Bắc Kạn nỗ lực đưa sản phẩm OCOP vươn xa

Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) tỉnh Bắc Kạn được xem như lực đẩy để hướng đến phát triển kinh tế nông thôn bền vững. Sản phẩm OCOP của tỉnh Bắc Kạn từng bước nâng cao chất lượng, chiếm lĩnh thị trường trong nước, hướng đến xuất khẩu sang nhiều thị trường tiềm năng..

Tháng 6/2018, Hợp tác xã Yến Dương (thôn Nà Giảo, xã Yến Dương, huyện Ba Bể) được thành lập và đi vào hoạt động, với 25 thành viên.

Hợp tác xã chủ yếu sản xuất, chế biến các sản phẩm nông, lâm nghiệp như: Trồng và chăm sóc cây bí xanh thơm, xạ đen, cây mướp đắng rừng, rau bò khai; Sản xuất một số sản phẩm khác từ gỗ; tre, nứa, rơm rạ và vật liệu tết bện…

Chị Ma Thị Ninh, Giám đốc HTX Yến Dương cho biết: Do mới được thành lập, nên HTX gặp nhiều khó khăn trong khâu quảng bá, liên kết, tiêu thụ sản phẩm. Nhằm giải quyết bài toán này, đầu năm 2019, HTX đã đăng ký tham gia chương trình “ Mỗi xã phường một sản phẩm” của tỉnh.

Tham gia chương trình, HTX không chỉ có cơ hội mang sản phẩm của mình đến được với đông đảo người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh mà còn được bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý, cách thực hiện những thủ tục hành chính thông qua các lớp tập huấn, các buổi giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm.

Theo chị  Ma Thị Ninh, khi đăng ký sản phẩm OCOP, thứ nhất là nâng cao giá trị của sản phẩm, sau đó là xúc tiến về thương mại thị trường và nâng cao thương hiệu của sản phẩm…

Tham gia phát triển chuỗi giá trị ngành hàng từ năm 2020, HTX Nông nghiệp Tân Thành, thành phố Bắc Kạn cũng được ngành chuyên môn đánh giá là một trong những đơn vị điển hình về duy trì, phát triển chuỗi giá trị.

Thực hiện dự án liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nghệ, HTX hiện có gàn 400ha vùng nguyên liệu; có cơ sở chế biến, đóng gói bảo đảm an toàn thực phẩm, đúng quy cách, thông tin rõ ràng về phương thức sản xuất, truy suất nguồn gốc sản phẩm.

Cùng với đó, quy trình sản xuất của HTX được áp dụng theo chuỗi, kiểm soát chặt chẽ từ đầu vào đến thực hành trên vùng trồng và bao tiêu sản phẩm. Hiện nay, sản phẩm chủ lực là tinh bột nghệ nếp đỏ và tinh bột nghệ nếp đen đã được chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao. Sản phẩm được liên kết tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành phố như: Quảng Ninh, Thái Nguyên, Buôn Ma Thuật, Đăk Lăk, Lào Cai, Sa Pa, Điện Biên, thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chi Minh... và một số công ty xuất nhập khẩu từ đó đem lại thu nhập cao cho thành viên HTX và các hộ dân tham gia liên kết với HTX.

Bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Giám đốc HTX Nông nghiệp Tân Thành, chia sẻ: "Chúng tôi đặc biệt chú trọng phát triển vùng nguyên liệu đảm bảo chất lượng, thường xuyên kiểm tra, giám sát, hướng dẫn cho người dân về quy trình sản xuất…".

Sau hơn 5 năm triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay, tỉnh Bắc Kạn có 184 sản phẩm được phân hạng sao, trong đó 1 sản phẩm 5 sao, 18 sản phẩm 4 sao và 165 sản phẩm 3 sao. Số sản phẩm OCOP này do 110 chủ thể là các HTX, doanh nghiệp, tổ hợp tác và các hộ kinh doanh sản xuất.

Hiện nay, tỉnh Bắc Kạn có trên 90 lượt sản phẩm, bộ sản phẩm được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh. Trong đó, có 3 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia. Những sản phẩm này có chỗ đứng trên thị trường, tham gia vào hệ thống bán lẻ ở các thành phố lớn trên cả nước và xuất khẩu.

Một số sản phẩm OCOP nổi bật của tỉnh Bắc Kạn như: Tinh nghệ, curcumin, nano curcumin, miến dong, mật ong, bún, phở khô, trà mướp đắng rừng, chè Shan tuyết, trà túi lọc, cao cà gai leo… được người tiêu dùng ưa chuộng, mang lại lợi ích cho người sản xuất và khách hàng tiêu dùng, từng bước khẳng định thương hiệu sản phẩm nông sản Bắc Kạn. Một số sản phẩm OCOP của Bắc Kạn đã được đưa lên sàn thương mại điện tử VoSo, Postmart, Alibaba...

Ông Hà Sỹ Huân, Giám đốc Sở NN và PTNT Bắc Kạn, cho biết: Trong giai đoạn này chúng ta phải áp dụng KHCN, KHKT, xây dựng chuỗi liên kết để phát triển nông nghiệp…Hiện nay các sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm OCOP có sự cạnh tranh rất cao, nếu chúng ta không đổi mới, không thay đổi thì chúng ta khó có thể cạnh tranh được.

Cùng với chiến lược thay đổi về công nghệ sản xuất, mẫu mã, quan tâm xây dựng hệ thống quản lý Chương trình OCOP. Vận dụng cơ chế, chính sách hiện hành về hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển du lịch, khoa học công nghệ, khuyến nông, khuyến công... để thúc đẩy phát triển sản xuất ở các cá nhân, tổ chức kinh tế tham gia OCOP.

Phấn đấu đến năm 2025, tỉnh Bắc Kạn có từ 200 sản phẩm OCOP trở lên đạt 3 - 4 sao, trong đó có 2 sản phẩm trở lên đạt 5 sao. Với kết quả đạt được, chương trình OCOP đã tạo sức bật cho nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh để sản xuất các sản phẩm truyền thống có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường.

PV
Thẩm định, phân hạng sản phẩm OCOP
Thẩm định, phân hạng sản phẩm OCOP

Ngày 28/12, nhiều địa phương trong cả nước đã tổ chức thẩm định, phân hạng sản phẩm OCOP.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN