Tín dụng chính sách góp lực để Đà Nẵng vươn mình

Sau 49 năm được giải phóng, 27 năm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng đã vươn mình trở thành đô thị hiện đại, văn minh, đạt nhiều thành tựu nổi bật. Trong đó có việc thực hiện thành công chương trình giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống nhân dân. Đến nay, toàn thành phố chỉ còn gần 4.200 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,39% trong tổng số 300.000 hộ dân, sinh sống tại 6 quận và 2 huyện.

Chú thích ảnh
Thành phố Đà Nẵng.

Thành quả đó phản ánh sự nỗ lực và quyết tâm của toàn Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Đà Nẵng, khẩn trương khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục sản xuất, kinh tế có bước phát triển vượt bậc. Đặc biệt, địa phương đã triển khai thực hiện mạnh mẽ, hiệu quả những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về an sinh xã hội, trong đó có Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội”.

Chú thích ảnh

Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) TP Đà Nẵng, ông Đoàn Ngọc Chung, cho biết: Điểm thuận lợi nhất trong quá trình thực hiện Chỉ thị là đơn vị được các cấp ủy, chính quyền địa phương thường xuyên quan tâm, chú trọng công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện về mọi mặt cho hoạt động tín dụng chính sách, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát vốn tín dụng chính sách đến đúng từng địa chỉ, từng đối tượng thụ hưởng.

Chú thích ảnh
Giám đốc NHCSXH TP Đà Nẵng, ông Đoàn Ngọc Chung, phát biểu tại cuộc họp Ban đại diện HĐQT NHCSXH Đà Nẵng quý II/2024.

UBND thành phố chỉ đạo ngành tài chính tham mưu, ưu tiên bổ sung nguồn vốn cho NHCSXH, để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Mặt khác, còn dành sự hỗ trợ kinh phí ngân sách trang bị, mua sắm phương tiện, máy móc phục vụ công tác, góp phần nâng cao hiệu quả, năng lực hoạt động của tín dụng chính sách.

Chú thích ảnh
Cán bộ tín dụng NHCSXH Đà Nẵng thăm hộ vay vốn để phát triển sản xuất.

Hầu hết UBND quận, huyện, hàng năm đều trích ngân sách chuyển sang NHCSXH để cho vay các đối tượng chính sách đặc thù tại địa bàn. Mặt trận Tổ quốc tỉnh cũng phối hợp với NHCSXH, vận động các nguồn lực từ cuộc vận động vì người nghèo để bổ sung nguồn vốn cho tín dụng chính sách.

Từ sự quan tâm giúp đỡ đó, mà các nguồn lực tài chính ở Đà Nẵng từ ngân sách Nhà nước, được quy về một đầu mối, chuyển sang NHCSXH quản lý, sử dụng theo quy định hiện hành. Nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW đến ngày 30/6/2024 đạt 2.113,95 tỷ đồng (trong đó: Thành phố tăng 2.102,6 tỷ đồng, huyện Hòa Vang tăng 11,3 tỷ đồng), nâng tổng nguồn vốn nhận ủy thác của địa phương đến ngày 30/6/2024 đạt 2.204,56 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 44%, góp lực đưa tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đạt 5.022,72 tỷ đồng, tăng 3.802 tỷ đồng so với 10 năm trước.

Chú thích ảnh
Cán bộ tín dụng NHCSXH Đà Nẵng thăm hộ vay vốn để phát triển sản xuất.

Việc huy động sự đóng góp của các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp và các cá nhân bổ sung nguồn vốn cho tín dụng chính sách xã hội chủ yếu qua hình thức gửi tiết kiệm của các tổ chức, cá nhân. Số dư huy động tiền gửi của tổ chức, cá nhân đến ngày 30/6/2024 cũng đạt 202,25 tỷ đồng, tăng 194,78 tỷ đồng so với năm 2014.

Chú thích ảnh
Cán bộ tín dụng NHCSXH Đà Nẵng thăm hộ vay vốn để phát triển sản xuất.

Hiện tại, thành phố đang triển khai thực hiện 26 chương trình tín dụng (14 chương trình tín dụng chính sách của Trung ương và 12 chương trình tín dụng chính sách địa phương quy định). Tổng doanh số cho vay từ đầu năm 2014 đến nay đạt 11.090,55 tỷ đồng.

Với 247,164 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn; doanh số thu nợ đạt 7.718,04 tỷ đồng.

Đến ngày 30/6/2024, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 5.011,73 tỷ đồng, tăng 3.794,70 tỷ đồng so năm 2014, với 85,919 hộ nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ, bình quân một hộ dư nợ đạt 58,33 triệu.

Những năm qua, ngay cả giữa lúc dịch bệnh COVID-19 bùng phát lan rộng, nguồn vốn chính sách vẫn được khơi thông, chảy đều khắp thành phố bên sông Hàn. NHCSXH nơi đây vẫn luôn bền bỉ chủ động trong việc huy động nguồn vốn, thực hiện phương châm “giao dịch tại nhà, giải ngân tại xã”; tăng cường biện pháp ứng phó trước những khó khăn về thiên tai, dịch bệnh và tích cực giúp người dân vay vốn thuận lợi để khôi phục, phát triển sản xuất.

Từ nông thôn đến thành thị ở thành phố Đà Nẵng ngày nay người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, có đủ điều kiện đều được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng chính sách. Không người nghèo nào bị lãng quên, bị bỏ lại phía sau.

Gia đình ông Võ Ngọc Minh, ngụ xã Hoà Nhơn, huyện Hòa Vang, đã đổi đời nhờ nguồn vốn chính sách. Từ gần 80 triệu đồng vay của NHCSXH huyện (vay hai lần), gia đình đã tập trung đầu tư nuôi bò vỗ béo và chăm sóc đàn gà đẻ trứng, lợn nái... từ đó mang lại nguồn thu khá, thoát nghèo. Từ nguồn thu này, gia đình mở cửa hàng mua bán vật tự thức ăn gia súc, thuốc thú y, phục vụ bà con thôn xóm.

Gia đình chị Nguyễn Thị Dục, cư trú tại tổ 11, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, thuộc diện giải tỏa, di dời đến đây; ngoài đất tái định cư, tiền nhận đền bù di dời, chị còn mạnh dạn vay 300 triệu đồng của chương trình tín dụng ưu đãi dành cho hộ gia đình, cá nhân thuộc diện giải tỏa, di dời để làm nhà ở an cư lạc nghiệp theo quyết định mới, đặc thù riêng của thành phố Đà Nẵng.

Trong vòng 9 tháng, chị Dục đã xây được căn nhà kiên cố, khang trang, thực hiện ước vọng “an cư lạc nghiệp”, đồng thời mở xưởng may, thêu ren tại nhà, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho bản thân và 3 chị em trong khu phố.

Bí thư Đảng ủy phường An Khê, quận Thanh Khê, bà Hoàng Thị Thúy Loan, cho biết: Việc đưa Chỉ thị 40 của Ban Bí thư TW Đảng vào cuộc sống, cùng việc thực hiện nâng chuẩn hộ nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, đòi hỏi phải tập trung huy động nguồn lực, trong đó lấy nguồn vốn tín dụng chính sách làm nòng cốt. Chính sự chuyển biến về nhận thức và hành động đó đã giúp công tác giảm nghèo được triển khai thực chất hơn, đồng thời loại bỏ tư tưởng “giấu nghèo” vì chạy theo căn bệnh thành tích. Nhờ vậy, nguồn vốn chính sách trên địa bàn phường An Khê không chỉ tăng nhanh, mà hiệu ứng của đồng vốn vay cũng phát huy, hỗ trợ đắc lực thực hiện Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững và xây dựng đô thị văn minh, tiên tiến.

Hiệu quả từ nguồn vốn tín dụng chính sách đã được các cấp ủy, chính quyền, các tầng lớp Nhân dân Đà Nẵng ghi nhận. NHCSXH trên mảnh đất này thực sự trở thành công cụ hữu hiệu trong thực hiện công cuộc giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội.

Cuộc hành trình đầy gian khó nhưng những người làm tín dụng chính sách luôn đoàn kết vượt qua, bền bỉ, năng động giúp dân giảm nghèo, thoát nghèo bền vững, dựng xây đời sống mới.

Theo đó, giai đoạn 2014-2024, NHCSXH đã giải ngân 11.090,55 tỷ đồng, thu nợ 7.1178,04 tỷ đồng; hoạt động tín dụng chính sách của NHCSXH đã giúp 247,164 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn NHCSXH.

Nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách, đã  góp phần giúp Đà Nẵng hoàn thành Đề án giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 trước 2 năm, với 20.293 hộ thoát nghèo (có 6.514 hộ nghèo theo chuẩn Trung ương); tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho 140.400 lao động; 10.946 học sinh, sinh viên được vay vốn để trang trải chi phí học tập; cho vay xây dựng, nâng cấp, cải tạo 49.795 công trình nước sạch, công trình vệ sinh môi trường mới; giúp người dân trên địa bàn huyện Hòa Vang có nguồn vốn để xây dựng hệ thống cấp nước sạch, hệ thống thoát nước và hệ thống vệ sinh trong nhà đảm bảo an toàn về sức khỏe và phòng, chống ô nhiễm môi trường nông thôn, góp phần vào việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện…

Hiện tại, Đà Nẵng phấn đấu đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế xã hội, mục tiêu cuối năm 2025 sẽ không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của thành phố. Trên hành trình này, NHCSXH với sự bền bỉ trọn vẹn đồng hành cùng người nghèo và các đối tượng chính sách khác, sẽ tiếp tục tham gia tích cực, làm trụ cột trong hành trình vì công bằng, an sinh xã hội. Đó là phương châm hành động của những người làm tín dụng chính sách cả nước nói chung, thành phố Đà Nẵng nói riêng.

Đông Dư
Vốn tín dụng chính sách xã hội góp phần quan trọng trong giảm nghèo đa chiều, bền vững
Vốn tín dụng chính sách xã hội góp phần quan trọng trong giảm nghèo đa chiều, bền vững

Qua 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, đã có hơn 21 triệu hộ được vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất-kinh doanh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN