Bến Tre: Hài hòa lợi ích khi triển khai các dự án điện gió

Tỉnh Bến Tre có chiều dài bờ biển 65 km là lợi thế lớn để phát triển các dự án năng lượng tái tạo, đặc biệt là dự án điện gió ở vùng ven biển.

Chú thích ảnh
Trụ tuabin trên biển của Nhà máy điện gió số 5 (xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú). 

Theo UBND tỉnh Bến Tre, địa phương đang tiến hành rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại dự án điện gió trên địa bàn nhằm đảm bảo thi công đúng tiến độ, sớm đi vào vận hành trong thời gian tới.

Giám đốc Sở Công Thương Bến Tre Nguyễn Văn Bé Sáu cho biết, hiện tỉnh đã được Bộ Công Thương phê duyệt vào quy hoạch 19 dự án điện gió với tổng công suất hơn 1.007 MW. Đến nay, có 9 dự án với công suất khoảng 368 MW đang triển khai ngoài thực địa, thi công lắp đặt hoàn thành với công suất 270 MW; trong đó, 5/9 dự án kịp công nhận vận hành thương mại trước ngày 31/10/2021 với công suất 93,05 MW, phần còn lại đang tiếp tục triển khai thi công hoàn chỉnh. Hiện còn 10 dự án với công suất khoảng 640 MW đang thực hiện các thủ tục pháp lý liên quan, chưa tiến hành triển khai thi công ngoài thực địa do chờ Chính phủ ban hành cơ chế giá điện.

Theo Sở Công Thương Bến Tre, quá trình triển khai, phần lớn các dự án điện gió triển khai trên biển nên giải phóng mặt bằng thuận lợi. Dự án cũng được sự hỗ trợ tích cực của các ngành, địa phương nên thủ tục liên quan được giải quyết nhanh chóng. Với tốc độ gió tốt (6-7 m/s) tại khu vực các huyện ven biển tỉnh Bến Tre nên hiệu suất khai thác các dự án rất cao.

Tuy nhiên, hiện cơ chế hỗ trợ, ưu đãi giá mua điện gió quy định tại Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg, ngày 10/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ đã hết hiệu lực, trong khi đó chưa có chính sách mới thay thế nên nhà đầu tư gặp khó khăn trong việc tiếp tục triển khai dự án. Bên cạnh đó, Thông tư số 02/2019/TT-BCT, ngày 15/01/2019 của Bộ Công Thương về phát triển các dự án điện gió chưa có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng về khu dân cư nên người dân khu vực dự án điện gió trên bờ có phát sinh khiếu nại, làm chậm tiến độ dự án.

Hiện một số dự án điện gió ở các huyện Thạnh Phú và Bình Đại đang thi công dang dở vì bị người dân phản đối, cản trở thi công gây khó khăn cho nhà đầu tư. Cụ thể, hơn 2 tháng qua, dự án Nhà máy điện gió Sunpro Bến Tre do Công ty TNHH Điện gió Sunpro - Bến Tre số 8 làm chủ đầu tư tại xã Thới Thuận, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre đã tạm ngừng thi công. Nhà đầu tư không thể chở vật tư vào vị trí trụ điện gió để thi công bởi đường dẫn vào đã bị người dân rào chắn. Nhiều thiết bị của dự án phải nằm phơi nắng, mưa vì bị người dân địa phương ngăn cản thi công.

Ông Hoàng Giang - Tổng giám đốc Công ty TNHH Điện gió Sunpro - Bến Tre số 8 cho biết, mặc dù một số người dân xung quanh dự án đã nhận được đền bù cũng như các hỗ trợ của dự án nhưng vẫn tiếp tục có đòi hỏi vì cho rằng việc làm đường, làm cống đã ảnh hưởng đến việc nuôi trồng thủy sản quảng canh của hộ dân.  

Dự án Nhà máy điện gió Sunpro bắt đầu khởi động từ năm 2020, đến nay đã đầu tư khoảng hơn 80% tổng mức đầu tư vào dự án. Mặc dù, các cơ quan chức năng của tỉnh, Trung ương có ý kiến việc thi công của dự án không ảnh hưởng đến sản xuất của người nhưng các hộ dân vẫn cản trở. Việc làm này gây ảnh hưởng đến tiến độ cũng như gây tổn thất rất lớn về kinh tế cho dự án - ông Giang chia sẻ. 

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Bình Đại Nguyễn Văn Dũng cho hay, trên địa bàn huyện có 3 dự án điện gió đang triển khai; trong đó, có 2 dự án đã cơ bản hoàn thành và 1 dự án đang triển khai thi công. Khi thực hiện, các dự án điện gió đã tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhất là kết cấu hạ tầng có sự thay đổi lớn ở địa bàn thực hiện dự án. Các dự án còn góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương và đóng góp cho nguồn thu ngân sách của tỉnh trong thời gian tới.   

Trong quá trình triển khai, vướng mắc về giải phóng mặt bằng đã ảnh hưởng đến tiến độ của dự án cũng như sự phối hợp của người dân. Hiện huyện đang tập trung tuyên truyền, vận động giải thích cho người dân hiểu nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân và doanh nghiệp khi tham gia đầu tư. Khi thực hiện dự án, nếu có ảnh hưởng đến người dân sẽ hỗ trợ, đền bù đúng theo quy định - ông Dũng nói.

Chủ tịch UBND huyện Thạnh Phú Đào Công Thương cho hay, địa phương phấn đấu đến năm 2025 trở thành trung tâm năng lượng sạch của tỉnh. Đến nay, huyện Thạnh Phú có 10 dự án điện gió được tỉnh phê duyệt với tổng kinh phí khoảng 31.000 tỷ đồng. Hiện huyện đang triển khai 3 dự án và giải phóng mặt bằng, hỗ trợ cho người dân 2 dự án.

Ông Đào Công Thương thông tin, việc triển khai các dự án điện gió đã tác động tích cực đối với địa phương. Các dự án đã đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông rất lớn để vận chuyển thiết bị cũng như trong quá trình hoạt động, nhà đầu tư cũng đầu tư hạ tầng cho người dân sử dụng. Đồng thời, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương và đóng góp ngân sách rất lớn cho tỉnh.Tuy nhiên, trong quá trình triển khai có sự xung đột giữa chủ đầu tư và các hộ dân, nhất là giải phóng mặt bằng. Hiện quan điểm của huyện Thạnh Phú là hài hòa lợi ích giữa nhà đầu tư và người dân. Vì vậy, huyện đang vận động người dân ủng hộ các dự án điện gió và vận động nhà đầu tư có chính sách hỗ trợ cho người dân một cách thỏa đáng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Minh Cảnh cho biết, chủ trương của tỉnh là đảm bảo hài hòa lợi ích các dự án điện gió trên cơ sở đúng quy định của pháp luật. Thời gian tới, UBND tỉnh Bến Tre sẽ chỉ đạo ngành công thương, UBND các huyện ven biển tiếp tục thông tin, tuyên truyền cụ thể hơn về công trình điện gió để người dân nắm rõ thông tin; cùng đồng thuận với địa phương trong quá trình thực hiện cũng như an tâm phát triển sản xuất.

Để khắc phục vướng mắc, khó khăn, tỉnh Bến Tre kiến nghị Chính phủ sớm ban hành cơ chế giá điện mới để các nhà đầu tư có quyết định sớm triển khai những dự án điện gió còn lại. Đồng thời, Ủy ban nhân dân tỉnh có văn bản kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là Bộ Công Thương có hướng dẫn rõ ràng về khu dân cư để giải quyết các khiếu nại phát sinh đối với các dự án điện gió trên bờ.

Giám đốc Sở Công Thương Bến Tre Nguyễn Văn Bé Sáu cho biết, các dự án điện gió có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh Bến Tre. Với phép tính đơn giản, nếu phát triển đạt 1.500 MW điện gió, sản lượng điện phát ra trung bình trên 4 tỷ kWh/năm, đạt doanh thu khoảng 10 nghìn tỷ đồng/năm, thì mức thu ngân sách trên 1.000 tỷ đồng/năm. Đồng thời, sẽ giải quyết được công ăn việc làm cho người dân vùng dự án và phát triển các dịch vụ giá trị gia tăng khác, góp phần to lớn trong việc đảm bảo an sinh xã hội, đời sống của người dân vùng dự án nói riêng và tỉnh Bến Tre nói chung.

Theo UBND tỉnh Bến Tre, ngoài việc cung cấp điện cho điện lưới quốc gia, tạo được nguồn điện tại chỗ, ổn định cấp điện phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, các dự án điện gió còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái. Qua đó, giúp giảm nhẹ tác hại của biến đổi khí hậu mà Bến Tre được xác định là một trong những tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu.

Mặt khác, việc triển khai các dự án điện gió còn tạo thêm việc làm cho người lao động tại địa phương, gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp, tăng thu ngân sách, góp phần phát triển kinh tế cho tỉnh Bến Tre và các dự án điện gió sẽ đồng hành với phát triển du lịch biển trên địa bàn tỉnh thời gian tới.

Tin, ảnh: Công Trí (TTXVN)
Cà Mau đặt mục tiêu đóng góp trên 6.500MW điện gió vào hệ thống điện quốc gia
Cà Mau đặt mục tiêu đóng góp trên 6.500MW điện gió vào hệ thống điện quốc gia

UBND tỉnh Cà Mau cho biết, theo quy hoạch phát triển điện gió giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, được Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt thì đến năm 2030 tỉnh Cà Mau được phê duyệt quy hoạch 3.607MW điện gió.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN