Theo kết qua quan trắc môi trường nước từ ngày 6 đến 9/1, độ mặn tại các nhánh sông, trước cửa cống thủy lợi đầu mối trên địa bàn tỉnh đã liên tục tăng cao từ 7 - 20‰. Cụ thể, tại sông Hiệp Mỹ độ mặn 7‰; cống Thâu Râu, huyện Cầu Ngang độ mặn 13 ‰; sông Long Toàn độ mặn, thị xã Duyên Hải độ mặn 17‰; Vàm Phước Thiện, huyện Duyên Hải độ mặn 20‰... Tại các vùng nước ngọt trong tỉnh độ mặn trên các nhánh sông như: Vàm Cầu Quan, huyện Tiểu Cần, Vàm Trà Kha, huyện Trà Cú, Vàm Trà Vinh độ mặn đã tăng đến mức 3‰.
Ông Lê Quang Răng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh cho biết, trước tình hình nước mặn trên các nhánh sông tăng cao, đơn vị đã chỉ đạo Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi Trà Vinh tổ chức vận hành đóng các cống đầu mối khi độ mặn từ 1‰ trở lên và mở cửa cống lấy nước khi độ mặn giảm dưới 1‰, nhằm đảm bảo mực nước ngọt trong nội đồng đạt cao trình tối thiểu +0,5m.
Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện cùng chính quyền địa phương các xã theo dõi chặt chẽ tình hình xâm nhập mặn trên tuyến kênh rạch chính để thông báo người dân biết chủ động ứng phó. Đồng thời, các địa phương vận động đôn đốc nhân dân trục vớt lục bình, nạo vét hệ thống kênh mương nội đồng để khơi thông dòng chảy và đảm bảo độ sâu trữ nước.
Kết quả bước đầu, huyện Trà Cú đã vận động nhân dân có đất sản xuất cặp theo kênh thủy lợi đã tiến hành trục vớt lục bình, vật cản trên 68 tuyến kênh cấp III tại địa bàn các xã An Quảng Hữu, Lưu Nghiệp Anh, Tập Sơn, Phước Hưng, Long Hiệp, Ngọc Biên, Hàm Giang, Đại An, Thanh Sơn, Ngãi Xuyên; khai thông dòng chảy với tổng chiều dài hơn 47.310 m.
Viện Khoa học thủy lợi miền Nam nhận định, mùa khô năm 2022-2023, mặn xâm nhập sớm và diễn biến bất thường. Vì vậy, cùng với giải pháp phòng, chống hạn, mặn, ngành nông nghiệp tỉnh còn xây dựng kịch bản rủi ro thiên tai theo 2 cấp độ 1 và 2 cùng phương án ứng phó với từng trường hợp nhằm giảm mức thấp nhất thiệt hại do hạn hán, mặn xâm nhập gây ra - ông Răng cho hay.