Dự buổi lễ có các đồng chí lãnh đạo HĐND, UBND, lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh Bắc Giang cùng đông đảo cán bộ, nhân dân huyện Yên Dũng.
Đồng chí Lê Ánh Dương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang thừa ủy quyền Chủ tịch nước trao Huân chương Lao động hạng Nhì cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Yên Dũng. Thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Lâm Thị Hương Thành, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang đã trao Bằng công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020 cho huyện Yên Dũng.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương chúc mừng những thành tích đáng ghi nhận của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Yên Dũng đã đạt được trong thời gian vừa qua. Yên Dũng đã có bước phát triển nhanh, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực; giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ đứng thứ hai toàn tỉnh. Nông nghiệp phát triển theo chiều sâu, gắn với ứng dụng công nghệ cao để tăng năng suất, chất lượng; giá trị sản xuất/1ha đất nông nghiệp cao hơn bình quân chung cả tỉnh.
"Để thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện Yên Dũng được biết đến với nhiều cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả, điển hình như: Giao thông nông thôn phát triển mạnh mẽ, toàn huyện cứng hóa đạt 80% với tổng nguồn lực thực hiện trên 1.200 tỷ đồng; là 1 trong 3 huyện tiêu biểu trên toàn quốc được Bộ Giao thông Vận tải tặng Bằng khen về phát triển giao thông nông thôn giai đoạn 2011-2020. Yên Dũng cũng là địa phương đi đầu trong phong trào dồn điền đổi thửa và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, với 50 mô hình nhà màng, nhà lưới được nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh đến thăm quan, học tập kinh nghiệm", Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang yêu cầu, thời gian tới huyện Yên Dũng tập trung hoàn thiện quy hoạch huyện; nhất là định hướng, quy hoạch phát triển đối với từng vùng, từng địa phương cho phù hợp nhằm khơi dậy, phát huy tiềm năng của địa phương. Xác định “Xây dựng nông thôn mới là quá trình liên tục, lâu dài, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc, là nhiệm vụ thường xuyên và của cả hệ thống chính trị”, lấy việc nâng cao đời sống của người dân làm mục tiêu.
Trong thời gian tới, huyện cần xác định nông nghiệp vẫn là chủ lực trong phát triển kinh tế, tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, phát triển nông nghiệp sạch, hữu cơ và an toàn sinh học. Thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đẩy mạnh các hình thức liên kết, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm nông nghiệp. Huyện thực hiện hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (mỗi năm có từ 2-3 sản phẩm được xếp hạng Chương trình OCOP cấp tỉnh), tạo điều kiện cho việc tiêu thụ sản phẩm và xuất khẩu.
Đồng thời, huyện cũng cần xác định phát triển công nghiệp là đột phá trong phát triển kinh tế; theo đó, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành xây dựng hạ tầng và thu hút các dự án đầu tư vào các Cụm công nghiệp ở Yên Lư, Nham Sơn, phấn đấu đến năm 2025, đạt tỷ lệ lấp đầy 100%. Đề nghị thành lập Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Yên Lư - Nham Sơn với diện tích trên 700 ha…
Bên cạnh đó, huyện cần coi trọng phát triển du lịch, dịch vụ; tập trung khai thác, phát triển du lịch dựa trên 4 loại hình du lịch: Văn hóa - tâm linh; Sinh thái - nghỉ dưỡng; Thể thao - giải trí và Văn hoá cộng đồng. Đồng thời, bảo tồn, tôn tạo, các điểm di tích lịch sử văn hóa: Chùa Vĩnh Nghiêm, Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng, chùa Kem, đền Thanh Nhàn, Chùa Thiên Lai và các công trình tâm linh trên khu vực núi Non Vua; bảo vệ cảnh quan, môi trường dãy núi Nham Biền. Từng bước hình thành các tour, tuyến du lịch kết nối các điểm du lịch trong và ngoài huyện. Phấn đấu năm 2022 thu hút được khoảng 125.000 lượt khách và đến năm 2025 thu hút khoảng 500.000 lượt khách du lịch vào địa bàn huyện, đóng góp 17 - 17,5% cơ cấu giá trị sản xuất của huyện...
Từ một huyện có xuất phát điểm thấp, năm 2011, khi bắt đầu triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, các xã trên địa bàn huyện chỉ đạt bình quân 6,2 tiêu chí/xã, thu nhập thấp đạt 17 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn cao chiếm 9,2%. Một số tiêu chí như giao thông, thủy lợi tỷ lệ cứng hóa ở nhiều xã còn đạt tỷ lệ rất thấp so với quy định; hệ thống cơ sở vật chất văn hóa như: Nhà văn hóa - Khu thể thao xã, Nhà văn hóa - Khu thể thao thôn tại nhiều nơi còn chưa có hoặc chưa đảm bảo; cơ sở vật chất trường học còn thiếu thốn, chưa đạt chuẩn theo quy định…
Sau 9 năm triển khai, đến năm 2020, toàn huyện có 16/16 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 2/16 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, huyện cũng hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới. Thu nhập bình quân đầu người đạt 61,87 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 3,6 lần so với năm 2011. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giai đoạn 2021-2025 giảm còn 3,45%, giảm 5,75% so với năm 2011. Tỷ lệ người có việc làm trên dân số trong độ tuổi lao động có khả năng tham gia lao động đạt 97,4%...
Diện mạo nông thôn của huyện thay đổi toàn diện: Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên; an sinh xã hội được đảm bảo; văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực; hạ tầng và thiết chế nông thôn được đầu tư khá đồng bộ; hệ thống chính trị được tăng cường; quốc phòng, an ninh được giữ vững…
Dịp này, 10 tập thể, 9 cá nhân và 1 hộ gia đình có thành tích trong xây dựng nông thôn mới cũng được UBND tỉnh tặng bằng khen.