Theo đó, ở khối địa phương, bảng xếp hạng DDCI Bắc Giang năm 2022 được thực hiện với 10 huyện, thành phố. Đứng đầu là huyện Việt Yên với 76,03 điểm, đứng thứ hai là thành phố Bắc Giang với 73,66 điểm, đứng thứ 3 là huyện Lục Nam với với 72,03 điểm.
Ba huyện đứng đầu bảng xếp hạng được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá có những thay đổi tích cực trong công tác điều hành kinh tế.
Ba huyện đứng cuối bảng xếp hạng khối địa phương là Yên Thế, Yên Dũng, Sơn Động với điểm số lần lượt là 52,08; 48,01 và 40,32.
Điểm trung bình khối địa phương năm nay là 66,66 điểm, cao hơn so với năm 2021 (59,37 điểm); khoảng cách điểm số giữa địa phương đứng đầu với địa phương đứng cuối bảng xếp hạng là 35,71 điểm.
Ở khối các sở, ban, ngành, bảng xếp hạng DDCI được thực hiện với 14 đơn vị. Đứng đầu bảng xếp hạng là Sở Kế hoạch và Đầu tư với 80,94 điểm, đứng thứ hai là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với 79,69 điểm, đứng thứ ba là Sở Xây dựng với 78,94 điểm.
Các đơn vị có kết quả thấp nhất lần lượt là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Thuế tỉnh, Sở Y tế với điểm số là 45,31; 38,93; 38,70. Điểm trung bình khối sở, ban, ngành năm nay là 57,11 điểm, tăng 0,74 điểm so với năm 2021, cho thấy các hoạt động và điều hành kinh tế của khối chính quyền sở, ban, ngành trong năm qua đã có bước cải thiện.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương cho biết: Thông qua việc đánh giá năng lực cạnh tranh cấp các sở, ngành và huyện, thành phố, UBND tỉnh Bắc Giang hướng tới ba mục tiêu chính. Đó là, thúc đẩy nhận thức và hành động cải thiện công tác quản lý và điều hành kinh tế của các sở, ban, ngành, huyện, thành phố; tạo sự cạnh tranh, thi đua giữa các sở, ban, ngành và giữa các huyện, thành phố về chất lượng điều hành kinh tế và phục vụ cộng đồng kinh doanh.
Đồng thời, hỗ trợ lãnh đạo các cơ quan nhà nước nắm được các ý kiến nhận xét, đánh giá từ doanh nghiệp, nhà đầu tư về tình hình hoạt động của cơ quan, đơn vị. Từ đó, lựa chọn và triển khai các giải pháp cải thiện tốt hơn và tạo kênh thông tin phản hồi rộng rãi, minh bạch, tin cậy để nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia đóng góp ý kiến đối với các cơ quan nhà nước.
Để nâng cao nhiệm vụ và giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh nói chung, và năng lực cạnh tranh của các sở, ban ngành, huyện thành phố nói riêng, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đề nghị: Các cơ quan, đơn vị, địa phương nghiên cứu kỹ kết quả đánh giá, các khuyến nghị tại báo cáo đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và địa phương. Từ đó, xây dựng các kế hoạch, biện pháp triển khai các nhiệm vụ để nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao thứ hạng trong năm 2023.
Các sở, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua tại cơ quan, đơn vị mình về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành. Đồng thời, cần có các hình thức biểu dương, khen thưởng những cán bộ, công chức, viên chức có tâm huyết, có nhiều ý tưởng đóng góp cho địa phương, đơn vị trong việc đưa ra các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của cơ quan, đơn vị.
Bộ chỉ số DDCI Bắc Giang năm 2022 được xây dựng và vận hành dựa trên các nguyên tắc và phương pháp tương tự Bộ chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Bộ chỉ số DDCI bao gồm 8 chỉ số thành phần áp dụng cho khối sở, ban, ngành và 9 chỉ số thành phần cho khối địa phương, phản ánh các lĩnh vực điều hành kinh tế có tác động đến sự phát triển của doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân.
Qua đó, đánh giá năng lực của chính quyền các sở, ngành, địa phương thuộc tỉnh trên nhiều khía cạnh điều hành kinh tế. Khảo sát năm nay được thực hiện với 3 nghìn doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh và đã nhận được phản hồi 1.330 phiếu hợp lệ.