Để tránh xảy ra tình trạng xung đột mặn - ngọt, hoặc thừa ngọt - thiếu mặn khiến cho tôm nuôi không thể phát triển, ngành nông nghiệp các địa phương trong tỉnh Bạc Liêu đang triển khai các phương án dẫn nước mặn về đồng, nhưng vẫn đảm bảo việc quản lý, kiểm soát hiệu quả nguồn nước ở những vùng giáp ranh, hạn chế thấp nhất việc nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng gây thiệt hại cho người dân trong vùng sản xuất lúa.
Huyện Hồng Dân nằm ở vùng giáp nước giữa triều cường Biển Tây và phụ thuộc vào lịch điều tiết nước mặn phía Bắc Quốc lộ 1A của tỉnh Bạc Liêu. Độ mặn đo tại các cống trên địa bàn như Cầu Sắt 0,22‰, Sáu Hỷ 0,14‰... Nhiều xã khác như Ninh Thạnh Lợi, Ninh Thạnh Lợi A, Vĩnh Lộc, Vĩnh Lộc A... vẫn đang trong tình trạng còn thiếu và chưa đủ mặn.
Ông Nguyễn Thanh Sơn ở xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân lo lắng cho biết, hiện nay gia đình đã cải tạo xong ao đầm với trên 2 ha đất nuôi tôm quảng canh nhưng chưa dám thả giống vì độ mặn chưa đạt. Độ mặn ở kênh còn thấp, chỉ từ 1-2 ‰ nên không thả nuôi được vì tôm sẽ chết, do đó phải chờ đủ mặn mới thả tôm giống. "Năm nay mặn về trễ quá", ông Sơn nói.
Còn anh Nguyễn Thanh Hơn xã Lộc Ninh, huyện Hồng Dân chia sẻ, năm nay cũng như năm trước, nước mặn về trễ nên đến nay, nhiều hộ không thể thả tôm nuôi. Bên cạnh đó, trong mấy ngày qua, mưa trái mùa liên tục và thời tiết âm u càng khiến cho việc cải tạo ao đầm gặp nhiều khó khăn hơn. Nếu tới vụ lúa mà mưa xuất hiện trễ hoặc lượng mưa ít thì nông dân rất khó cải tạo, xuống giống.
Từ khi thực hiện chuyển đổi sang mô hình luân canh tôm - lúa, đời sống của nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đã có sự chuyển biến rõ rệt. Từ khoảng 6.000 ha khi mới bắt tay vào chuyển đổi vào năm 2001, đến nay diện tích canh tác tôm - lúa trên địa bàn tỉnh đã tăng lên gần 40.000 ha, chiếm hơn 30% diện tích nuôi tôm trong tỉnh. Hiện mô hình này cho tổng thu nhập trên 90 triệu đồng/ha, lợi nhuận từ 40 - 60 triệu đồng/ha/năm.
Tuy nhiên, trước những tác động tiêu cực của thời tiết do biến đổi khí hậu, câu chuyện con tôm khát mặn, cây lúa chờ ngọt đã không còn là chuyện hiếm gặp đối với nông dân trong vùng chuyển đổi. Việc này đòi hỏi các địa phương trong vùng chuyển đổi phải chủ động đầu tư đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật để mô hình tôm - lúa tiếp tục phát triển bền vững trong thời gian tới.
Theo lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hồng Dân, đối với vùng phía Bắc Quốc lộ 1 bắt đầu xuống giống từ tháng 1 đến tháng 6 thì hiện nay độ mặn trên địa bàn huyện chưa đáp ứng việc thả giống. Ngành nông nghiệp huyện cũng khuyến cáo nông dân tích cực cải tạo ao đầm để chuẩn bị sẵn sàng cho vụ tôm.
Ông Sử An Bình, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hồng Dân cho biết, năm nay dự kiến nông dân vùng chuyển đổi của huyện phấn đấu thả giống trên 26.260 ha mặt nước nuôi tôm; trong đó, tôm - lúa là hơn 24.700ha, còn lại theo mô hình quảng canh và quảng canh cải tiến kết hợp với các loài thủy sản khác. Tuy nhiên, đến nay nông dân mới cải tạo ao đầm được khoảng 40 - 60% diện tích. Nguyên nhân chính là do nước mặn trên các tuyến kênh còn thấp, nơi cao nhất chỉ đạt 5‰, trong khi đó độ mặn nuôi tôm thích hợp nhất phải đạt từ 10 - 15‰.
Theo ông Nguyễn Kỳ Phong, cán bộ Trung tâm Quản lý Khai thác Công trình thủy lợi Bạc Liêu, những năm trước đây, ảnh hưởng của xâm nhập mặn đối với vùng giáp ranh 2 tỉnh Sóc Trăng-Bạc Liêu là rất mạnh, thậm chí có năm, nước mặn còn xâm nhập mặn cả hàng chục cây số vào trong nội đồng của thị xã Ngã Năm (tỉnh Sóc Trăng).
Khi cống ngăn mặn Âu thuyền Ninh Quới (xã Ninh Quới A, huyện Hồng Dân) bắt đầu được vận hành thì độ mặn đã được kiểm soát. Độ mặn không còn xâm nhập sâu và làm ảnh hưởng đến sản xuất của người dân sản xuất lúa tại vùng giáp ranh của hai tỉnh nữa.
Quan trọng hơn là câu chuyện "tranh chấp" mặn-ngọt giữa Bạc Liêu và Sóc Trăng đã được giải quyết một cách hài hòa, hiệu quả, giúp cư dân ở hai tỉnh đều có hướng đi trong phát triển kinh tế, gắn với thực tế sản xuất của địa phương mình.
Theo ông Lai Thanh Ẩn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Bạc Liêu, hiện nay đã cấp đủ nước mặn cho thị xã Giá Rai và diện tích nuôi tôm của huyện Phước Long. Khu vực phía Bắc Hồng Dân giáp Kiên Giang vẫn còn ngọt, độ mặn dao động từ 0,1‰ đến 1‰, còn trên 5.000 ha nuôi tôm chưa thả giống. Chi cục đã xây dựng lịch điều tiết nước mặn cống Giá Rai và cống Hộ Phòng từ ngày 16 - 24/2/2023 để cung cấp nước mặn phục vụ nuôi trồng thủy sản vùng Bắc Quốc lộ 1A.
Ông Lai Thanh Ẩn, Chi cục trưởng Chi cục thủy lợi tỉnh Bạc Liêu cho biết thêm, để giảm thiểu những tác động do tình hình hạn, mặn và thiếu nước trong sản xuất, bảo vệ vụ mùa cho người dân, chi cục đã chủ động phối hợp với các địa phương thực hiện việc nạo vét các tuyến kênh chính, kênh nội đồng. Bố trí, sắp xếp thời gian vận hành các cống phân ranh để điều tiết nước mặn - ngọt cho các vùng chuyên canh và luân canh, đảm bảo việc sản xuất lúa và nuôi tôm của người dân.
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều vừa có chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tập trung cao độ cho việc điều tiết nước và triển khai các biện pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn trong mùa khô đang diễn ra. UBND tỉnh Bạc Liêu cho rằng hạn hán, xâm nhập mặn năm nay dự báo tương đương mùa khô năm 2022 - 2023 và khả năng xuất hiện các đợt mưa trái mùa ảnh hưởng tới sản xuất muối và nuôi trồng thủy sản của người dân.
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cũng yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường hằng tháng phải lấy mẫu nước mặt tại 8 điểm trên địa bàn tỉnh (đại diện cho từng vùng mặn, ngọt, lợ) để phân tích các chỉ tiêu, thông báo kết quả quan trắc này để phục vụ việc sản xuất của người dân...Nhất là kịp thời thông tin dự báo khí tượng, thủy văn để chủ động điều tiết, sử dụng nước hiệu quả, phù hợp với khả năng nguồn nước cho từng thời kỳ.