60 năm thành lập tỉnh Quảng Ninh (30/10/1963 - 30/10/2023): Quá trình hình thành trong lịch sử

Hiện nay, tỉnh Quảng Ninh có 13 đơn vị hành chính bao gồm 4 thành phố (Hạ Long, Móng Cái, Cẩm Phả, Uông Bí); 2 thị xã (Quảng Yên, Đông Triều) và 7 huyện (Bình Liêu, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà, Ba Chẽ, Vân Đồn, Cô Tô) với 177 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 72 phường, 7 thị trấn và 98 xã. Quảng Ninh là tỉnh có nhiều thành phố trực thuộc nhất Việt Nam.

Thời tiền sử

Quảng Ninh được biết sớm nhất là ở các địa điểm thuộc Văn hóa Soi Nhụ. Văn hóa Soi Nhụ là nền văn hóa của người tiền sử. Khoảng 18.000 năm về trước, thời kỷ băng hà lần cuối cùng phát triển, mực nước biển Đông hạ thấp tới độ sâu 110 -120 mét dưới mực nước biển hiện tại. Lúc đó vịnh Bắc Bộ, trong đó có vịnh Hạ Long là một đồng bằng tam giác châu rộng lớn. Trên vùng đất khoảng vài nghìn km2 của Quảng Ninh và khu vực Vịnh Hạ Long bây giờ là một đồng bằng cổ. Ở đây đã tồn tại một cộng đồng cư dân tiền sử lớn. Họ sống trong các hang động đá vôi, trên một địa bàn độc lập so với các cư dân Hòa Bình - Bắc Sơn cùng thời đã sáng tạo ra một nền văn hóa song song tồn tại với các văn hóa Hòa Bình và Bắc Sơn, đó là nền Văn hóa Soi Nhụ, làm cơ sở để sau đó hình thành các loại hình văn hóa tiến bộ mới tại Cái Bèo, tiếp theo nền Văn hóa Hạ Long nổi tiếng.

Chú thích ảnh

Theo "Đại Việt sử ký toàn thư" ghi chép, ngay từ thời Hùng Vương, Việt Nam đã được chia thành 15 bộ, trong đó có các bộ Ninh Hải, Lục Hải. Địa bàn của bộ Ninh Hải, Lục Hải thời đó không hoàn toàn trùng với địa bàn tỉnh Quảng Ninh hiện nay. Ngoài Quảng Ninh thì tối thiểu hai bộ đó còn bao gồm một phần Lạng Sơn, Bắc Giang, Hải Dương, Hải Phòng và một phần Lưỡng Quảng ngày nay, nhưng khu vực trung tâm của Ninh Hải, Lục Hải chính là khu vực tỉnh Quảng Ninh bây giờ.

-Thời Hùng Vương, từ năm 2879 trước công nguyên (TCN) - 258 TCN (2.622 năm), vùng Quảng Ninh thuộc bộ Ninh Hải, nước Văn Lang.

- Thời nhà Thục, từ năm 257 TCN - 208 TCN (50 năm), thuộc bộ Ninh Hải, nước Âu Lạc.

- Thời thuộc Triệu, từ năm 207 TCN - 111 TCN (97 năm), thuộc bộ Ninh Hải, nước Nam Việt. Vùng Đông Triều thuộc bộ Dương Tuyền (Thanh Tuyền).

- Thời Bắc thuộc lần thứ nhất năm 111TCN - 40 (trong đó, thuộc Tây Hán từ năm 111TCN - 25; thuộc Đông Hán từ năm 25 - 40) (246) năm, thuộc quận Giao Chỉ (gồm huyện An Định và huyện Khúc Dương).

- Thời Trưng Vương, từ năm 40 - 43 (4 năm), gồm hai huyện như cũ (huyện An Định và huyện Khúc Dương).

- Thời Bắc thuộc lần thứ hai từ năm 43 - 544 (501 năm), thuộc Đông Hán năm 43 - 244; thuộc Ngô năm 244 - 248; (Đến đây có cuộc khởi nghĩa Bà Triệu, đất nước độc lập tự chủ từ năm 248 đến năm 264); thuộc Ngô, Ngụy năm 264 - 265; thuộc Ngô, Tấn năm 265 - 279; thuộc Tấn năm 280 - 420; thuộc Lưu Tống năm 420 - 479; thuộc Tề năm 479 - 507; thuộc Lương năm 505 - 543): thời thuộc Ngô, Tấn: vùng Quảng Ninh thuộc quận Giao Chỉ gồm huyện An Định và một phần huyện Khúc Dương (sau đổi thành huyện Hải Bình). Từ thời thuộc Lương, vùng Quảng Ninh thuộc châu Hoàng, quận Ninh Hải.

- Thời Tiền Lý (Lý Nam Đế) và nhà Triệu (Triệu Quang Phục) từ năm 544 - 603 (58 năm), thuộc quận Hải Ninh của nước Vạn Xuân.

- Thời Bắc thuộc lần thứ ba từ năm 603 - 939 (336 năm), thuộc Tùy năm 603 - 617; thuộc Đường năm 618 - 906, trong thời thuộc Đường có thời kỳ nắm quyền của Mai Hắc Đế (Mai Thúc Loan) năm 772, Bố Cái Đại Vương (Phùng Hưng) năm 791, Khúc Thừa Dụ năm 906; thuộc Hậu Lương năm 907 - 922, thuộc Hậu Đường năm 923 - 936, thuộc Hậu Tấn năm 937 - 938). Vùng Quảng Ninh chủ yếu thuộc châu Lục (có thời kỳ thuộc quận Ngọc Sơn) gồm huyện Hoa Thanh, huyện Ninh Hải; phần đất Đông Triều thuộc Châu Giao (huyện Nam Định). Có sách ghi thời thuộc Tùy, vùng Quảng Ninh thuộc trấn Hải Môn, thời thuộc Đường năm 722 đổi thành trấn Triều Dương.

Thời phong kiến (năm 939 - 1945)

Thời Ngô, Đinh - Tiền Lê từ năm 939 - 1009 (70 năm): (nhà Ngô năm 939 - 967, 28 năm; Thập nhị sứ quân năm 966 - 968, 2 năm; nhà Đinh năm 968 - 980, 12 năm; nhà Tiền Lê năm 980 - 1009, 29 năm). Đời Đinh Tiên Hoàng, măm Giáp Tuất, năm 974, Thái Bình năm thứ nhất, chia nước thành 10 đạo. Đời Lê Đại Hành, năm Nhâm Dần, năm 1002, đổi đạo làm lộ, phủ, châu, vùng Quảng Ninh thuộc trấn Triều Dương (cũng gọi là lộ), vùng Đông Triều thuộc lộ Nam Sách Giang.

 Thời Lý từ năm 1010 - 1225 (215 năm), quốc hiệu Đại Việt: Đời Lý Thái Tổ, năm Thuận Thiên thứ 14, năm 1023, đổi trấn Triều Dương thành châu Vĩnh An. Đời Lý Anh Tông, nam Kỷ Tỵ, năm 1149, Đại Định năm thứ 10, lập trang Vân Đồn làm nơi buôn bán với nước ngoài.

Thời Trần từ năm 1225 - 1400 (175 năm), quốc hiệu Đại Việt: Đời Trần Thái Tông, năm Nhâm Dần, năm 1242, Thiên Ứng Chính Bình thứ 11, đổi châu Vĩnh An thành lộ Hải Đông, có 8 huyện: Yên Bang, Chi Phong, (thế kỷ X là huyện Tư Phong), Yên Lập, Yên Hưng, Tân An, Đại Độc, Vạn Ninh, Vân Đồn. Ngoài 8 huyện thuộc lộ Hải Đông còn có huyện Đông Triều thuộc châu Đông Triều, phủ Tân Hưng. Đời Trần Nhân Tông, năm Ất Dậu, năm 1285, Thiên Bảo năm thứ 7, đổi lộ Hải Đông thành lộ An Bang. Đời Trần Anh Tông, năm Đinh Sửu, năm 1397, Quang Thái năm thứ 10, đổi lộ An Bang làm lộ phủ Tân An.

Thời Hồ từ năm 1400 - 1407: Đời vua Hồ Hán Thương, năm Đinh Hợi, năm 1407, Khai Đại năm thứ tư, đổi huyện Yên Hưng thành huyện An Hòa, đổi huyện An Bang thành huyện An Đông, đổi lộ phủ Tân An thành châu Tĩnh An. châu Tĩnh An có 8 huyện: An Đông, Văn Phong, Tân An, An Hòa, An Lập, Đại Độc, Vạn Ninh, Vân Đồn.

Thời thuộc Minh từ năm 1407 - 1427 (14 năm): (trong thời thuộc Minh có Trần Giản Định, Trần Qúy Khoáng lập nhà Hậu Trần, năm 1407 - 1413, trong 7 năm): Đời vua Trần Quý Khoáng, năm Tân Mão, năm 1411, Trùng Quang năm thứ ba: huyện Đại Độc và huyện Tân An; nhập huyện An Lập vào huyện An Hòa. Châu Tĩnh An còn 6 huyện. Huyện Đông Triều vẫn nằm trong châu Đông Triều. Đời vua Minh Thành Tổ năm Kỷ Hợi, Vĩnh Lạc năm thứ 27: đặt huyện Thủy Đường của châu Đông Triều thuộc Bản Châu, huyện Chi Phong (Văn Phong) nhập vào huyện An Hòa.

Thời Lê sơ từ năm 1428 - 1527 (99 năm), quốc hiệu Đại Việt: Đời Lê Thái Tổ, năm Mậu Thân, năm 1428, Thuận Thiên năm thứ nhất: Chia nước thành 5 đạo, dưới đạo có lộ, trấn, phủ, huyện. Vùng Quảng Ninh thuộc Đông đạo gồm trấn An Bang (có 1 phủ, 3 huyện, 4 châu) và huyện Đông Triều thuộc hủ Kinh Môn, trấn Hải Dương. Đời Lê Thánh Tông, năm Bính Tuất, năm 1466, Quang Thuận năm thứ 7: chia nước thành 12 đạo thừa tuyên và 1 phủ Trung Đô, dưới đạo thừa tuyên có phủ và châu, dưới phủ có huyện. Vùng Quảng Ninh là đạo thừa tuyên An Bang (năm 1469 và năm 1490 đều có định lại bản đồ, tách nhập một số đơn vị). Đại thể, thời Lê, vùng An Bang có 1 phủ (Hải Đông), 3 huyện (An Hưng, Hoành Bồ, Chi Phong) và 4 châu (Vạn Ninh, Vĩnh An, Vân Đồn, Tân An). Có sách chép: Trước thời Lê, huyện Hoành Bồ có tên là huyện Hoành Phố. Sách Dư địa chí của Nguyễn Trãi ghi An Bang còn có phủ Dương Tuyền gồm 3 huyện (Yên Phố, Hoành Cừ, Yên Nhiên) và hai châu (Như Tích, Thiếp Lãng) với 201 xã.

Thời Mạc từ năm 1527 – 1595 (68 năm): (nhà Mạc thực sự nắm quyền có 68 năm. Từ năm 1533 khi có nhà Lê Trung Hưng thì nhà Mạc thành ngụy triều, đến năm 1677 mới mất hẳn). Năm 1527 - 1529, Mạc Đăng Dung cắt nộp cho nhà Minh 5 động (Tê Phù, Kim Lặc, La Phù, Cổ Sâm, Liễu Cát) gồm 20 dặm vuông (Sách Dư địa chí của Nguyễn Trãi chép Đăng Dung nộp 2 châu Như Tích và Thiếp Lãng. Có sách ghi Đăng Dung nộp 6 động thuộc châu Vĩnh An. Phan Huy chú lại ghi có 4 động).

Thời Hậu Lê từ năm 1533 - 1788 (255 năm): (còn gọi là thời Lê Trung Hưng hoặc thời Lê -Trịnh): Đời Lê Anh Tông, năm Đinh Tỵ, năm 1557, Thiên Hựu năm thứ nhất, vì tránh tên vua tên thật là Lê Duy Bang nên trấn An Bang đổi thành trấn An Quảng. An Quảng có 1 phủ ( Hải Đông), 3 huyện (Chi Phong, An Hưng, Hoành Bồ), 3 châu (Vạn Ninh, Vĩnh An, Vân Đồn). Đời vua Lê Dụ Tông, năm Kỷ Sửu, năm 1709, Vĩnh Thịnh năm thứ 5, chúa Trịnh Cương được phong tước An Đô Vương nên các địa danh đều phải tránh chữ An và đọc là Yên, trấn An Quảng đọc thành Yên Quảng (tương tự như vậy, An Tử đọc thành Yên Tử, Tân An đọc thành Tân Yên, An Hưng đọc thành Yên Hưng). Đời Lê Phế Đế (Lê Duy Phường), năm Tân Hợi, năm 1731, Vĩnh Khánh năm thứ ba, chuyển các huyện Thủy Đường, Kim Thành, An Dương từ trấn Hải Dương về trấn Yên Quảng. Yên Quảng có 1 phủ (Hải Đông), 6 huyện (Chi Phong, Yên Hưng, Hoành Bồ, Thủy Đường, Kim Thành, An Dương) và 3 châu (Vạn Ninh, Vĩnh An, Vân Đồn).

Thời Tây Sơn từ năm 1788 - 1802 (14 năm): Đời Quang Trung (1788 - 1792), Nguyễn Huệ chuyển cả phủ Kinh Môn của trấn Hải Dương vào trấn Yên Quảng (thời Lê, phủ Kinh Môn có 7 huyện: Giáp Sơn, Đông Triều, An Lão, Nghi Dương, Kim Thành, Thủy Đường, An Dương).

Thời Nguyễn từ năm 1802 - 1945 (143 năm): Quốc hiệu Việt Nam (từ Minh Mạng là Đại Nam). (Năm 1858, quân đội thực dân Pháp nổ súng xâm lược. Năm 1883, quân Pháp chiếm vịnh Hạ Long, Bãi Cháy, Hòn Gai và tỉnh lị Quảng Yên. Năm 1884, thiết lập chế độ thuộc địa Pháp ở cả nước): Đời vua Gia Long, năm Nhâm Tuất, năm 1802, Gia Long năm thứ nhất và năm Kỷ Mão, năm 1819, Gia Long năm thứ 18, đều định lại bản đồ, trả phủ Kinh Môn về trấn Hải Dương. Trấn Yên Quảng còn một phủ (Hải Đông) trong đó có 3 huyện (Yên Hưng, Hải Đông, Hoành Bồ) và 3 châu (Tiên Yên, Vạn Ninh, Vân Đồn) với 16 tổng, 123 phường, phố, vạn, xóm. 

Đời vua Minh Mạng, năm Nhâm Ngọ, năm 1822, Minh Mạng năm thứ 3, đổi trấn Yên Quảng thành trấn Quảng Yên. Năm Tân Mão, năm 1831, Minh Mạng năm thứ 12, đổi trấn Quảng Yên thành tỉnh Quảng Yên. (Cả nước có 30 tỉnh và 1 phủ là Thừa Thiên. Tỉnh Quảng Yên thuộc loại nhỏ nên chung một quan tổng đốc với tỉnh Hải Dương, gọi là tổng đốc Hải - Yên). Năm Bính Thân, năm 1836, Minh Mạng năm thứ 17, đặt thêm phủ Sơn Định, bớt châu Vân Đồn. Châu Vân Đồn chuyển thành tổng Vân Hải trong huyện Hoa Phong (là huyện Chi Phong thời Lê). Tỉnh Quảng Yên có 2 phủ (Hải Ninh, Sơn Định). Phủ Hải Ninh có 2 châu: Tiên Yên, Vạn Ninh. Phủ Sơn Định có 3 huyện: Hoành Bồ, Yên Hưng, Hoa Phong.

Đời vua Thiệu Trị, năm Tân Sửu, năm 1841, Thiệu Trị năm thứ nhất, đổi huyện Hoa Phong thành huyện Nghiêu Phong. Đời vua Đồng Khánh, năm Mậu Tý, năm 1888, Đồng Khánh năm thứ 3, chuyển các xã Định Lập, Bích Xá, Kiên Mộc từ châu Tiên Yên phủ Hải Ninh, tỉnh Quảng Yên về tỉnh Lạng Sơn.

Đời vua Thành Thái: Năm Canh Dần, năm 1890, Thành Thái năm thứ 2: Lập xã Dương Huy gồm ấp Hà Đông, làng Dương Huy, động Dương Huy. Ngày 10/11/1890, Phủ Toàn quyền Pháp ra nghị định lập phủ Nghiêu Phong. Phủ Nghiêu Phong có 2 huyện: Cát Hải, Vân Hải.

Ngày 20/8/1891 (Tân Mão, Thành Thái năm thứ 3), Phủ Toàn quyền Pháp ra nghị định tách phủ Hải Ninh khỏi tỉnh Quảng Yên, lập khu quân sự Móng Cái (Khu quân sự Mong Cái cùng với Khu quân sự Phả Lại và Khu quân sự Thái Nguyên nằm trong Đạo quan binh thứ nhất.

Ngày 24/8/1891 (Tân Mão, Thành Thái năm thứ 3), Phủ Toàn quyền Pháp ra nghị định tách huyện lục Ngạn và huyện Yên Bác từ tỉnh Lục Nam (tỉnh Lục Nam mới thành lập ngày 5/11/1889, trong đó có huyện Yên Bác tách từ tỉnh Lạng Sơn sang), hợp với một phần huyện Hoành Bồ của tỉnh Quảng Yên và huyện Đông Triều, huyện Chí Linh lập thành Khu quân sự Phả Lại thuộc Đạo quan binh thứ nhất.

Ngày 10/10/1895 (Ất Mùi, Thành Thái năm thứ 7), Phủ Toàn quyền Pháp ra nghị định xóa bỏ Khu quân sự Phả Lại, sáp nhập huyện Yên Bác vào tỉnh Quảng Yên, trả huyện Đông Triều về tỉnh Hải Dương, thành lập hai làng người Việt Nam ở đảo Cái Bầu.

Năm 1896 (Bính Thân, Thành Thái năm thứ 8): Sáp nhập 7 làng của tổng Bí Giàng thuộc huyện Đông Triều, tỉnh hải Dương vào huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Yên.

Ngày 5/5/1900 (Canh Tý, Thành Thái năm thứ 12), Phủ Toàn quyền Pháp ra nghị định chia Đạo quan binh thứ nhất thành ba khu quân sự: Lạng sơn, Móng Cái, Vạn Linh.

Năm 1901 (Tân Sửu, Thành Thái năm thứ 13), lập tổng Minh Cầm thuộc huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Yên.

Năm 1902 (Nhâm Dần, Thành Thái năm thứ 14), lập 3 phường thuộc huyện Yên Hưng: Uông Giang, Bắc Giang, Nhị Giang.

Ngày 8/4/1903 (Quý Mão, Thành Thái năm thứ 15), Phủ Toàn quyền Pháp ra nghị định xóa bỏ khu quân sự Vạn Linh. Đạo quan binh thứ nhất chia làm ba khu quân sự: Lạng Sơn, Móng Cái, Thất Khê.

Ngày 20/7/1904 (Giáp Thìn, Thành Thái năm thứ 16), Phủ Toàn quyền Pháp ra nghị định chuyển khu quân sự thất Khê sang Đạo quan binh thứ hai. Đạo quan binh thứ nhất còn hai khu quân sự: Móng Cái, Lạng Sơn.

Ngày 20/6/1905 (Ất Tỵ, Thành Thái năm thứ 17), Phủ Toàn quyền Pháp ra nghị định xóa bỏ Đạo quan binh thứ nhất, trả Móng Cái về tỉnh Quảng Yên. Móng Cái thành một phủ có ba châu: Móng Cái, Hà Cối, Tiên Yên.

Ngày 10/12/1906 (Bính Ngọ, Thành Thái năm thứ 18), Phủ Toàn quyền Pháp ra nghị định tách phủ Móng Cái gồm ba châu Móng Cái, Hà Cối, Tiên Yên của tỉnh Quảng Yên, thành lập tỉnh mới lấy tên là tỉnh Hải Ninh.

 Đời vua Duy Tân: Ngày 13/02/1909 (Kỷ Dậu, Duy Tân năm thứ 3), Phủ Toàn quyền Pháp ra nghị định tách một số xã của tỉnh Quảng Yên sang tỉnh Bắc Giang để lập huyện Sơn Động (ngày 25-9-1919, huyện Sơn Động đổi là châu Sơn Động). Ngày 14/12/1912 (Nhâm Tý, Duy Tân năm thứ 6), Phủ Toàn quyền Pháp ra nghị định xóa bỏ tỉnh Hải Ninh, lập Đạo quan binh thứ nhất. Ngày 13/4/1915 (Ất Mão, Duy Tân năm thứ 9), Phủ Toàn quyền Pháp ra nghị định tách huyện Yên Bác khỏi tỉnh Quảng Yên sáp nhập vào tỉnh Bắc Giang (tỉnh Bắc Giang thành lập 10/10/1895, trước đó là tỉnh Lục Nam thành lập 5/11/1889).

Đời vua Khải Định: Ngày 16/12/1919 (Kỷ Mùi, Khải Định năm thứ tư), Phủ Toàn quyền Pháp ra nghị định cắt hai tổng Bình Liêu, Vô Ngại của châu Tiên Yên lập thành châu Bình Liêu thuộc phủ Hải Ninh trong Đạo quan binh thứ nhất. Đến đây Đạo quan binh thứ nhất gồm một phủ Hải Ninh trong đó có bốn châu: Móng Cái, Hà Cối, Tiên Yên, Bình Liêu.

Đời vua Bảo Đại: Khoảng năm 1940 (chưa tìm được văn bản gốc), Phủ Toàn quyền Pháp ra nghị định lập châu Cẩm Phả (gồm thị xã Cẩm Phả, đảo Cái Bầu - hồi đó là xã Đại Độc và một phần huyện Ba Chẽ, một phần huyện Hoành Bồ, trong đó có vùng Hà Tu hiện nay).

Chú thích ảnh
Chú thích ảnh

 

Chú thích ảnh

Thời kỳ sau năm 1945 (Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời)

 Năm 1946 (Bính Tuất):

Ngày 19 - 7 - 1946, Bộ Nội vụ ra Nghị định số 269 NV-NĐ “...Tạm lập tại tỉnh Quảng Yên Khu đặc biệt Hòn Gai chịu sự điều khiển, kiểm soát trực tiếp của Ủy ban Hành chính Bắc Bộ. Khu đặc biệt Hòn Gai gồm châu Cẩm Phả và 6 thị xã: Cẩm Phả Bến, Cẩm phả Mỏ, Hà Tu, Hà Lầm, Hòn Gai, Bãi Cháy” (châu Cẩm Phả gồm cả đảo Cái Bầu, phố Ba Chẽ).

Ngày 21/9/1946, Ủy ban Kháng chiến tỉnh Hải Ninh công bố thành lập châu Hải Chi. Ngày 4/10/1946, Ủy ban Kháng chiến châu Hải Chi ra mắt trong cuộc mít tinh ở làng Dạ, nay thuộc xã Thanh Lâm (chưa tìm được văn bản gốc).

Tháng 11/1946, cả nước chia thành 12 khu hành chính và quân sự (sau thường gọi là chiến khu). Tỉnh hải Ninh thuộc Khu XII (Trong Khu XII còn có các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh). (Tỉnh Quảng Yên thuộc chiến khu III).

Năm 1947 (Đinh Hợi):

Tháng 3/1947, Bộ nội vụ ra nghị quyết sáp nhập Khu đặc biệt Hòn Gai và tình Quảng Yên thành liên tỉnh Quảng Hồng.

Ngày 9/7/1947, Liên bộ Nội vụ - Quốc phòng ra Quyết nghị số 99 NV/NĐ “Để các phủ, huyện Kinh Môn, Nam Sách, Chí Linh, Đông Triều (Tỉnh Hải Dương). Thủy Nguyên (tỉnh Kiến An) và Khu đặc biệt Hòn Gai thuộc quyền điều khiển của Ủy ban hành chính và Ủy ban Kháng chiến tỉnh Quảng Yên”.

Tháng 7/1947, Khu ủy XII ra nghị quyết chuyển huyện Lộc Bình từ tỉnh Lạng Sơn về tỉnh hải Ninh.

Tháng 9/1947, Ủy ban Kháng chiến Hành chính (UBKC-HC) Liên khu I ra nghị định tách các xã phía tây huyện Sơn Động cùng các xã phía đông bắc phủ Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang thành lập châu Lục - Sơn - Hải thuộc liên tỉnh Quảng Hồng.

Ngày 25/11/1947, Chính phủ ra Sắc lệnh số 265-SL sáp nhập tỉnh Quảng Yên vào Chiến khu XII.

Năm 1948 (Mậu Tý):

Ngày 25/01/1948, hợp nhất các chiến khu thành các liên khu (Bắc Bộ có các liên khu I, III, X). Tỉnh Quảng Hồng và tỉnh Hải Ninh thuộc Liên khu I.

Ngày 25/8/1948, Chính phủ ra Sắc lệnh số 237-SL “chuyển huyện Thủy Nguyên (thuộc tỉnh Kiến An) và huyện Nam Sách (thuộc tỉnh Hải Dương) trước sáp nhập vào Liên khu I nay lại để thuộc Liên khu III và các tỉnh cũ”.

Ngày 16/12/1948, UBKC-HC Liên khu I ra Quyết định số 420PC/1 “tách khu Hòn Gai ra khỏi địa giới tỉnh Quảng Hồng và đặt thành một đơn vị kháng chiến hành chính đặc biệt, gọi là Khu đặc biệt Hòn Gai. Tỉnh Quảng Hồng nay lấy lại tên cũ là tỉnh Quảng Yên. Khu đặc biệt Hòn Gai đặt dưới quyền kiểm soát trực tiếp của UBKC-HC Liên khu I”.

Đến đây, tỉnh Quảng Yên có các huyện: Yên Hưng, Cát hải, Hoành Bồ, Đông Triều, Chí Linh, Kinh Môn và Lục - Sơn - Hải.

Khu đặc biệt Gòn Gai (gọi tắt là Đặc khu Hòn Gai) gồm: thị xã Hòn Gai, Thị xã Cẩm Phả và huyện Cẩm Phả.

Năm 1949 (Kỷ Sửu):

Ngày 21/01/1949, UBKC-HC Liên khu I ra Quyết định số 46CP/1 công nhận huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Yên gồm các xã: Đoàn Kết, gồm 3 xã cũ (Yên Thổ, Vũ Oai, Lưỡng Kỳ); Cộng Hòa, gồm 3 xã cũ (Xính Thổ, Giang Võng, Đá Trắng); Lê Lợi gồm, 3 xã cũ (Yên Mỹ, Từa Xá, Trí Xuyên); Việt Hưng, gồm 6 xã cũ (Vạn Yên, Đồng Đăng, Nghĩa Lộ, Tiêu Dao, Đại Đán, An Tiêm); Tân Dân, gồm 2 thôn cũ (Ngọc Kệ, Tào Khê); Dân Chủ, gồm 1 xã cũ Tân Ốc; Sơn Dương; Quảng La; Bằng Cả; Dương Huy Động.

Ngày 12/3/1949, Chính phủ ra Sắc lệnh số 13-SL chuyển huyện Kinh Môn từ tỉnh Quảng Yên Liên khu I về tỉnh Hải Dương, Liên khu III.

Ngày 21/4/1949, UBKH-HC Liên khu I ra Quyết định số 217 PC/4 hợp nhất hai xã Ngọc Lâm và Hoàng Quế thuộc huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Yên thành một xã lấy tên là xã Phạm Hồng Thái.

Ngày 7/6/1949, Chính phủ ra Sắc lệnh số 48-SL “tạm thời tách huyện Lộc Bình khỏi tỉnh Hải Ninh, sáp nhập vào tỉnh Lạng Sơn”.

Ngày 19/7/1949, Liên bộ Nội vụ - Quốc phòng ra Nghị định số 142-NV-3 “Đặc khu Hòn Gai thành một đơn vị kháng chiến hành chính riêng thuộc Liên khu I”.

Ngày 16/8/1949, UBKC-HC Liên khu I ra Quyết định số 572PC/2 ấn định địa giới Đặc khu Hòn Gai gồm: 3 thị xã: Hòn Gai, Cẩm Phả Mỏ, Cẩm Phả Bến; 04 phố: Bãi Cháy, Hà Tu, Hà Lầm, Mông Dương; 1 huyện Cẩm Phả gồm 12 xã: Hồng Thanh, Vân Hải, Minh Châu, Tam Khê, Thi Đua, Thụy Hà, Tràng Xá, Đoàn Kết, Lương Hà, Hạ Long, Đông Hà, Xuyên Yên.

Ngày 5/10/1949, UBKH-HC Liên khu I ra Quyết định số 911PC/2 tách huyện Hoành Bồ ra khỏi tỉnh Quảng Yên để nhập vào Đặc khu Hòn Gai.

Ngày 4/11/1949, Chính phủ ra Sắc lệnh số 127-SL hợp nhất Liên khu I và Liên khu X thành Liên khu Việt Bắc.

Ngày 7/11/1949, Liên bộ Nội vụ - Quôc phòng ra Nghị định số 369-NV (trước đó Liên khu I đã ra quyết định “Sáp nhập huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Yên vào Đặc khu Hòn Gai”).

Năm 1950 (Canh Dần)

Ngày 4/3/1950, Chính phủ ra Sắc lệnh số 31-SL “Trả lại tỉnh Kiến An (Liên khu III) huyện Thủy Nguyên hiện sáp nhập vào tỉnh Quảng Yên (Liên khu Việt Bắc)”.

Ngày 25/7/1950, Liên khu Việt Bắc ra Quyết định số 664-P3 “Sáp nhập các xã Hoa kiều thuộc tổng Bát Trang, huyện Móng Cái, các xã Hoa kiều ở huyện Đầm Hà và các xã Hoa kiều thuộc huyện Hà Cối thành một khu Hoa kiều thuộc tỉnh Hải Ninh”.

Năm 1951 (Tân Mão)

Ngày 12/2/1951, UBKC-HC tỉnh Hải Ninh ra Quyết định số 255/PC-TC trả lại cho huyện Móng Cái các xã Hoa kiều thuộc tổng Bát Trang.

Hợp nhất 2 huyện Hải Chi và Định Lập thành huyện Định Hải (chưa tìm được văn bản quyết định).

Năm 1952 (Quý Tỵ):

Ngày 13/4/1953, Chính phủ ra Sắc lệnh số 669-SL “Lập xã Tân Mộc huyện Sơn Động”.

 Năm 1954 (Giáp Ngọ):

Ngày 12/01/1954, Chính phủ ra nghị định số 115-NĐ chuyển huyện Thủy Nguyên, tỉnh Kiến An về tỉnh Quảng Yên.

Chia huyện Định Hải thành 2 huyện: Ba Chẽ, Định Lập (chưa tìm thấy văn bản gốc).

Năm 1955 (Ất Mùi):

Ngày 1/2/1955, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định số 448-TTg tái lập thị xã Tiên Yên trực thuộc tỉnh Hải Ninh. Thị xã Tiên Yên gồm khu phố Tiên Yên và thôn Thác Đón.

Ngày 22/2/1955, Chủ tịch nước ra Sắc lệnh số 221-SL “Thành lập khu Hồng Quảng đặt dưới quyền lãnh đạo trực tiếp của Chính phủ trung ương”. Khu Hồng Quảng gồm Đặc khu Hòn Gai và tỉnh Quảng Yên (trừ các huyện Sơn Động, Kinh Môn, Nam Sách, Chí Linh).

Năm 1956 (Bính Thân):

Ngày 11/02/1956, Chủ tịch nước ra Sắc lệnh số 257-SL chuyển huyện Thủy Nguyên thuộc khu Hồng Quảng về tỉnh Kiến An.

Ngày 2/3/1956, UBHC khu Hồng Quảng ra Quyết định số 192-TCCB chia xã Song Huy huyện Hoành Bồ thành 4 xã: Đồng Quặng, Lưỡng Kỳ, Hòa Bình, Dương Huy.

Ngày 5/6/1956, UBHC khu Hồng Quảng ra Quyết định số 647-TCCB cắt thôn Đại Đán thuộc xã Việt Hưng, huyện Hoành Bồ để nhập vào xã Minh Thành, huyện Yên Hưng.

Năm 1957 (Đinh Dậu)

Ngày 16/01/1957, UBHC khu Hồng Quảng ra Quyết định số 84-TCCB sáp nhập 2 thị xã Cửa Ông, Cẩm Phả lấy tên là thị xã Cẩm Phả (bỏ tên Cẩm Cửa theo Quyết định số 24-TCCB ngày 03/1/1957 của UBHC khu Hồng Quảng).

Ngày 6/3/1957, UBHC khu Hồng Quảng ra Quyết định số 336-TCCB chia xã Vân Hải thuộc huyện cẩm Phả thành 4 xã: Xã Quan Lạn gồm thôn Quan Lạn; Xã Bản Sen gồm 3 thôn: Động Linh, Điền Xá, Bản Sen; Xã Ngọc Vừng; Xã Minh Châu gồm 4 xóm (xóm Mương, xóm Trong, xóm Giữa, xóm Ngoài).

Ngày 8/4/1957, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định số 143-TTg đặt tỉnh Hải Ninh dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ Trung ương (trước đó thuộc Liên khu Việt Bắc, từ 1/7/1956 là Khu tự trị Việt Bắc).

Ngày 6/7/1957, UBHC khu Hồng Quảng ra Quyết định số 965-TCCB sáp nhập thôn Bùi Xá, xã Hoàng Xá vào xã Tiền An cùng huyện Yên Hưng.

Ngày 17/8/1957, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định số 374-TTg đổi thị xã Tiên Yên thành thị trấn Tiên Yên (trực thuộc UBHC huyện Tiên Yên).

Ngày 2/10/1957, UBHC khu Hồng Quảng ra Quyết định số 2159-TCCB quy định địa dư các xã thuộc thị xã Cẩm Phả: Xã Quang Hanh gồm các thôn (Cái hanh, Đá Hang, thôn Đình, thôn Áng); xã Tam Hợp gồm các thôn (Đá Chồng, Hòn Một, Rừng Thông); xã Cẩm Bình gồm các thôn (thôn Tây, thôn Đông, thôn Hòn Một); xã Thái Bình gồm các thôn (Cọc Sáu, Cọc Ba, Lán Công Nhân).

Ngày 8/10/1957, UBHC khu Hồng Quảng ra Quyết định số 2193-TCCB chia xã Yên Thanh, huyện Yên Hưng thành 2 xã: Xã Yên Trung gồm các thôn (Bí Thượng, Bí Trung, Tân Lập, Cửa Ngăn); Xã Yên Thanh gồm các thôn, xóm (Thôn Điền Công, thôn Lạc Trung, thôn Lạc Thanh, thôn Đồng Lối, thôn Bí Giàng, xóm Khe Cát, xóm Dương Ca).

Ngày 5/11/1957, UBHC khu Hồng Quảng ra Quyết định số 2435-TCCB đổi tên xã Hoàng Xá, huyện Yên Hưng thành xã Hoàng Tân.

Ngày 12/12/1957, UBHC khu Hồng Quảng ra Quyết định số 7622-TCCB thành lập xã Vạn Hoa thuộc huyện Cẩm Phả. Xã Vạn Hoa gồm phố Vạn Hoa và một số dân đánh cá thuộc xã Vạn Yên.

Năm 1958 (Mậu Tuất)

Ngày 17/6/1958, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định số 302-TTg “Sáp nhập xã Thành Công, huyện Hoành Bồ vào thị xã Hòn Gai, khu Hồng Quảng.

Ngày 28/7/1958, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định số 240-NV đổi tên 7 xã thuộc huyện Móng Cái, tỉnh Hải Ninh: Xã Xuân Lạn Nam đổi thành xã Xuân Lan; xã Xuân Lạn Nùng đổi thành xã Xuân Hải; xã Xuân Lạn Nội đổi thành xã Xuân Hòa; xã Vĩnh Thực Nam đổi thành xã Vĩnh Thực; xã Vĩnh Thực Nùng đổi thành xã Vĩnh Trung; xã Quất Đông nam đổi thành xã Quất Đông; xã Quất Đông Nùng đổi thành xã Dân Tiến.

Ngày 2/10/1958, UBHC khu Hồng Quảng ra Quyết định số 4532-TCCB chia xã Việt Dân huyện Đông Triều thành 2 xã: xã Việt Dân gồm các thôn: Đông Khê Thượng, Đông Khê Hạ, Đông An và các trại Đông Ý, Phúc Thị, Cửa Phúc; xã Tân Phúc gồm các thôn: Tân lập, Phúc Đa, Hổ Lao, Cái Trai, Đồng Tranh.

Năm 1959 (Kỷ Hợi):

Ngày 28/1/1959, Chủ tịch nước ra Sắc lệnh số 005-SL trả huyện Đông Triều thuộc khu Hồng Quảng về tỉnh hải Dương.

Ngày 11/5/1959, UBHC khu Hồng Quảng ra Quyết định 423-TCCB chia xã Bằng Cả, huyện Hoành Bồ thành 2 xã: xã Bằng Cả gồm các thôn Đồng San, Đồng Cóc; xã Quảng La gồm thôn Quảng La.

Năm 1961 (Tân Sửu):

Ngày 17/5/1961, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 69-CP tách các thôn Vạn Nho, Đại Đán, Yên Cư ra khỏi xã Minh Thành, huyện Yên Hưng lập thành xã Đại Yên thuộc huyện Hoành Bồ.

Ngày 27/10/1961, Quốc hội Khóa II Kỳ họp thứ 3 ra Quyết định “ Phê chuẩn việc sáp nhập huyện Đông Triều thuộc tỉnh hải Dương vào khu Hồng Quảng:.

Ngày 28/10/1961, Hội đồng chính phủ ra Nghị định số 181-CP: Thành lập thị xã Uông Bí trực thuộc khu Hồng Quảng. Thị xã Uông Bí gồm có xã Uông Bí cũ, cảng Điền Công và hai thôn Lạc Trung, Đồng Lối của xã Yên Thanh, huyện Yên Hưng; Tách thôn Điền Công của xã Yên Thanh lập thành một xã riêng là xã Điền Công trực thuộc huyện Yên Hưng.

Năm 1963 (Quý Mão): Ngày 13/5/1963, Bộ nội vụ ra Quyết định số 105-NV phê chuẩn việc chia xã Hùng Thắng thuộc thị xã Hòn Gai thành hai xã: Xã Hùng Thắng có các thôn (Cửa Vạn, Cặp Dè, Cặp La, Lán Bè, Bến Than, Cọc Năm); xã Tân Hải có thôn Quảng Đông.

* Ngày 30/10/1963, Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa Khóa II Kỳ họp thứ 7 phê chuẩn việc:

Hợp nhất tỉnh Hải Ninh và khu Hồng Quảng thành một đơn vị hành chính mới lấy tên là tỉnh Quảng Ninh. Về sự kiện này, Bác Hồ đã gợi ý gọi là Quảng Ninh, do ghép chữ Quảng (của Hồng Quảng) và chữ Ninh (của Hải Ninh) mà thành. Bác bảo “Quảng Ninh còn có nghĩa là một vùng đất lớn an bình”.

Khi hợp nhất, tỉnh Quảng Ninh có 14 đơn vị hành chính gồm 3 thị xã: thị xã Hồng Gai (tỉnh lị), thị xã Cẩm Phả, thị xã Uông Bí và 11 huyện: Ba Chẽ, Bình Liêu, Cẩm Phả, Đầm Hà, Đình Lập, Đông Triều, Hà Cối, Hoành Bồ, Móng Cái, Tiên Yên, Yên Hưng.

Từ ngày 01/01/1964, tỉnh Quảng Ninh đi vào hoạt động chính thức, tạo thành một thể liên hoàn cả vể chính trị, kinh tế, quân sự, phát huy được sức mạnh tổng hợp của vùng Đông Bắc rộng lớn của Tổ quốc. Đây là những dấu mốc rất quan trọng để giai cấp công nhân và nhân dân các dân tộc Quảng Ninh bước vào thời kỳ cách mạng mới.

Ngày 4/6/1969, hợp nhất 2 huyện Đầm Hà và Hà Cối thành huyện Quảng Hà.

Ngày 29/12/1978, chuyển huyện Đình Lập về tỉnh Lạng Sơn vừa được tái lập quản lý.

Ngày 18/01/1979, huyện Móng Cái đổi tên thành huyện Hải Ninh.

Ngày 27/12/1993, Chính phủ bàn hành Nghị định số 102/CP, thành phố Hạ Long được chính thức thành lập trên cơ sở thị xã Hồng Gai.

Ngày 23/3/1994, đổi tên huyện Cẩm Phả thành huyện Vân Đồn; tách quần đảo Cô Tô khỏi huyện Cẩm Phả để thành lập huyện Cô Tô.

Ngày 20/7/1998, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định số 52/1998/NĐ-CP, thành lập lại thị xã Móng Cái trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của huyện Hải Ninh.

Ngày 29/8/2001, huyện Quảng Hà được tách thành 2 huyện: Đầm Hà và Hải Hà (tức huyện Hà Cối trước đây).

Ngày 24/9/2008, Chính phủ ban hành Nghị định 03/NĐ-CP thành lập thành phố Móng Cái trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của thị xã Móng Cái.

Ngày 25/2/2011, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 12/NQ-CP thành lập thành phố Uông Bí trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của thị xã Uông Bí.

Ngày 25/11/2011, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 100/NQ-CP tái lập thị xã Quảng Yên trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của huyện Yên Hưng.

Ngày 21/2/2012, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 04/NQ-CP thành lập thành phố Cẩm Phả thuộc trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số và các đơn vị hành chính trực thuộc của thị xã Cẩm Phả.

Ngày 11/3/2015, Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 891/NQ-UBTVQH13 thành lập thị xã Đông Triều trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của huyện Đông Triều.

Ngày 17/12/2019, Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 837/NQ-UBTVQH14 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Quảng Ninh (nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2020). Theo đó, sáp nhập toàn bộ diện tích và dân số của huyện Hoành Bồ vào thành phố Hạ Long.

Hiện nay, tỉnh Quảng Ninh có 13 đơn vị hành chính bao gồm 4 thành phố (Hạ Long, Móng Cái, Cẩm Phả, Uông Bí); 2 thị xã (Quảng Yên, Đông Triều) và 7 huyện (Bình Liêu, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà, Ba Chẽ, Vân Đồn, Cô Tô) với 177 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 72 phường, 7 thị trấn và 98 xã. Quảng Ninh là tỉnh có nhiều thành phố trực thuộc nhất Việt Nam.

PV
60 năm thành lập tỉnh Quảng Ninh (30/10/1963 - 30/10/2023): Những dấu mốc 'son' trong lịch sử hình thành và phát triển
60 năm thành lập tỉnh Quảng Ninh (30/10/1963 - 30/10/2023): Những dấu mốc 'son' trong lịch sử hình thành và phát triển

Cùng điểm lại những dấu mốc 'son' trong lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất mỏ Quảng Ninh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN