Đổi thay cuộc sống của đồng bào Cơ Tu

Tỉnh Thừa Thiên - Huế hiện có trên 15.000 đồng bào dân tộc Cơ Tu, chiếm trên 24% tổng số đồng bào Cơ Tu sinh sống trong cả nước. Cùng với đồng bào các dân tộc anh em khác trong tỉnh, được sự hỗ trợ của Nhà nước, đồng bào Cơ Tu ở tỉnh đã nỗ lực vươn lên thoát nghèo và gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc mình.


 

Bản làng của đồng bào Cơ Tu đang ngày càng khang trang.

 

Đồng bào Cơ Tu ở Thừa Thiên - Huế sinh sống tập trung chủ yếu ở các xã vùng cao của huyện miền núi Nam Đông, một phần ở phía tây huyện A Lưới và một số địa phương khác. Xã Thượng Long của huyện Nam Đông là xã có đông đồng bào Cơ Tu sinh sống nhất tỉnh, với gần 2.400 khẩu, chiếm khoảng 96% tổng dân số toàn xã. Ông Lê Minh Khánh, dân tộc Cơ Tu, cán bộ xã, cho biết: Cách đây 10 năm, tỷ lệ hộ nghèo trong xã chiếm đến hơn 80%. Xã cũng gần như biệt lập vì muốn đến xã phải đi cả ngày qua những con đường ngoằn nghoèo, đất đá lởm chởm. Đến nay hầu hết số hộ trong xã đã có nhà kiên cố, tiện nghi đầy đủ...


Theo ông Khánh, sự quan tâm đầu tư từ các chương trình 134, 135... của Nhà nước đã tạo điều kiện để đồng bào vươn lên thoát nghèo. Trong đó, việc làm đường và đưa điện, hệ thống thủy lợi đến tất cả các thôn, bản là bước đột phá. Nước dẫn về đồng ruộng giúp người dân sản xuất lương thực, đẩy lùi được cái đói. Không những thế, người dân xã cũng đang dần thoát nghèo khi cây cao su trồng từ gần 10 năm trước bắt đầu cho thu hoạch. Toàn xã hiện có gần 700 ha cao su; trong đó, gần 300 ha cho thu hoạch với sản lượng 800 tấn mủ. Riêng cây cao su đã mang lại nguồn thu nhập 15 tỷ đồng cho người dân trong xã. Người dân còn phát triển, khai thác 380 ha rừng, làm kinh tế vườn... cho thu nhập trên 30 triệu đồng/ha.


Không chỉ ở xã Thượng Long, mà cuộc sống của đồng bào dân tộc Cơ Tu sinh sống ở các xã khác như: Thượng Nhật, Thượng Quảng, Thượng Lộ, Hương Sơn... huyện Nam Đông và một số ở huyện A Lưới cũng đổi thay nhiều. Ông Hồ Văn Bó, ở xã Thượng Quảng, huyện Nam Đông cho biết: Trước đây, vào mùa mưa đồng bào Cơ Tu mới ra nương, rẫy chọc lỗ tra hạt; thiếu đất thì phá rừng làm nương, rẫy nhưng vẫn cứ đói. Nay hộ nào cũng có vườn cao su, ruộng lúa... thu nhập ổn định. Phong trào phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo giúp “đẩy lùi” tính ỷ lại trong đồng bào Cơ Tu. Giờ, đồng bào Cơ Tu đã biết chon loại cây và cách chăm sóc để cho năng suất cao.


Các thôn, bản của đồng bào Cơ Tu ở Thừa Thiên - Huế giờ đây đã đổi thay rất nhiều, nhưng bản sắc văn hóa của đồng bào Cơ Tu phai nhạt đi. Đến với các thôn, bản của đồng bào Cơ Tu vẫn dễ nhận ra những ngôi nhà gươl truyền thống - giống như nhà sàn, hoặc được xây mới và các lễ hội, phong tục, tín ngưỡng độc đáo. Trong đó, đồng bào Cơ Tu tự hào nhất là vẫn giữ được ngôi nhà gươl truyền thống còn lại nguyên bản, ở bản A Xăng, xã Thượng Long. Bản A Xăng chỉ có 26 hộ đồng bào Cơ Tu sinh sống.


Nhà gươl của đồng bào Cơ Tu gắn liền với sinh hoạt cộng đồng và đời sống tâm linh. Vì vậy, những thôn, bản không giữ được nhà gươl truyền thống đã được đầu tư xây dựng mới. Bên cạnh đó, đồng bào Cơ Tu vẫn duy trì lễ hội truyền thống nhưng cũng đã cải biên để phù hợp với điều kiện hiện nay như: Lễ vào nhà mới, cúng thần linh... Lễ hội đâm trâu - lễ hội chính của đồng bào Cơ Tu bây giờ chỉ tổ chức để chào đón những “sự kiện lớn” quy mô cấp xã hoặc huyện. Mặc dù vậy, lễ hội đâm trâu vẫn giữ được nguyên ý nghĩa của nó. Già làng Hồ Văn Vước, ở xã Thượng Long cho biết: Lễ hội đâm trâu dù tổ chức ở đâu cũng thể hiện tình đoàn kết gắn bó trong cộng đồng đồng bào Cơ Tu nói riêng và với đồng bào các dân tộc anh em khác nói chung.


Thời gian qua, nhiều địa phương ở Thừa Thiên - Huế đã có những cách làm sáng tạo giúp đồng bào Cơ Tu vươn lên thoát nghèo. Theo ông Ngô Văn Chiến, Chủ tịch UBND huyện Nam Đông, huyện đã thành lập các “tổ vận động”, gồm những người có uy tín, kinh nghiệm và hiểu rõ văn hóa, phong tục của đồng bào dân tộc để vận động phát triển sản xuất, gìn giữ bản sắc văn hóa.


Bài và ảnh: Nguyên Lý

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN