Khuyến sinh hay giảm sinh tùy thuộc vào địa phương

TS Dương Quốc Trọng (ảnh), Tổng Cục trưởng Tổng Cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) đã có cuộc trao đổi với báo Tin Tức về biện pháp nhằm giúp Việt Nam tránh khỏi “vết xe đổ” giảm sinh mà nhiều quốc gia khác đã vấp phải.

 

Thưa TS, tổng tỷ suất sinh của Việt Nam (số con trung bình của một người phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ) đang giảm dần, quy mô dân số của Việt Nam đang tăng chậm lại nhờ hiệu quả từ công tác giảm sinh... Liệu đã đến lúc Việt Nam cần khuyến sinh để tránh xu hướng giảm sinh quá thấp trong tương lai chưa?


Đúng là trong những năm qua, tổng tỷ suất sinh (TFR) của Việt Nam liên tục giảm: Năm 1960, khi chúng ta bắt đầu triển khai công tác DS-KHHGĐ thì TFR là 6,4 con, tức là mỗi phụ nữ có trung bình khoảng 6 con, tới năm 2006 thì TFR là 2,09 con, và tới năm 2012 là 2,05 con. Theo tôi, đây là mức sinh hợp lý và trong giai đoạn từ nay đến 2020 cần duy trì TFR ở mức 1,8 - 2 con; cố gắng không để TFR tăng lên, nhưng phải có sự điều chỉnh linh hoạt để không giảm xuống mức quá thấp, vì lúc đó khó lòng mà nâng lên được. Quy luật chung của các nước trên thế giới là họ đã và sẽ thành công trong công tác giảm sinh, nhưng hầu như chưa có nước nào thành công trong việc nâng mức sinh khi TFR giảm xuống quá mức. Việc duy trì mức sinh quá thấp sẽ dẫn đến hệ lụy thiếu nguồn lao động vì người già ngày càng nhiều còn người trong độ tuổi lao động lại ít đi.


Nhưng vấn đề của VN hiện nay là bức tranh dân số rất khác nhau giữa các tỉnh, các vùng miền. Tại các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam Bộ, TFR ở mức rất thấp, còn các tỉnh miền núi phía Bắc (Hà Giang, Tuyên Quang, Điện Biên, Lai Châu) hay các tỉnh Tây Nguyên (Gia Lai, Kon Tum) và miền Trung thì mức sinh lại khá cao (TFR là khoảng 3 con). Do đó, chính sách dân số cần tùy thuộc vào tình hình cụ thể ở từng địa phương, với địa phương này sẽ tập trung mạnh vào giảm sinh, nhưng với địa phương khác thì phải chú trọng giảm mất cân bằng giới tính khi sinh hoặc tăng cường nâng cao chất lượng dân số.


 

Biểu đồ về tổng tỷ suất sinh của Việt Nam.

 

Cụ thể, với các tỉnh miền núi phía Bắc, nơi có TFR cao thì chúng tôi giao chỉ tiêu giảm sinh rất cao, từ 0, 4 - 0,5‰, thậm chí 0,6 - 0,7‰. Nhưng ngược lại, với khu vực miền Đông và Tây Nam Bộ, TFR dao động ở mức 1,5 - 1,8 con nên chúng tôi chỉ tiêu giảm sinh giao cho các địa phương này rất thấp từ 0.05 - 0,1‰; thậm chí có nơi còn không giao chỉ tiêu giảm sinh, mà yêu cầu công tác dân số chú trọng nâng cao chất lượng các dịch vụ SKSS và KHHGĐ. Ví dụ như TP.HCM, nơi có TFR chỉ ở mức 1,45 con năm 2009 và chỉ còn mức 1,3 con năm 2011 thì TFR cần được nâng lên một chút. Do đó, chúng tôi khuyến cáo “Mỗi cặp vợ chồng ở TP.HCM hãy nên có 2 con”.

 

Việc đưa ra những chính sách dân số như nêu trên có dựa trên nghiên cứu nào không, thưa ông?


Dự báo dân số Việt Nam 2009 - 2049, của Tổng cục Thống kê đã đề xuất 3 “kịch bản” cho công tác dân số: Một là mức sinh cao; hai là duy trì mức sinh thấp; ba là duy trì mức sinh thấp hợp lý.


Xét trên bình diện chung, VN là một nước đông dân, đứng hàng thứ 14 trên thế giới về quy mô dân số. VN cũng là nước có mật độ dân số cao, năm 2011 là 265 người/km2; cao gấp 5 lần so với mật độ chung của dân số trên thế giới. Chính bởi vậy, chúng ta không thể chọn phương án mức sinh cao, tức Việt Nam sẽ đạt dân số cực đại vào năm 2060 với khoảng 120 triệu dân. Quy mô dân số quá lớn sẽ gây sức ép và cản trở sự phát triển của KTXH.


Còn nếu chọn phương án mức sinh thấp thì quy mô dân số sẽ đạt cực đại năm 2040, sau đó mức tăng dân số sẽ giảm xuống. Nhưng nếu chọn phương án này thì rất khó vực được mức sinh và khó đưa tỷ số giới tính khi sinh trở lại mức tự nhiên. Đồng thời tạo sức ép về chăm sóc y tế cho người cao tuổi vì tỷ lệ số lượng người cao tuổi tăng lên, trong khi trẻ em ngày càng giảm đi.


Chính vì vậy, công tác dân số thời gian tới được lựa chọn theo phương án mức sinh thấp hợp lý, Việt Nam sẽ đạt quy mô dân số cực đại vào năm 2050 với khoảng 110 triệu dân. Ưu điểm của phương án này là quy mô dân số ở mức cực đại không thấp nhất cũng không quá cao, giúp phát huy được lợi thế “dân số vàng”, giải quyết vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh, góp phần nâng cao chất lượng dân số, phù hợp với Chiến lược DS-SKSS và Chiến lược phát triển bền vững VN giai đoạn 2011 - 2020. Vì lẽ đó, chúng tôi đề xuất mức sinh thấp hợp lý trong giai đoạn từ nay đến 2020 là 1,8 - 2 con.

 

Vậy tại những vùng có mức sinh thấp, người sinh con thứ 3 có bị xử phạt không, thưa ông?


Việt Nam không có văn bản pháp luật nào quy định xử phạt những người sinh con thứ 3 trở lên. Tuy nhiên, đã là đảng viên phải phục tùng điều lệ của Đảng và các quy định của Đảng; đã là công chức, viên chức phải phục tùng luật công chức, luật viên chức; còn ở một số địa phương thì cộng đồng dân cư đã thỏa thuận, xây dựng một số hương ước, quy ước chung như những gia đình sinh con thứ 3 trở lên không được đánh giá là gia đình văn hóa.

 

Xin cảm ơn ông!

 

Phương Liên (ghi)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN