Xã Yên Lạc, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên, nổi tiếng với câu hát giao duyên của đồng bào dân tộc Sán Chay. Cùng năm tháng, câu hát ngày càng thêm đậm đà, son sắt, gắn bó như máu thịt, hơi thở của đồng bào Sán Chay. Cứ lớp sau theo lớp trước, câu hát mộc mạc, chân thành, mà thấm sâu, như lời thổ lộ nghĩ suy, tâm sự từ đáy lòng người hát.
Sấng cọ, theo tiếng Sán Chay nghĩa là hát giao duyên, được trao truyền trong đời sống cộng đồng dân tộc Sán Chay. Đó là một thể loại dân ca trữ tình, với lời hát đối đáp nam - nữ. Lời bài hát được viết theo thể thất ngôn tứ tuyệt, và được lưu truyền từ đời này sang đời khác bằng miệng, hoặc bằng chữ Hán cổ. Hát Sấng cọ còn thể hiện tinh thần và trí tuệ của người dân tộc Sán Chay trong sinh hoạt văn hóa tinh thần. Cách hát tuân thủ theo lề lối, khuôn phép nhất định. Lối hát tự nhiên, không sử dụng nhạc cụ hỗ trợ, nhưng mượt mà, làm say đắm lòng người.
Trong cộng đồng người dân tộc Sán Chay ở xã Yên Lạc, ai cũng biết bà Hoàng Thị Hằng (sinh năm 1962) xóm Đồng Tiến, xã Yên Lạc, huyện Phú Lương. Bà đã cùng các thành viên trong CLB Bảo tồn văn hoá hát Sấng cọ, không quản khó nhọc, dầy công sưu tầm, ghi chép lại các bài hát và truyền dạy lại cho bà con cùng ca hát.
Bà Hoàng Thị Hằng cho biết: "Với tình yêu dành cho những câu hát cổ, từ năm 2017, chúng tôi đã thành lập ra CLB Bảo tồn văn hoá hát Sấng cọ, với 20 thành viên đều là người dân tộc Sán Chay. Sau khi thành lập, chúng tôi đã cùng nhau tìm gặp những người cao tuổi ở địa phương, để sưu tầm lại những trang sách ghi bài hát cổ, rồi tập hợp một số người để lập thành nhóm hát".
“Lúc bé được nghe ông bà hát Sấng Cọ, tôi rất mê và thuộc một số câu hát. Sấng Cọ có thể hát ở mọi lúc, mọi nơi, trong đám hỏi, đám cưới, ngày lễ, tết, buổi giao lưu, tỏ tình, khi đi làm nương… Lời bài hát có nội dung phong phú, hướng con người vào những điều tốt đẹp. Vì vậy, tôi mong mình có thể góp sức khơi dậy và lan tỏa điệu hát truyền thống của dân tộc vào đời sống ngày nay, để lớp cháu con được nghe và được hát những câu hát nhắc nhở con người sống đẹp hơn”, bà Hằng chia sẻ thêm.
Việc tập hợp người tham gia nhóm hát không khó, bởi mỗi người dân Sán Chay ở đây đã sẵn có tình yêu với văn hóa dân tộc mình, đặc biệt là làn điệu Sấng Cọ. Người già đến trẻ nhỏ, từ độ tuổi 15 đến 70, cứ đều đặn hàng tuần đến sinh hoạt tại khu vực nhà sàn của gia đình bà Hoàng Thị Hằng.
Là một trong những thành viên tích cực của CLB hát Sấng cọ bà Trần Thị Dơn (sinh năm 1960), xóm Xuân Thành, xã Yên Lạc cho biết: "Cuộc sống hàng ngày với bao bộn bề lo toan, vất vả, nhưng khi cất lên lời ca tiếng hát, mọi ưu phiền như tiêu tan, tâm hồn nhẹ nhàng, thư thái, cảm thấy cuộc sống trở lên tươi đẹp, con người với con người thêm gần gũi, chan hòa. Chính vì thế, đều đặn hàng tuần, tôi cùng các thành viên trong CLB cùng gặp gỡ, chia sẻ cùng cất lên tiếng hát, qua đó góp một phần công sức nhỏ bé của mình lưu giữ những bài hát của dân tộc để truyền dạy đến các thế hệ con cháu, để những bài hát Sấng Cọ không bị mai một theo thời gian".
Không chỉ góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống, bà con đồng bào dân tộc Sán Chay tại Yên Lạc còn kết hợp làn điệu Sấng cọ với việc với phát triển du lịch cộng đồng.
Bà Hoàng Thị Hằng, hiện là Giám đốc HTX Nông nghiệp và Du lịch cộng đồng xóm Đồng Tiến, xã Yên Lạc chia sẻ: "HTX được thành lập tháng 5/2024, với 13 thành viên, hoạt động chủ yếu là các ngành nghề như làm gối thảo dược, trồng và chăm sóc các giống cây thảo dược nhằm khai thác, sử dụng có hiệu quả diện tích đất nông nghiệp tại địa phương gắn với phát triển kinh tế bền vững, từ đó giải quyết việc làm tại chỗ cho đồng bào DTTS. Song song với việc duy trì hoạt động của CLB, chúng tôi rất mong sẽ tiếp tục nhận sự quan tâm, hỗ trợ và hướng dẫn của các cấp chính quyền để góp phần tiêu thụ các sản phẩm và phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương".
Bà Phạm Thị Lan Anh, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Phú Lương, khẳng định: Hát Sấng Cọ là thể loại diễn xướng đặc sắc của đồng bào dân tộc Sán Chay ở huyện Phú Lương (Thái Nguyên) đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Hát Sấng Cọ không chỉ có ý nghĩa trong việc giáo dục truyền thống cho các thế hệ mai sau, khơi dậy lòng tự hào, tự tôn dân tộc, mà còn khích lệ tinh thần đoàn kết, đồng thời góp phần vào công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Địa phương đang từng bước đưa môn nghệ thuật trở thành sản phẩm văn hóa độc đáo, phục vụ du khách đến tham quan du lịch, thưởng thức.