Nhà Gươl, nét đẹp văn hóa của đồng bào Cơ Tu

Huyện miền núi Nam Đông, Thừa Thiên - Huế với dân số 2,4 vạn người, thì có tới 43% đồng bào dân tộc thiểu số Cơ Tu, sống ở hầu khắp bản làng của 10 xã trên địa bàn. Đồng bào Cơ Tu ở Nam Đông hiện vẫn lưu giữ được nhiều phong tục, tập quán, lễ hội, trang phục truyền thống, nghệ thuật tạo hình, điêu khắc, âm nhạc dân tộc, trong đó nhà Gươl là một nét văn hóa tiêu biểu.


 

Lễ đâm trâu mừng vào nhà Gươl mới.

 

Ông Nguyễn Nghĩa, Trưởng ban Tuyên giáo huyện ủy Nam Đông cho biết: Gươl theo tiếng Cơ Tu là cộng đồng, nên nhà Gươl không phải là nhà ở mang chức năng công cộng như đình làng của người Kinh, mà là ngôi nhà chung "linh hồn làng" được coi là nơi tôn kính, chốn linh thiêng, tín ngưỡng của đồng bào Cơ Tu, để gắn kết các thành viên trong làng thành một khối đoàn kết, thống nhất. Hiện nay, nhà Gươl còn là nơi để họp bàn và quyết định những vấn đề mang tính sống còn của cộng đồng, là nơi họp thôn để phổ biến, thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, giáo dục pháp luật cho nhân dân; và cũng là nơi để tổ chức các lễ hội truyền thống như đâm trâu, ăn mừng lúa mới, mừng được mùa...


Nhà Gươl ở Nam Đông có kiến trúc mang đậm bản sắc Cơ Tu, kết cấu theo hình nón lá, có bộ mái cao, cuộn tròn hai đầu hồi. Nét đặc trưng khác biệt của nhà Gươl với đa số các loại nhà của các dân tộc khác là con số chẵn: Số gian chẵn, số cột chẵn, thậm chí đòn nóc cũng chẵn. Phía trước ở giữa sân nhà Gươl là cây cột lễ với đường nét chạm trổ công phu và những hoa văn trang trí theo tập quán, lối sống, trang phục của đồng bào Cơ Tu. Trong nhà Gươl lưu giữ chiêng, trống, chum, chóe, gùi, nỏ, đàn, kèn... điều đặc biệt là cách bảo quản sơ sài nhưng không hề bị ai lấy trộm, nó mặc nhiên tồn tại từ đời này sang đời khác, trở thành những cổ vật quý giá, là nơi sáng tạo, nuôi dưỡng các sản vật văn hóa vật thể và phi vật thể của thôn, bản.


Đồng bào Cơ Tu ở huyện miền núi Nam Đông ngày càng ý thức được những giá trị bản sắc văn hóa của dân tộc mình, nên đã cùng nhau gìn giữ và phát triển. Đến nay, huyện Nam Đông đã bảo tồn và xây dựng được 49 nhà Gươl, đây cũng trở thành nhà văn hóa cộng đồng cho các địa điểm định canh định cư trên địa bàn và đã phát huy được hiệu quả thiết thực trong đời sống văn hóa, xã hội của đồng bào dân tộc Cơ Tu. Các địa phương và nhân dân trong huyện đã sưu tầm hiện vật, khôi phục và phát huy giá trị của nhà Gươl; riêng nhà Gươl ở trung tâm văn hóa huyện đã lưu giữ 137 hiện vật quý, hiếm; trong đó có hiện vật có niên đại lên đến hàng trăm năm như chum, chóe, cồng chiêng...


Bài và ảnh: Quốc Việt

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN