Đồng bào Mông chung lòng ăn một Tết

Từ khi có chủ trương ăn chung một Tết, đồng bào Mông ở hầu khắp các huyện vùng cao đã đồng tình hưởng ứng, bởi đồng bào thấy được hiệu quả của nó. Các thầy cô giáo vùng cao cũng không phải đôn đáo đi vận động học sinh đến lớp trong những ngày Tết của đồng bào nữa.

Trường học đông đúc

Thầy giáo Nguyễn Duy Tiến, Hiệu trưởng Trường THBT và THCS Trạm Tấu, xã Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu (Yên Bái), chia sẻ: “Trường có 434 em học sinh, trong đó có 300 em ở bán trú, số còn lại học ở 5 điểm trường lẻ. Đa số các em đều là con em dân tộc Mông, đời sống còn rất nhiều khó khăn. Từ 3 năm trở lại đây, thực hiện chủ trương của huyện là ăn chung một Tết, nên mấy ngày này sĩ số học sinh vẫn được đảm bảo. Nếu như mấy năm trước, từ cuối tháng 11 đến đầu tháng 12 Âm lịch là thời gian đồng bào Mông ở Trạm Tấu tổ chức ăn Tết, kéo dài đến gần một tháng, các em học sinh nghỉ ăn Tết cả, vận động học sinh ra lớp vất vả lắm. Giờ đây, không phải lo cắt cử giáo viên đi vận động học sinh ra lớp nữa”.

Trong những ngày Tết truyền thống, nhưng những học sinh người Mông vẫn đến trường đông đủ.

Huyện Trạm Tấu có 11 xã và 1 thị trấn, với 11 dân tộc anh em sinh sống, trong đó đồng bào Mông chiếm tới gần 80%. Khi bắt tay vào vận động người Mông ăn chung một Tết cũng gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên “mưa dầm thấm lâu”, với phương pháp tuyên truyền sâu rộng đến từng thôn bản, gia đình nên kết quả đạt được cũng rất tốt. Năm 2013 là cái Tết chung đầu tiên, năm nay là cái Tết thứ 3.

Trường THBT và THCS Pá Hu (xã Pá Hu, huyện Trạm Tấu) trong những ngày Tết truyền thống của đồng bào Mông, sĩ số học sinh của trường vẫn đảm bảo 98%. Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thanh Hiền cho biết, ăn chung một Tết là một chủ trương rất đúng đắn của huyện. Thực hiện chủ trương này, nhà trường đã chủ động tuyên truyền tới từng học sinh trong những buổi sinh hoạt, phân tích rõ việc không phải là bỏ không ăn Tết mà vẫn ăn Tết, đó là ăn Tết Nguyên đán cùng với cả nước sẽ vui hơn và không phải bỏ học. Học sinh nghe ra, đồng thời về nhà nói với bố mẹ hiểu.

Cánh đồng sôi động

Có mặt tại những cánh đồng ruộng bậc thang xã Trạm Tấu, được chứng kiến cảnh đồng bào ra đồng làm ruộng chuẩn bị gieo cấy vụ đông xuân, mới thấy được hết ý nghĩa của chủ trương ăn chung một Tết. Anh Giàng A Phin, ở thôn km 21, xã Trạm Tấu cho biết: “Nắm được lịch làm đất gieo cấy lúa của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, vợ chồng anh và mấy hộ khác cùng có chung một máy cày được Nhà nước hỗ trợ tranh thủ lấy nước cày bừa sẵn sàng cấy lúa vụ đông xuân khi có chỉ đạo của huyện. “Cách đây mấy năm, khi chưa có cuộc vận động ăn chung một Tết Nguyên đán, khoảng thời gian này đồng bào Mông chúng tôi đang tổ chức ăn Tết truyền thống, những nhà khá giả thì một con lợn, còn nhà nghèo chỉ có con gà. Đám trẻ con rủ nhau đi chơi hết bản này đến bản khác. Bỏ bê ruộng nương, nên năng suất thấp, cái đói nghèo vẫn cứ đeo đẳng mãi. Nhưng 3 năm nay, được cán bộ tuyên truyền, vận động ăn chung một Tết Nguyên đán chúng tôi hiểu thấy được lợi ích và làm theo”.

Việc tổ chức ăn chung Tết đã làm thay đổi tư tưởng của đồng bào Mông. Trạm Tấu sẽ chuẩn bị chu đáo kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự và tổ chức các hoạt động vui Tết đón xuân để đồng bào trong huyện có một cái Tết chung lần thứ 4 này thật vui, thật đoàn kết.
Bài và ảnh: Trọng Thủy
Đồng bào Mông rộn ràng đón Tết cổ truyền
Đồng bào Mông rộn ràng đón Tết cổ truyền

Những ngày này, đồng bào Mông sinh sống ở vùng Tây Bắc nói chung và tỉnh Sơn La nói riêng đang nhộn nhịp không khí ngày Tết truyền thống của dân tộc, diễn ra vào khoảng đầu tháng 12 Âm lịch hằng năm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN