60 năm thành lập tỉnh Quảng Ninh (30/10/1963 - 30/10/2023): Những dấu mốc 'son' trong lịch sử hình thành và phát triển

Cùng điểm lại những dấu mốc 'son' trong lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất mỏ Quảng Ninh.

Chú thích ảnh
Toàn cảnh đền Cửa Ông. Ảnh: Văn Đức/TTXVN

Ngày 12/11/1936

Cuộc Tổng bãi công của hơn 3 vạn Thợ Mỏ tháng 11/1936 giành thắng lợi vẻ vang đã trở thành một trong những sự kiện lịch sử tiêu biểu nhất của phong trào cách mạng Việt Nam nói chung, của giai cấp công nhân Việt Nam nói riêng trong thời kỳ đấu tranh đòi quyền dân sinh dân chủ do Đảng ta lãnh đạo (1936 - 1939).

Tầm vóc, ý nghĩa và ảnh hưởng của thắng lợi từ Cuộc Tổng bãi công này là rất to lớn và sâu sắc, đặc biệt là trong công tác giáo dục truyền thống, nhất là với thế hệ trẻ Vùng Mỏ. Để ngày 12/11/1936 trở thành “Ngày Miền Mỏ bất khuất” suốt nhiều chục năm, ngày 6/11/1961 Ban Thường vụ Khu ủy Hồng Quảng đã ra Nghị quyết số 31-NQ/KU “V/v Tổ chức kỷ niệm Ngày 12/11, ngày đấu tranh của GCCN Vùng mỏ”.

Nghị quyết ghi rõ: “Cách đây 25 năm, ngày 12/11/1936, giai cấp công nhân Khu Mỏ đã nhất tề quật khởi, anh dũng đấu tranh chống chế độ bóc lột hà khắc của bọn chủ mỏ. Cuộc đấu tranh này đã nổ ra từ Cẩm Phả, Hồng Gai đến Mông Dương, Uông Bí, Mạo Khê... đã gây ảnh hưởng rộng lớn đối với trong và ngoài nước và giành được thắng lợi to lớn. Bọn chủ mỏ đã phải nhượng bộ. Đây là một trong những cuộc đấu tranh vĩ đại nhất của giai cấp công nhân khu Mỏ dưới sự lãnh đạo của Đảng, nó đã ghi thêm một trang sử oanh liệt trong lịch sử đấu tranh của giai cấp công nhân Việt Nam. Vì vậy Ban Thường vụ Khu ủy đã quyết định: Từ năm 1961 trở đi, toàn khu Mỏ sẽ lấy ngày 12/11 hàng năm để tổ chức kỷ niệm cuộc đấu tranh anh dũng năm 1936, coi ngày đó là Ngày Hội lớn của giai cấp công nhân và nhân dân Khu Mỏ”.

Năm 1982, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Quyết định lấy ngày 12/11 là Ngày truyền thống ngành Than. Khẩu hiệu “Kỷ luật và Đồng tâm” từ năm 1936 đã trở thành tài sản vô giá, theo bước chân thợ mỏ đến ngày hôm nay và mãi mãi về sau.

Ngày 25/4/1955

Cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân năm 1953-1954, với đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ, đã đập tan những nỗ lực cao nhất của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ trên chiến trường Đông Dương. Ngày 20/7/1954, Hiệp định quốc tế về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Đông Dương được ký kết tại Giơnevơ (Thuỵ Sĩ). Pháp và các nước tham dự hội nghị Giơnevơ phải công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia.

Quán triệt sâu sắc chủ trương tranh thủ hoà bình của Trung ương Đảng, đánh bại âm mưu khiêu khích của đế quốc Mỹ và thực dân Pháp, trong tháng 8 và tháng 9/1954, các Đảng bộ tỉnh Quảng Yên, đặc khu Hòn Gai, tỉnh Hải Ninh tập trung đẩy mạnh công tác giáo dục cán bộ, đảng viên, nhân dân về Hiệp định Giơnevơ; tình hình và nhiệm vụ mới của Đảng ta; các chính sách của Đảng đối với vùng giải phóng, đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đối với nguỵ quân, nguỵ quyền và chính sách tự do tín ngưỡng.

Thực hiện Hiệp định Giơnevơ về việc chuyển quân và rút quân, tỉnh Hải Ninh là một trong những nơi địch rút sớm nhất miền Bắc, ngày 8/8/1954, quân Pháp rút khỏi Tiên Yên, tỉnh Hải Ninh sạch bóng quân xâm lược. Phần lớn địa bàn tỉnh Quảng Yên và Đặc khu Hòn Gai nằm trong khu vực tập kết 300 ngày. Trong khi các lực lượng của ta nghiêm chỉnh chấp hành Hiệp định, thì quân Pháp ra sức càn quét cướp phá tài sản, bắt thanh niên đi lính và cưỡng ép đồng bào di cư vào Nam; tháo dỡ máy móc; khuyến khích các đảng phái phản động nổi lên chống phá cách mạng; tăng cường cài cắm gián điệp vào các nhà máy, xí nghiệp, các địa phương với âm mưu chống phá ta về lâu dài.

Tỉnh Quảng Yên, khu Hồng Quảng, tỉnh Hải Ninh là một trong những địa bàn trọng điểm trong kế hoạch cưỡng ép di cư của Mỹ và tay sai. Ở đặc khu Hòn Gai, chúng dựng lên “Tổng uỷ di cư” có trụ sở ở Hòn Gai do tên Voòng A Sáng cầm đầu. Dưới Tổng uỷ di cư, chúng lập ra các “Ban di cư xã hội”, ngoài ra còn có các tổ chức phản động, sự hỗ trợ của hàng nghìn lính Âu Phi, bảo an binh.

Đối với mỗi địa bàn, chúng tập trung cưỡng ép di cư vào một đối tượng nhất định. Ở địa bàn Hải Ninh, do chính quyền cơ sở, nhất là cấp xã còn yếu, thậm chí nhiều xã chưa thành lập được chính quyền cách mạng, hoạt động cưỡng ép đồng bào di cư của địch diễn ra trắng trợn, điên cuồng. Địch tập trung ráo riết cưỡng ép đồng bào dân tộc thiểu số, chú trọng người Hoa. Ở địa bàn khu Mỏ, chúng tập trung cưỡng ép công nhân có trình độ kỹ thuật cao và tầng lớp cai ký, giám thị. Ở địa bàn Quảng Yên, chúng tập trung vào đồng bào Thiên Chúa giáo, những người trước đây là nguỵ quân, nguỵ quyền.

Cuộc đấu tranh chống địch cưỡng ép đồng bào di cư vào miền Nam đã diễn ra liên tục từ cuối năm 1954 cho đến ngày ta tiếp quản vùng mỏ. Ở Hải Ninh, ta đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động kết hợp với mạnh tay trấn áp bọn phản động đầu sỏ ngoan cố; thành lập 3 đoàn cán bộ tổ chức cứu đói ở các huyện Ba Chẽ, Đình Lập, Bình Liêu. Ở Đặc khu Hòn Gai, nơi đọ sức gay gắt giữa ta và địch trong vấn đề di cư, ta đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vạch rõ âm mưu thủ đoạn của địch, tổ chức các Đại hội chống Mỹ ở Hoành Bồ, Cái Rồng. Nhân dân đã lập ra các Uỷ ban chống địch cưỡng ép di cư. Nhân dân xã Đoàn Kết, huyện Cẩm Phả và khu Lán Đạo, thị xã Hòn Gai còn ký giấy cam kết không di cư.

Ở Yên Trì (Quảng Yên), trước khi ta thực hiện công tác chống cưỡng ép di cư, có 64 gia đình định ra đi, sau khi được cán bộ giải thích, đã có 46 gia đình ở lại. Ở Lán Đạo (thị xã Hòn Gai), nơi tập trung đồng bào theo đạo Thiên Chúa, trong số 47 gia đình định di cư đã có 35 gia đình tự nguyện ở lại, 137 gia đình đã làm đơn gửi Chính phủ và Ủy ban Quốc tế giám sát đình chiến ở Việt Nam phản đối thủ đoạn lừa bịp cưỡng ép giáo dân di cư của bọn phản động. Khi được cán bộ ta đến giải thích và vận động, nhiều gia đình ở Hà Gián (huyện Cẩm Phả) đang tập trung ở thị xã Cẩm Phả để di cư vào Nam đã tỉnh ngộ và trở về quê quán. Đến tháng 3-1955, toàn Đặc khu Hòn Gai chỉ có 216 gia đình với 2.145 người di cư trong tổng số hơn 70 nghìn dân của Đặc khu. Âm mưu cưỡng ép di cư của đế quốc Mỹ và tay sai về cơ bản bị thất bại.

Công tác đấu tranh giữ máy móc, không cho đối phương di chuyển trái phép được chỉ đạo chặt chẽ. Cuối năm 1954, thực hiện sự chỉ đạo Đặc khu uỷ Hòn Gai Các đội bảo vệ máy đã được thành lập trong công nhân mỏ. Ngày 18/12/1954, công nhân Cẩm Phả đã ngăn chặn được bọn chủ mỏ định chuyển 12 hòm máy và 1 cần cẩu Xôngđơ (Sondeur) xuống tàu. Chiều 9/3/1955, chủ mỏ dùng lính và bọn cai xếp người Pháp định chuyển 8 động cơ của Nhà máy điện Hòn Gai xuống Cẩm Phả để chuyển vào Nam. Công nhân đã vây quanh nhà tên chủ, buộc chúng phải ngừng chuyển máy. Ngày 24/4/1955, công nhân Nhà máy Cơ khí Cẩm Phả đã kiểm soát các hòm máy chủ định chuyển vào Nam, buộc chúng phải để lại ba máy.

Để chuẩn bị cho công tác tiếp quản Khu mỏ, xuất phát từ nhiệm vụ chính trị trước mắt và lâu dài của địa phương, căn cứ vào các đặc điểm địa lý kinh tế, hành chính, dân cư, truyền thống lịch sử, ngày 22/2/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh 221/SL thành lập khu Hồng Quảng trên cơ sở hợp nhất tỉnh Quảng Yên và đặc khu Hòn Gai (các huyện Chí Linh, Kinh Môn, Nam Sách và Sơn Động sáp nhập trở lại tỉnh Hải Dương và Bắc Giang). Để chuẩn bị cho công tác tiếp quản Khu mỏ, Khu uỷ Hồng Quảng quyết định thành lập 2 Đảng uỷ ở 2 thị xã Hòn Gai, Cẩm Phả, các Ban Cán sự ở Quảng Yên, Cửa Ông, Cát Bà. Khu cũng thành lập một đoàn cán bộ tiếp quản vào tiếp thu cơ sở sản xuất Công ty Pháp mỏ than Bắc Kỳ (SFCT).

Ngày 11/4/1955, các hiệp định về việc chuyển giao khu chu vi Hải Phòng được ký kết giữa ta và Pháp. Ngày 18/4/1955, đội tiếp quản hành chính của ta tiến vào Cửa Ông, Cẩm Phả nhận bàn giao của Pháp. Ngày 22/4/1955, một lực lượng chính trị quân sự của ta chính thức tiếp quản Cửa Ông, Cẩm Phả, Quảng Yên. Ngày 24/4/1955, lực lượng quân sự của ta tập kết bên Bãi Cháy, chuẩn bị tiếp quản Hòn Gai. 12 giờ trưa ngày 24/4, tên lính Pháp cuối cùng rời Khu mỏ. 13 giờ cùng ngày, lực lượng quân sự và chính trị của ta vào tiếp quản Hòn Gai trong không khí tưng bừng náo nhiệt của ngày vui giải phóng. Sáng ngày 25/4/1955, ta đã tổ chức cuộc mít tinh lớn ở thị xã Hòn Gai, ra mắt Uỷ ban quân chính Hồng Quảng, đọc nhật lệnh của Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp và thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi quân dân Hồng Quảng.

Sau hơn 72 năm đấu tranh bền bỉ và anh dũng, kể từ ngày thực dân Pháp xâm lược Khu mỏ (12/3/1883), trải qua 9 năm cùng cả nước tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, với khí thế Bạch Đằng Giang lịch sử, với truyền thống “Kỷ luật và đồng tâm”, giai cấp công nhân mỏ và dân dân lao động khu Hồng Quảng, tỉnh Hải Ninh đã viết lên những trang sử hào hùng, giành được hoàn toàn quyền làm chủ mảnh đất vùng Đông Bắc thân yêu của Tổ quốc, vĩnh viễn thoát khỏi ách áp bức, bóc lột, chung tay xây dựng cuộc sống mới.

Ngày 30/10/1963

Khu Hồng Quảng và tỉnh Hải Ninh cùng nằm trên một dải đất vùng Đông Bắc Tổ quốc, trước năm 1906 cùng chung một đơn vị hành chính với tên gọi là tỉnh Quảng Yên. Sau khi thực dân Pháp xâm lược và thống trị nước ta, ngày 10/12/1906, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định thành lập tỉnh Hải Ninh tách từ tỉnh Quảng Yên ra. Để phù hợp với tình hình đặc điểm của từng giai đoạn, lịch sử tỉnh Quảng Yên khi tách ra thành hai đơn vị hành chính: Tỉnh Quảng Yên và Đặc khu Hòn Gai (năm 1946), nhập lại thành Liên tỉnh Quảng Hồng (tháng 3/1947), rồi lại tách ra thành Đặc khu Hòn Gai và tỉnh Quảng Yên (tháng 12/1948). Cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi, tháng 2/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thành lập khu Hồng Quảng trên cơ sở sáp nhập Đặc khu Hòn Gai và tỉnh Quảng Yên. Ngày 8/8/1954, tỉnh Hải Ninh hoàn toàn giải phóng. Ngày 25/4/1955, Khu Hồng Quảng hoàn toàn giải phóng. Đảng bộ khu Hồng Quảng và Đảng bộ tỉnh Hải Ninh đã lãnh đạo nhân dân bắt tay vào thực hiện hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế, cải tạo xã hội chủ nghĩa, thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất.

Xét thấy việc hợp nhất khu Hồng Quảng và tỉnh Hải Ninh thành một đơn vị hành chính có nhiều điểm thuận lợi về kinh tế, quốc phòng, đầu tháng 7/1963, Ban Thường vụ Khu uỷ Hồng Quảng và Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Hải Ninh tổ chức Hội nghị liên tịch bàn và nhất trí đề nghị Trung ương hợp nhất khu Hồng Quảng và tỉnh Hải Ninh thành một đơn vị hành chính. Ngày 4/10/1963, Ban Bí thư Trung ương Đảng có Công văn gửi Ban Tổ chức Trung ương, Đảng đoàn Bộ Nội vụ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Thường vụ Khu uỷ Hồng Quảng và Tỉnh uỷ Hải Ninh về việc “Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định thống nhất tỉnh Hải Ninh và khu Hồng Quảng thành một Tỉnh” để nghiên cứu kế hoạch thi hành.

Ngày 7/10/1963, Ban Thường vụ Khu uỷ Hồng Quảng và Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Hải Ninh họp Hội nghị liên tịch và ra Nghị quyết về việc hợp nhất. Theo nguyện vọng của Đảng bộ và nhân dân khu Hồng Quảng và tỉnh Hải Ninh, ngày 30/10/1963, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá II, Quốc hội đã ra nghị quyết, quyết nghị phê chuẩn việc hợp nhất tỉnh Hải Ninh và khu Hồng Quảng thành tỉnh Quảng Ninh.

Tiếp đó ngày 18/11/1963, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Nghị quyết số 85-NQ/TW, quyết nghị hợp nhất hai Đảng bộ Hồng Quảng và Hải Ninh thành một Đảng bộ là Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh. Ngày 12/12/1963, hai Ban Thường vụ đã họp hội nghị liên tịch bàn về công tác tổ chức thực hiện việc hợp nhất hai Đảng bộ thành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh. Cùng với việc hợp nhất hai Đảng bộ, các cơ quan Nhà nước của hai tỉnh cũng lần lượt được hợp nhất thành một. Từ ngày 01/01/1964, tỉnh Quảng Ninh đi vào hoạt động chính thức. Đánh dấu mốc rất quan trọng để giai cấp công nhân và nhân dân các dân tộc Quảng Ninh bước vào thời kỳ cách mạng mới.

Ngày 5/8/1964

Để cứu vãn cho sự sụp đổ của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, đế quốc Mỹ đẩy mạnh chiến tranh xâm lược miền Nam và mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc bằng không quân và hải quân nhằm ngăn chặn chi viện của hậu phương lớn miền Bắc XHCN cho chiến trường miền Nam. Đêm 31/7/1964, tàu khu trục Ma-đốc thuộc biên đội xung kích 77, hạm đội 7 của Mỹ ngang nhiên xâm phạm vùng biển nước ta. Chấp hành nghiêm mệnh lệnh chiến đấu với quyết tâm trừng trị tàu địch xâm phạm vùng biển của ta, ngày 2/8/1964, 3 tàu phóng lôi là 333, 336, 339 - Phân đội 3, Đoàn 135 do Nguyễn Xuân Bột - Phân đội trưởng kiêm thuyền trưởng tàu 333 chỉ huy với ý chí quyết chiến, quyết thắng quyết đánh giặc Mỹ xâm lược, cán bộ chiến sỹ phân đội 3, các tàu phóng lôi đã chiến đấu anh dũng, mưu trí đánh đuổi tàu khu trục Ma-đốc ra khỏi vùng biển miền Bắc nước ta.

Ngày 5/8/1964, đế quốc Mỹ đã cho máy bay và tàu chiến ném bom, bắn phá Miền Bắc, trong đó có Quảng Ninh. 13 giời 35 phút, nhiều tốp máy bay phản lực hiện đại của Mỹ từ hạm đội 7 ồ ạt bay vào ném bom, bắn phá cảng hải quân của ta ở Bãi Cháy và một số nơi của thị xã Hồng Gai. Với tinh thần cảnh giác và sẵn sàng chiến đấu cao, ngay từ phút đầu, các đơn vị hải quân, pháo cao xạ đã dũng cảm đánh trả máy bay địch. Các chiến sĩ bộ binh, công an vũ trang, dân quân tự vệ đã hiệp đồng chặt chẽ với bộ đội pháo cao xạ, tạo thành lưới lửa phòng không dày đặc, nhiều tầm. Trong trận thử lửa đầu tiên, quân và dân Quảng Ninh đã bắn trúng 3 máy bay Mỹ, trong đó có 2 chiếc rơi tại chỗ, bắt sống phi công Mỹ đầu tiên - Trung uý E.Alvarez, lái máy bay A4D bị Trung đội súng 14,5 ly bắn rơi lúc 14 giờ 43 phút ngày 5-8-1964 và bị bắt sống tại vụng Hòn Mối - Vịnh Hạ Long.

Ngày 5/8/1964 trở thành ngày đánh thắng trận đầu của Quân chủng Phòng không- Không quân Việt Nam, trong đó quân và dân Quảng Ninh đã góp phần xứng đáng viết lên truyền thống hào hùng đó.

Ngày 17/12/1994

Ngày 21/12/1991, Chính phủ nước ta cho phép xây dựng hồ sơ về cảnh quan vịnh Hạ Long để trình Hội đồng Di sản Thế giới xét duyệt di sản thiên nhiên thế giới. Năm 1993, hồ sơ khoa học về vịnh Hạ Long được hoàn tất và chuyển đến UNESCO để xem xét. Trong quá trình hoàn chỉnh hồ sơ, UNESCO lần lượt cử các đoàn chuyên gia đến Quảng Ninh khảo sát, hướng dẫn, nghiên cứu, thẩm định hồ sơ tại chỗ. Hồ sơ vịnh Hạ Long được chấp nhận đưa vào xem xét tại hội nghị lần thứ 18 của Hội đồng Di sản Thế giới.

Ngày 17/12/1994, trong kỳ họp thứ 18 tại khách sạn Méridien thành phố Phu Kẹt (Thái Lan) Hội đồng Di sản thế giới (World Heritage Committee) trong kỳ họp lần thứ 18, đã biểu quyết với sự nhất trí rất cao, công nhận vịnh Hạ Long là Di sản thiên nhiên thế giới, bởi "Giá trị ngoại hạng và giá trị toàn cầu của một Di sản văn hoá và thiên nhiên, cần thiết được bảo vệ vì lợi ích của toàn thế giới".

Ngày 29/11/2000, Hội đồng Di sản thế giới trong kỳ họp lần thứ 24 tại thành phố Cairns (Australia) đã công nhận vịnh Hạ Long là Di sản thế giới lần thứ hai về giá trị địa chất, địa mạo.

Chú thích ảnh
Quảng Ninh tiếp tục chiến dịch làm mới nghề nuôi biển. Ảnh: Thanh Vân/TTXVN
Một số tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Quảng Ninh:

Tỉnh duy nhất của Việt Nam hội tụ đầy đủ các điều kiện tự nhiên cho phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội mang tính đặc trưng của Việt Nam như: rừng - tài nguyên - biển - du lịch - biên giới, thương mại...

Tỉnh có vị trí địa lý chiến lược về chính trị, kinh tế, quân sự và đối ngoại; với điều kiện tự nhiên phong phú đa dạng; Quảng Ninh là tỉnh duy nhất ở nước ta vừa có đường biên giới trên bộ vừa trên biển với nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa; Quảng Ninh nằm trong khu vực hợp tác “Hai hành lang, một vành đai” kinh tế Việt - Trung; Hợp tác liên vùng Vịnh Bắc Bộ mở rộng, cầu nối ASEAN - Trung Quốc, Hành lang kinh tế Nam Ninh - Singapore...

Trung tâm số một Việt Nam về tài nguyên than đá, công nghiệp điện, ngoài ra còn có công nghiệp xi măng, vật liệu xây dựng...

Quảng Ninh là một địa danh giàu tiềm năng du lịch, là một đỉnh của tam giác tăng trưởng du lịch miền Bắc; Quảng Ninh có hơn 600 danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử được xếp hạng; hội tụ đây đủ các yếu tố tự nhiên: Rừng, núi, nước non, biển đảo, sông hồ.... đặc biệt có Vịnh Hạ Long hai lần được UNESCO công nhận “Di sản thiên nhiên thế giới” về giá trị cảnh quan và giá trị địa chất, địa mạo và vừa được vinh danh là một trong 7 Kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới.

Tỉnh duy nhất có 4 thành phố trực thuộc tỉnh (Hạ Long, Móng Cái, Uông Bí, Cẩm Phả) và 2 thị xã (Quảng Yên, Đông Triều); có 3/28 Khu Kinh tế cửa khẩu (Móng Cái, Hoành Mô, Bắc Phong Sinh).

Tỉnh tập trung đông nhất công nhân mỏ có thu nhập cao là thị trường đầy tiềm năng cho các nhà cung cấp, phân phối hàng hóa.

Là tỉnh hoàn thành sớm nhất đề án cải cách hành chính của Chính phủ, hiện đang triển khai thực hiện Chính phủ điện từ để đẩy mạnh hơn nữa cái cách thủ tục hành chính.
PV
60 năm thành lập tỉnh Quảng Ninh (30/10/1963 - 30/10/2023): Những 'thế mạnh' để vững bước đi lên
60 năm thành lập tỉnh Quảng Ninh (30/10/1963 - 30/10/2023): Những 'thế mạnh' để vững bước đi lên

Nằm ở phía Đông Bắc, Quảng Ninh có vị trí địa chính trị, kinh tế, đối ngoại và đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh của cả nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN