã Tân Phú, có 170 m2 diện tích đất trồng cây ăn trái bị sạt lở xuống sông Ba Lai và khoảng 100 m bờ bao chống ngập bằng đất. Bờ phía xã Phú Đức sạt lở một đoạn lộ đan bê tông dài khoảng 40m (lộ giao thông nông thôn rộng 3,5m), một ống bọng bằng bê tông cốt thép do người dân đầu tư và một số cây ăn trái.
Bà Lý Thị Tuyết Nhung, xã Tân Phú cho biết, khi tháo dỡ đập tạm này ngăn mặn này thì xuất hiện tình trạng sạt lở, nước mặn tràn vào gây ảnh hưởng vườn cây sầu riêng của gia đình. Bà Nhung đề nghị đơn vị chức năng sớm khắc phục trả lại đê bao kiên cố cho người dân trong khu vực.
Ông Lương Bình, phụ trách giám sát thi công trình của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông Bến Tre cho hay, sau khi xảy ra sự cố sạt lở, chủ đầu tư và đơn vị thi công đã tích cực triển khai các giải pháp khắc phục sạt lở theo phương án đã thống nhất giữa chủ đầu tư, đơn vị tư vấn thiết kế, đơn vị thi công và chính quyền địa phương. Việc sạt lở cơ bản được khắc phục, cơ bản trả lại hiện trạng như ban đầu.
Tuy nhiên, trong quá trình thi công lại tiếp tục phát sinh sự cố sạt lở, nên đơn vị thi công phải vừa thực hiện các giải pháp theo phương án vừa theo dõi, xử lý các vấn đề phát sinh. Từ đó, dẫn đến thời gian hoàn thành kéo dài hơn thời gian cam kết (cuối tháng 7/2020) với chính quyền địa phương và người dân khu vực.
Theo nhận định của Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre, nguyên nhân sạt lở là do bờ bao chống tràn nước vào nhà ở và vườn cây ăn trái khu vực khu vực đập tạm Tân Phú được đắp bằng đất tại chỗ, độ kết dính rất kém và đắp chồng lên nền đất mềm yếu hình thành bởi phù sa non pha lẫn cát mịn dễ xảy ra sạt trượt xuống lòng sông Ba Lai khi triều lên xuống, nhất là vào thời điểm mặt nước trên sông dâng cao cộng với mưa dầm. Điều này đã xảy ra trên nhiều đoạn đê và bờ bao dọc hai bên bờ sông Ba Lai từ thượng nguồn đền địa bàn xã Phú Túc.
Ngoài những yếu tố khách quan nêu trên, tác động trong quá trình thi công xây dựng và tháo dỡ đập cũng có ảnh hưởng đến tốc độ và mức đột sạt lở vai và bờ bao hai bên bờ sông.
Công trình đập tạm ngăn mặn trên thượng nguồn sông Ba Lai tại xã Tân Phú và xã Phú Đức, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre được triển khai để nhằm ứng phó với xâm nhập mặn năm 2019-2020. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre là chủ đầu tư; đơn vị thi công xây dựng là Công ty cổ phần xây dựng Ngọc Á Châu (Tp. Hồ Chí Minh).