Người đảng viên trẻ giỏi giang của buôn làng

Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, chị Lã Thị Thanh Tuyền, sinh năm 1988, Phó Bí thư Chi bộ thôn Buôn Triết, xã Dur Kmăl, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk, đã năng động làm giàu trên mảnh đất quê hương bằng mô hình trồng khoai lang Nhật.

Chị Lã Thị Thanh Tuyền chăm sóc ruộng khoai lang của gia đình.

Sinh ra và lớn lên trên vùng đất khô cằn của xã vùng sâu tỉnh Đắk Lắk, nhận thấy việc độc canh cây lúa không cho hiệu quả kinh tế cao, chị Lã Thị Thanh Tuyền đã chủ động tìm hiểu nhiều mô hình phát triển kinh tế tại địa phương và quyết định chuyển sang trồng khoai lang Nhật.

Chị Tuyền đã tích cực tham gia các hội thảo, hội nghị, học tập kỹ thuật canh tác khoai lang Nhật và mạnh dạn chuyển đổi 8 sào đất trồng lúa sang trồng khoai lang Nhật.

Mùa khoai đầu tiên, do chưa có kinh nghiệm chăm sóc nên năng suất và hiệu quả kinh tế chưa cao. Sau đó, chị Tuyền tìm hiểu chuyên sâu về kỹ thuật canh tác cây khoai lang Nhật; đi tham quan, học hỏi các mô hình trồng khoai lang của nông dân các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông…

Nhờ tinh thần ham học cùng những kinh nghiệm được tích lũy trong quá trình sản xuất, chị Lã Thị Thanh Tuyền đã dần làm chủ toàn bộ các khâu canh tác từ chọn giống, xuống giống, làm đất, chăm sóc đến thu hoạch khoai.

Theo chị Tuyền, trước đây trong một năm chị chỉ trồng được một vụ lúa nhưng năng suất không cao, bây giờ trên cùng diện tích đất gia đình chị có thể trồng được một vụ lúa xen một vụ khoai.

Cách làm này không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cao mà còn phát huy được công năng sử dụng đất, người nông dân cũng có thời gian để cải tạo dinh dưỡng cho đất.

Chị Tuyền còn tìm hướng phát triển sản xuất nông nghiệp sạch, nhằm tạo ra hướng đi bền vững cho mô hình. Qua quá trình tìm hiểu và tích lũy kinh nghiệm sản xuất, chị Tuyền nhận thấy để có sản phẩm nông nghiệp sạch cần hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học.

Chị Tuyền chia sẻ: “Để cây khoai lang Nhật ít sâu bệnh và cho năng cao thì việc tuân thủ quy trình làm đất là yếu tố quan trọng nhất, trước khi gieo giống cần phơi đất 7 ngày, làm tơi đất, rắc vôi và bón phân hữu cơ, sau đó mới lên luống, gieo giống. Người trồng tuân thủ quy trình sản xuất này sẽ mất khá nhiều công sức nhưng đổi lại năng suất sẽ tăng cao, sản phẩm đảm bảo an toàn khi hạn chế việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân hóa học”.

Hiện nay, chị Lã Thị Thanh Tuyền đang sở hữu 6 ha đất trồng khoai lang Nhật xen canh cây lúa theo vụ. Theo tính toán của chị Tuyền nếu giá khoai ổn định, một ha khoai lang Nhật có thể thu lãi hơn 150 triệu đồng/vụ sau khi trừ chi phí sản xuất. Nếu phát huy hết diện tích đất đang có, mỗi năm chị Tuyền có thể thu lãi hàng trăm triệu đồng.

Không chỉ làm giàu cho bản thân, chị Lã Thị Thanh Tuyền còn tạo việc làm cho 25 lao động thời vụ khi đến mùa thu hoạch với mức 180 nghìn đồng/ngày công.

Chị Tuyền mong muốn đưa cây khoai lang Nhật trở thành cây trồng chủ lực, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, kỹ thuật canh tác cho những hộ muốn chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Chị Lã Thị Thanh Tuyền còn tham gia công tác Đoàn của thôn trong nhiều năm liền, sớm trưởng thành và trở thành đảng viên trẻ của thôn.

Với vai trò của một đảng viên, chị Tuyền luôn ra sức vận động bà con sống và làm việc theo chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Có uy tín với dân, lại nhiệt tình với công tác Đảng, từ năm 2012 đến nay, chị Tuyền được tín nhiệm bầu là Phó Bí thư Chi bộ thôn Buôn Triết, đại biểu HĐND xã Dur Kmăl khóa 8, nhiệm kỳ 2016-2021.

Bài và ảnh: Tuấn Anh (TTXVN)
Người đảng viên trẻ bền bỉ “truyền lửa” trong thanh niên
Người đảng viên trẻ bền bỉ “truyền lửa” trong thanh niên

Hơn 5 năm gắn bó với công tác Đoàn thanh niên và phong trào thanh thiếu nhi của phường Tứ Liên (quận Tây Hồ, Hà Nội), đối với đảng viên trẻ sinh năm 1990 Phạm Minh Phúc thì đây là khoảng thời gian đầy thử thách và nỗ lực không ngừng để “thích nghi” với môi trường làm việc năng động.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN