“Bếp thiêng”của người Cơ Tu

Nhiều năm qua do dân trí được nâng cao, người Cơ Tu biết rõ tác hại của khói bếp với sức khỏe con người nên họ không làm bếp trong nhà, mà đặt làm gian bếp cách xa nhà chính. Nhưng những tập tục về bếp lửa vẫn giữ như ngày xưa. Vì lẽ đó mà khách lạ không rõ tập tục chung quanh cái bếp rất dễ bị phật ý chủ nhà.

Người Cơ Tu xông thịt rừng trên chái bếp.


Từ xưa tới nay người Cơ Tu (chủ yếu sống ở vùng tây Quảng Nam) rất coi trọng bếp lửa, bởi trước đây bếp không chỉ có chức năng nấu đồ ăn, thức uống, mà còn dùng để chiếu sáng về đêm, sưởi ấm cho con người trong những đêm mưa Trường Sơn hoang lạnh và cũng là nơi thiêng liêng với nhiều điều cấm kỵ.


Khi cất xong nhà Gươl thì già làng nhóm bếp lửa trên sàn nhà Gươl. Một người trong làng cất ngôi nhà mới thì công việc trước tiên cũng là tìm chỗ đặt bếp lửa (t’pêếh). Người Cơ Tu cho rằng bếp là nơi thiêng liêng sẽ cháy mãi, mang đến sự ấm no, hạnh phúc, thịnh vượng cho dân làng hay mọi thành viên trong gia đình.

Bếp lửa của người Cơ Tu.


“Ngày trước, thông thường bếp được đặt giữa nhà, nhưng cũng có thể lệch về một góc nào đó sao cho ánh nắng buổi chiều không chiếu vào giữa bếp. Bởi người Cơ Tu cho rằng, nắng chiều đã nóng gặp lửa càng nóng hơn thường đem tới điều hung dữ, không may mắn. Ngày trước còn ở nhà sàn, gia đình nào có uy thế, khá giả thì được ưu tiên đặt bếp ở bốn góc nhà, người Cơ Tu gọi là t’pêếh đâl hay t’pêếh chr’ móc. Họ quan niệm rằng tại đó có Giàng ở nên chủ hộ thường để vật quý tại đây, không người ngoài nào được đến chỗ đó…”, Già làng Đinh Văn Bớt (68 tuổi) ở thôn Tà Lâu, xã Ba (Đông Giang - Quảng Nam) cho biết.


Để làm bếp trên nhà Gươl, người ta đóng một cái bệ bằng gỗ, trong chứa đất sét, đặt “ông Kiền” lên trên đất và nhóm lửa. Còn ở nhà ở thì dùng đất sét đắp bếp cao hơn sàn nhà từ 12- 15 cm rồi bao gờ tròn không cho tro tràn ra ngoài. Xung quanh bếp được sắp xếp theo thứ tự: phía trong gian bếp là sàn ngủ của vợ chồng chủ nhà, bên trái là sàn dành cho ăn uống hằng ngày, bên phải là chỗ ngủ của con cái, phía ngoài sàn tiếp khách. Tùy từng mùa nóng hay mùa lạnh mà người Cơ Tu sinh hoạt gần hay xa bếp. Vào mùa đông, gia đình người Cơ Tu ngủ xung quanh bếp lửa, chân hướng vào bếp để sưởi ấm.

“Chiến lợi phẩm” treo trên mái giàn bếp.


Người Cơ Tu rất kiêng việc bỏ những đồ bẩn vào bếp, xem bếp rất linh thiêng. Ngày trước, còn nhiều tập tục chung quanh bếp lửa như khách đến nhà mà gia đình không muốn tiếp thì tắt lửa bếp đi; khách lạ, trẻ em đến không được tự tiện nhóm bếp lửa… Nếu người làng hoặc khách ở xa đến mà không thấy có ánh lửa hoặc khói bếp có nghĩa là chủ nhà không có nhà, không nên vào. Người ta thường lấy những loại củi đốt không có chất dầu, để khi đốt ít khói. Về đêm, gia đình người Cơ Tu thường quây quần quanh bếp lửa để nghe kể chuyện “sử thi”, bàn chuyện làm ăn, gia đình, bộ tộc…


Người phụ nữ Cơ Tu khi kết thúc buổi làm rẫy thường gùi củi về. Mùa hè thì xếp củi phơi ngoài sân, mùa mưa thì mang đặt gần bếp để xông cho chóng khô. Có nhiều khúc củi to, cháy âm ỉ suốt mấy ngày. Trên bếp lửa, người Cơ Tu làm hai hoặc ba cái giàn (tir zơbu) lớn hay nhỏ tùy theo số người nhiều hay ít ở trong nhà. Trên giàn, người ta xông các loại lương thực như xông sắn (tir zơbu bur), xông củi (tir zơbu Óih), thịt rừng (tir zơbu dhăh). Sắn hoặc măng được xắt khúc trải trên giàn cho mau khô. Còn các thứ như bắp, thịt rừng thì được treo dưới giàn để cho khô và ăn dần. Đặc biệt, dưới mái lá cọ trên giàn bếp, người Cơ Tu còn “lắp” hàng trăm đầu lâu các con thú rừng mà họ săn, bắt được sau khi ăn thịt xong kèm theo một nghi lễ đơn sơ khấn Giàng luôn phù hộ cho gia đình họ được săn, bắt được nhiều thú rừng. Ngoài ra, khi đan lát xong một dụng cụ nào đó như gùi (dòng), t’ lét, rê, chuy, cà vông (cà lông)…, người ta thường treo hoặc đặt trên giàn cho có màu cánh gián, làm bền, chắc và đẹp sản phẩm.

Tiên Sa

Nhà Gươl, nét đẹp văn hóa của đồng bào Cơ Tu
Nhà Gươl, nét đẹp văn hóa của đồng bào Cơ Tu

Huyện miền núi Nam Đông, Thừa Thiên - Huế với dân số 2,4 vạn người, thì có tới 43% đồng bào dân tộc thiểu số Cơ Tu, sống ở hầu khắp bản làng của 10 xã trên địa bàn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN