* Tại Hòa Bình: Chiều 28/12, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Hoà Bình, giai đoạn 2023 - 2025, tổ chức hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh năm 2023.
Tại hội nghị, tổng số sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh Hòa Bình năm 2023 là 14 sản phẩm; trong đó, có 12 sản phẩm đạt trên 70 điểm được cấp huyện đề nghị tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh năm 2023; 2 sản phẩm đạt sản phẩm OCOP 4 sao năm 2022 được UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ chuẩn hóa đạt sản phẩm OCOP quốc gia năm 2024.
Qua đánh giá, 14 sản phẩm đều đủ điều kiện tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh năm 2023; trong đó, 2 sản phẩm đạt trên 90 điểm trở lên; 12 sản phẩm đạt từ 70 - 80 điểm. Kết quả, có 2 sản phẩm OCOP đạt hạng tiềm năng 5 sao, 12 sản phẩm đạt hạng 4 sao cấp tỉnh
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình, Chủ tịch Hội đồng Đinh Công Sứ ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của các chủ thể, hợp tác xã, cũng như sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, ngành chức năng trong xây dựng các sản phẩm OCOP. Trong năm 2024, cũng như những năm tiếp theo, ngành nông nghiệp và các đơn vị liên quan cần đẩy mạnh nhiều sản phẩm đã được công nhận OCOP cấp huyện, cấp tỉnh tiếp tục được nâng hạng; tăng cường phối hợp để triển khai hiệu quả Chương trình Mỗi xã Một sản phẩm; các doanh nghiệp, hợp tác xã tiếp tục nghiên cứu, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm để xây dựng sản phẩm OCOP ngày càng tốt hơn.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình, ông Nguyễn Huy Nhuận cho biết, để triển khai Chương trình (OCOP) đảm bảo đạt mục tiêu, kế hoạch giai đoạn 2021-2025, phấn đấu chuẩn hóa từ 80 sản phẩm OCOP cấp tỉnh trở lên, các đơn vị liên quan tăng cường các nội dung như huy động sự tham gia của toàn hệ thống chính trị để phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị thông qua đưa Chương trình OCOP vào Nghị quyết của cấp ủy Đảng các cấp; kế hoạch, chương trình chỉ đạo trọng tâm của chính quyền địa phương; đa dạng hóa hình thức tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng, tăng cường đào tạo, tập huấn, hướng dẫn và kiểm soát chặt chẽ việc áp dụng, tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật trong sản xuất nguyên liệu đầu vào, con người, cơ sở sản xuất đến sản phẩm cuối cùng đưa ra thị thường đều phải được chuẩn hóa, có tiêu chuẩn chất lượng và được chứng nhận (VIETGAP, GMP, HACCP...); tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại và thực hiện bảo hộ sở hữu trí tuệ chung cho cả chương trình.
Cùng với đó, tích cực quảng bá rộng rãi Chương trình OCOP, tiêu chí của các sản phẩm OCOP đến rộng rãi người tiêu dùng trên địa bàn; xây dựng thương hiệu OCOP với các sản phẩm đảm bảo chất lượng, giá cả cạnh tranh, số lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng; hỗ trợ các sản phẩm tham gia Chương trình Gian hàng Việt trực tuyến trên sàn Thương mại điện tử Sendo,Voso, Postmart.vn, Shopee, Lazada; tham gia các sàn thương mại điện tử trong nước; tiếp tục phát triển sản phẩm OCOP, rà soát các sản phẩm có tiềm năng, thế mạnh đăng ký tham gia chu trình OCOP.
Hàng năm phấn đấu chuẩn hóa từ 16 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên; phát triển sản phẩm OCOP cấp quốc gia (5 sao) từ các sản phẩm OCOP cấp tỉnh có chất lượng, sản lượng và hiệu quả kinh tế cao như cam Cao Phong, các dòng sản phẩm chế biến từ thủy sản Cá Sông Đà, chế biến từ măng tre các loại và một số sản phẩm OCOP du lịch cộng đồng...
* Tại Hải Dương: Ngày 28/12, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Hải Dương tổ chức hội nghị rà soát, thẩm định hồ sơ sản phẩm tiềm năng 4 sao của tỉnh năm 2023 đối với 35 sản phẩm của 15 chủ thể thuộc 7 huyện, thị xã, thành phố.
Tại hội nghị, ông Bùi Văn Thăng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Chủ tịch Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP tỉnh Hải Dương đề nghị các địa phương tiếp tục quan tâm, rà soát, hỗ trợ để những năm tới có thêm nhiều sản phẩm xếp hạng OCOP hơn, đề nghị các chủ thể OCOP tiếp tục đầu tư nâng cao giá trị, thương hiệu cho sản phẩm OCOP.
Từ 35 hồ sơ của 35 sản phẩm do Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP cấp huyện trình lên cấp tỉnh, các thành viên Tổ tư vấn Hội đồng cấp tỉnh đánh giá, cho điểm từng sản phẩm, thống nhất dự kiến phân hạng 34 sản phẩm đạt 4 sao. Đây là căn cứ để tham mưu cho Hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Hải Dương đánh giá và cấp giấy chứng nhận OCOP 4 sao năm 2023.
Theo đó, 34 sản phẩm dự kiến phân hạng sản phẩm OCOP 4 sao là: 10 sản phẩm của thành phố Hải Dương; 1 sản phẩm của thành phố Chí Linh; 1 sản phẩm của thị xã Kinh Môn, 4 sản phẩm của huyện Nam Sách; 1 sản phẩm của huyện Gia Lộc; 3 sản phẩm của huyện Tứ Kỳ; 14 sản phẩm của huyện Ninh Giang. Điểm đặc biệt, trong số 34 sản phẩm, có 3 sản phẩm thuộc lĩnh vực du lịch đều thuộc huyện Ninh Giang là: Đình Trịnh Xuyên, Pháo đất Nghĩa An của Ban Quản lý di tích Đình Trịnh Xuyên và Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia Đền Tranh của Ban Quản lý di tích quốc gia Đền Tranh.
Bà Phạm Thị Đào, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương cho biết, cơ quan này thường xuyên hướng dẫn, đôn đốc các địa phương triển khai thực hiện tham gia Chương trình OCOP. Các cơ quan chuyên môn hướng dẫn, tư vấn cho các chủ thể sản xuất. Sở đã tổ chức được 3 lớp tập huấn về Chương trình OCOP cho trên 200 người là cán bộ quản lý các cấp và chủ thể tham gia chương trình năm 2023.
Bên cạnh đó, nhiều hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất xúc tiến thương mại cũng được Hải Dương đẩy mạnh. Các sản phẩm đã được giới thiệu, quảng bá tại nhiều Hội chợ giới thiệu các sản phẩm OCOP toàn quốc như tham gia Hội chợ OCOP Quảng Ninh; Triển lãm cung ứng hàng hóa quốc tế tại thành phố Hồ Chí Minh, Festival Bảo tồn và phát triển làng nghề... Cùng với đó, các chủ thể được hỗ trợ đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử, kết nối thông tin các sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh, kết nối thông tin trên nhóm chương trình Quản lý OCOP của Trung ương...
Kết quả, trong năm 2023, số lượng sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng tại Hội đồng cấp huyện khoảng 135 sản phẩm; trong đó, 117 sản phẩm đánh giá, phân hạng lần đầu và 18 sản phẩm đánh giá, phân hạng lần thứ 2. Hội đồng cấp huyện đã hoàn thiện hồ sơ và gửi Hội đồng cấp tỉnh đánh giá với 35 sản phẩm.
Theo các chủ thể có sản phẩm được đề xuất 4 sao OCOP năm 2023, trong quá trình xây dựng và hoàn thiện hồ sơ, các chủ thể nhận được nhiều sự quan tâm hỗ trợ của các cán bộ chuyên môn, các sở ngành đồng hành. Giám đốc Hợp tác xã thực phẩm sạch Vương Dung (huyện Ninh Giang) chia sẻ rất vui mừng vì sản phẩm giò vịt, chả vịt, thịt vịt của Hợp tác xã được đề xuất sản phẩm OCOP 4 sao. Anh cho biết đây là sự quan tâm, động viên của các sở, ngành và của tỉnh với người sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp. Hợp tác xã thực phẩm sạch Vương Dung dự kiến sắp tới tiếp tục đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường để người tiêu dùng nhiều địa phương được biết đến và thưởng thức sản phẩm.
Ông Đào Quang Chuyện, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Hoàng Giang là chủ thể đã từng có sản phẩm được xếp hạng OCOP, việc tham gia chương trình OCOP giúp việc sản xuất và kinh doanh của cơ sở nhiều thuận lợi hơn, chương trình phân hạng sản phẩm OCOP là động lực cho việc phát triển các sản phẩm nông nghiệp, đặc sản ở địa phương.
Theo một số ý kiến tại hội nghị, còn những lĩnh vực có nhiều tiềm năng nhưng còn bỏ ngỏ. Sản phẩm lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, du lịch cộng đồng, điểm du lịch chưa nhiều. Đại diện Hội đồng tư vấn cấp tỉnh đề nghị các huyện, thị xã, thành phố cần quan tâm đẩy mạnh tuyên truyền để người dân và các chủ thể sản xuất, kinh doanh khác hiểu và tích cực hưởng ứng đưa sản phẩm tham gia chương trình OCOP.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương cho biết, như vậy, đến nay tỉnh đã có 351 sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng. Chương trình OCOP đã mang lại nhiều lợi ích cho cả người sản xuất và sự phát triển kinh tế của địa phương. Tuy nhiên, còn không ít sản phẩm chưa phát huy được tiềm năng, thế mạnh. Nguyên nhân, do quy mô sản xuất của chủ thể còn nhỏ lẻ, sản phẩm theo mùa vụ nên việc liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế, các chủ thể chưa chú trọng áp dụng các biện pháp kỹ thuật để sản xuất an toàn, hiệu quả, bền vững…