Ngày 6/10, UBND thành phố Hà Nội và Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đã khai trương thí điểm vé tháng xe buýt điện tử trên tuyến buýt 06 (Giáp Bát – Cầu Giẽ), hoạt động chào mừng kỷ niệm 60 năm ngày Giải phóng thủ đô. Xe buýt vận chuyển khách tại điểm trung chuyển Long Biên. Ảnh: Huy Hùng – TTXVN |
Tuyến buýt 06 nằm trong dự án thí điểm hệ thống vé điện tử thông minh cho xe buýt của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội với kinh phí dự kiến thực hiện trong giai đoạn 1 trên 32 tỷ đồng do JICA tài trợ không hoàn lại. Theo đó, dự án sẽ có 200.000 thẻ xe buýt điện tử (CICC) phát hành miễn phí cho người sử dụng vé tháng tại các điểm bán vé xe buýt.
Giai đoạn 2 của dự án sẽ mở rộng lắp đặt thiết bị cho toàn hệ thống xe buýt trên thành phố, dự kiến thực hiện sau năm 2015. Với giai đoạn 3, dự án sẽ mở rộng sử dụng vé điện tử đối với các loại hình vận tải công cộng khác, trong đó đối với đường sắt đô thị dự kiến thực hiện sau năm 2017.
Theo Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện, việc áp dụng công nghệ vé điện tử thông minh sẽ góp phần cải thiện chất lượng dịch vụ xe buýt, tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách sử dụng xe buýt, đồng thời giúp cơ quan quản lý chặt chẽ nguồn kinh phí trợ giá của thành phố, nâng cao ý thức trách nhiệm của lái xe, tính liên thông và độ tin cậy của hệ thống mạng lưới giao thông công cộng.
Dùng vé xe buýt điện tử hành khách không còn phải đưa vé cho nhân viên xe buýt kiểm tra như trước đây mà sẽ quét thẻ điện tử qua máy ghi, đọc thẻ. Sau đó, máy sẽ tự động kiểm tra, thông báo tình trạng hợp lệ, thời hạn sử dụng của vé.
So với thẻ giấy, quy trình đăng ký, mua tem vé tháng và sử dụng để di chuyển bằng xe buýt của vé điện tử cũng không khác nhiều. Việc ứng dụng thẻ vé điện tử thông minh xe buýt là cơ sở để bước đầu hành khách làm quen với hệ thống thẻ vé hiện đại, góp phần xây dựng văn minh xe buýt.
Phát biểu tại lễ khai trương, ông Mori Mutsuya, Trưởng đại diện Văn phòng JICA Việt Nam cho rằng, thẻ điện tử thông minh được áp dụng cho tuyến xe buýt số 06 lần này sử dụng công nghệ tương tự như công nghệ đang được áp dụng tại Nhật Bản, đảm bảo tương tác nhanh và tính bảo mật cao.
Mục đích của dự án là để nâng cao và cải thiện dịch vụ vận tải hành khách công cộng cho Thủ đô trong thời gian tới đồng thời góp phần giảm ùn tắc giao thông, bảo vệ môi trường.
Tuyết Mai