Nan giải giảm sinh con thứ 3

Tại một số xã vùng cao của huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La, nơi có đông đồng bào dân tộc sinh sống, việc giảm tỷ lệ sinh con thứ ba vẫn gặp nhiều khó khăn do tồn tại nhiều hủ tục lạc hậu.

Lấy chồng từ năm 17 tuổi, năm nay mới 29 tuổi nhưng chị Thào Thị Sua, bản Suối Khang, xã Suối Tọ, huyện Phù Yên đã có 5 con. Chồng chị mới bị bắt vì liên quan đến ma túy, con út mới 9 tháng tuổi nên chị Sua gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. Căn nhà nhỏ của 5 mẹ con nằm cheo leo trên lưng chừng núi, ngoài một ít gạo, mấy bắp ngô, thì không có bất cứ thứ gì đáng giá. Chị Sua tâm sự, phong tục ở đây là lấy chồng sớm, con gái 17 - 18 mà không lấy chồng thì sẽ “ế”... Mà lấy nhau cũng không có đăng ký kết hôn, trai gái thích nhau thì về ở với nhau. 

Công tác tuyên truyền về sinh đẻ có kế hoạch chưa thực sự hiệu quả.

Lý giải về việc sinh nhiều con, chị Sua buồn bã: “Đến đứa thứ 4, tôi cũng định dừng rồi, cũng đã dùng biện pháp tránh thai rồi nhưng chồng không thích. Vậy nên, sau mấy lần đi phá thai thì lại tiếp tục sinh con thứ 5”. 

Tình trạng lấy chồng sớm, đẻ nhiều con rất phổ biến tại các xã vùng cao của huyện Phù Yên. Ông Thào A Của, 41 tuổi hiện là một trong số những người đông con nhất tại xã Suối Bau, huyện Phù Yên. Ông Thào A Của lấy vợ từ lúc 16 tuổi, đến nay có 8 con, con lớn năm nay đã 20 tuổi, con nhỏ nhất 5 tuổi. Gia đình sống nhờ vào gần 3 ha nương rẫy và một ao cá nhỏ. Ông Của cho rằng “trời sinh voi thì sinh cỏ” nên chỉ việc sinh ra là chúng khắc biết tồn tại và như thế sẽ có đông lao động làm nương rẫy. 

Sinh đẻ không có kế hoạch khiến trẻ em bị tổn thương về nhiều mặt.

Theo ông Thào A Chìa, cán bộ chuyên trách dân số xã Suối Bau, trung bình mỗi năm, xã có khoảng 30 cặp vợ chồng sinh con thứ 3, độ tuổi kết hôn trung bình là 15 tuổi và đa số các cặp vợ chồng đều không có giấy đăng ký kết hôn hoặc lấy nhau một thời gian rồi mới đi đăng ký kết hôn. Mặc dù cán bộ dân số xã thường xuyên tuyên truyền về tác hại của sinh nhiều con song các hủ tục vẫn còn tồn tại trong đồng bào dân tộc khiến việc giảm thiểu tình trạng sinh nhiều con gặp nhiều khó khăn. 

Theo báo cáo của Trung tâm dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện Phù Yên, trong 6 tháng đầu năm 2016, tổng số trẻ sinh ra trên toàn huyện là 842 trẻ, trong đó có 62 trẻ là con thứ ba trở lên, chiếm 7,4% tổng số trẻ sinh. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Trong đó, trình độ dân trí, sự hiểu biết của người dân với các chính sách dân số còn hạn chế; tình trạng tảo hôn, kết hôn sớm trong giới trẻ còn rất phổ biến. Các gia đình muốn sinh nhiều con để có nhân lực lao động; tâm lý trọng nam khinh nữ, muốn có con trai để giữ tài sản. Cá biệt, nhiều trường hợp có 2, 3 con trai nhưng vẫn muốn sinh thêm. 

Bà Phan Thị Tuyết, Phó giám đốc Trung tâm dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện Phù Yên cho biết: Để giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 Trung tâm tăng cường công tác tuyên truyền trong đó ưu tiên đối với vùng xa, vùng khó khăn, vùng có tỷ lệ sinh cao. Chú trọng công tác tuyên truyền vận động, nâng cao chất lượng nội dung, hình thức tuyên truyền với nội dung ngắn gọn, dễ hiểu về tác hại của việc sinh con thứ 3 cũng như tác động đến sự phát triển kinh tế gia đình để nâng cao nhận thức của người dân về kế hoạch hóa gia đình.
Bài và ảnh: Công Luật
Khuyến sinh hay giảm sinh tùy thuộc vào địa phương
Khuyến sinh hay giảm sinh tùy thuộc vào địa phương

TS Dương Quốc Trọng, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) đã có cuộc trao đổi với báo Tin Tức về biện pháp nhằm giúp Việt Nam tránh khỏi “vết xe đổ” giảm sinh mà nhiều quốc gia khác đã vấp phải.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN