Báo cáo tại cuộc họp, ông Lê Xá, Phó trưởng Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh thông tin, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu tập trung tại thị xã Phú Mỹ, thành phố Vũng Tàu, huyện Châu Đức và Đất Đỏ với 315.418 lao động, 18.270 cơ sở sản xuất, công ty, doanh nghiệp. Riêng trong khu công nghiệp có 64.418 lao động tại 13 khu công nghiệp đang hoạt động. Số lao động ngoài tỉnh trên địa bàn là 33.565 người (trong đó 1.560 lao động từ TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai thường xuyên đi về mỗi ngày).
Từ khi đợt dịch COVID-19 thứ 4 bùng phát, Ban Quản lý các Khu công nghiệp thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở doanh nghiệp tuân thủ quy định tại công văn số 6006/UBND-VP ngày 31/5/2021 của UBND tỉnh đối với việc ngưng tổ chức xe đưa đón chuyên gia, người lao động hàng ngày ra ngoài tỉnh.
Hiện nay, khoảng 80% lao động ngoại tỉnh của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đã được tạm thời bố trí ở nhà làm việc online hoặc thuê khách sạn, phòng trọ cho chuyên gia, người lao động tạm trú gần khu vực nhà máy, công ty.
Để ứng phó với trường hợp xảy ra ca mắc COVID-19 tại doanh nghiệp khu công nghiệp, hiện nay, một số doanh nghiệp trên địa bàn thị xã Phú Mỹ đã xây dựng kế hoạch, bố trí chỗ ăn nghỉ ở nơi làm việc cho người lao động trực tiếp (gồm cả người có hộ khẩu Bà Rịa-Vũng Tàu đang thuê nhà trọ) trong tháng 7/2021, để vừa đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định vừa hạn chế việc đi lại tiếp xúc, phục vụ công tác phòng, chống dịch.
Cụ thể, Nhà máy Đạm Phú Mỹ, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên vật liệu xây dựng Hoa Sen, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hoa Sen Phú Mỹ, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Tôn Hoa Sen, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thép SSC, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Gạch men Hoàng Gia… Một số doanh nghiệp tiếp tục xây dựng, kích hoạt phương án cho người lao động ở lại tạm thời phòng, chống dịch.
Ban Quản lý các Khu công nghiệp đã tổ chức kiểm tra việc bố trí lưu trú tạm thời. Nhìn chung các doanh nghiệp đã đảm bảo điều kiện về hậu cần, an ninh trật tự và công tác phòng, chống dịch.
Đến nay, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhất là trong khu công nghiệp đã chủ động thực hiện biện pháp phòng, chống dịch, tăng cường tuyên truyền bằng nhiều hình thức như: Treo băng rôn, khẩu hiệu, áp phích tại nơi làm việc, phát loa thông tin trong giờ ăn cơm để người lao động biết cách phòng tránh, hạn chế lây lan trong cộng đồng, duy trì việc tổ chức kiểm tra thân nhiệt hàng ngày...
Tại cuộc họp, đại diện các công ty, doanh nghiệp trong khu công nghiệp đã nêu ra ý kiến liên quan như: Thời gian cụ thể các lao động tại khu công nghiệp sẽ được tiêm vaccine; bắt đầu từ 12 giờ ngày 5/7 theo quy định của UBND tỉnh, tất cả những người đi vào tỉnh phải có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, giấy xét nghiệm có hiệu lực trong vòng 5 ngày.
Nhiều công ty, doanh nghiệp có lao động sinh sống ở tỉnh Đồng Nai hàng ngày phải qua các chốt kiểm dịch để vào khu công nghiệp trên địa bàn Bà Rịa-Vũng Tàu làm việc có ý kiến rằng, hiện nay, lao động tại doanh nghiệp phải làm việc 6 ngày/tuần, nên họ đề xuất tăng thời hạn giấy xét nghiệm lên thêm một ngày để người lao động không mất nhiều thời gian đi xét nghiệm. Bởi, hiện nay do nhu cầu xét nghiệm quá đông mà các điểm xét nghiệm chưa đáp ứng đủ nhu cầu.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, ông Nguyễn Công Vinh thông tin, trước tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, hiện nay, tỉnh có khoảng 20% lao động ngoài tỉnh đang đi về hằng ngày, yêu cầu, các doanh nghiệp tính toán, sắp xếp cho công nhân ăn, ở tại chỗ để tránh tình trạng lây lan dịch.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Công Vinh nêu rõ, tỉnh thực hiện nghiêm các biện pháp vì an toàn cho người dân trên địa bàn trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19. Tỉnh mong muốn nhận được sự ủng hộ từ phía các doanh nghiệp để nhanh chóng dập dịch COVID-19 giúp người dân, doanh nghiệp yên tâm sản xuất.
Ông Nguyễn Công Vinh cũng đề nghị, các doanh nghiệp xây dựng phương án phòng, chống dịch, thành lập tổ phòng, chống dịch tại doanh nghiệp.
Về vấn đề đăng ký mua và sử dụng vaccine, ông Nguyễn Công Vinh thông tin thêm, tỉnh đã có văn bản đề nghị Trung ương hỗ trợ nguồn vaccine cho địa phương. Khi có nguồn vaccine, tỉnh sẽ thông báo rộng rãi tới các doanh nghiệp.