Tết năm nay, thực hiện chủ trương hạn chế đi lại để phòng chống dịch COVID-19 của Chính phủ nên lượng khách du lịch đến thành phố Đà Nẵng giảm mạnh, chỉ còn người Đà Nẵng về sum họp bên nhau đón Tết. Trên các trục đường trung tâm thành phố như Bạch Đằng, Trần Phú, Nguyễn Văn Linh, Võ Nguyên Giáp... người dân tranh thủ đi mua sắm cuối năm, dạo ngắm đường hoa rồi tất bật thu xếp nốt những công việc còn dang dở để về nhà cúng Giao thừa.
Lĩnh vực kinh tế trọng điểm của Đà Nẵng, cũng là lĩnh vực bị thiệt hại nhiều nhất sau các đợt cao điểm chống dịch vừa qua là ngành du lịch - dịch vụ. Ông Nguyễn Đức Quỳnh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, Phó Chủ tịch thường trực Hội Khách sạn Đà Nẵng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Khu du lịch Bắc Mỹ An chia sẻ, mong muốn lớn nhất là dịch bệnh COVID-19 sẽ hoàn toàn được chế ngự trên toàn thế giới. Năm Canh Tý vừa qua đã khiến nhiều thành tựu của các doanh nghiệp Hàng không, Lữ hành và Lưu trú trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, nhiều doanh nghiệp phải quay trở lại vạch xuất phát.
Hiện nay, các doanh nghiệp du lịch tại Đà Nẵng đang mang tâm thế của những người khởi nghiệp, chỉ khác là đã có những nền tảng vững chắc hơn trước bởi sự ủng hộ của các cấp quản lý, bởi các cơ sở hạ tầng dịch vụ đã được xây dựng trong suốt thập kỷ qua, bởi kinh nghiệm và một nghị lực để sẵn sàng đón nhận những thách thức.
“Chúng tôi mong muốn trong năm Tân Sửu 2021, với một nhiệm kỳ tràn đầy sức trẻ và đổi mới của lãnh đạo Đà Nẵng, thành phố sẽ tạo dựng được một cơ cấu cung ứng sản phẩm và nguyên liệu đầy đủ và chủ động hơn cho ngành du lịch, đa dạng thêm các lĩnh vực kinh tế, tạo ảnh hưởng tốt trực tiếp và gián tiếp tới các doanh nghiệp du lịch.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp du lịch tiếp tục được hỗ trợ về nguồn vốn, đơn giá thuê đất được điều chỉnh phù hợp với tình trạng mới, giá điện nước và các chi phí vận hành doanh nghiệp được giảm bớt; nguồn nhân lực cho ngành du lịch được duy trì và củng cố bằng các chính sách hỗ trợ cho các trường đào tạo và các khoá đào tạo chuyên sâu về quản lý doanh nghiệp.
Năm Tân Sửu cũng là năm khởi đầu cho việc chuyển đổi số ngành du lịch, chúng tôi mong muốn Đà Nẵng tiếp tục giữ vị trí hàng đầu về chuyển đổi số trong các lĩnh vực công, các cơ sở văn hoá, các điểm tham quan và danh lam thắng cảnh. Đồng thời thành phố tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch chuyển đổi số được toàn diện, thích ứng với xu thế của đất nước và quốc tế”, ông Nguyễn Đức Quỳnh chia sẻ.
Trong năm vừa qua lĩnh vực thu hút đầu tư có thể coi là một điểm sáng ấn tượng trong nền kinh tế Đà Nẵng, với 87 dự án FDI, có tổng vốn đăng ký trên 129 triệu USD. Tháng 1 vừa qua, Ban quản lý Khu công nghệ cao thành phố Đà Nẵng đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho cho dự án Nhà máy sản xuất vật liệu bán dẫn United States Enterprises (Mỹ), với tổng vốn đầu tư 110 triệu USD. Trước đó, Nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine của Công ty UAC (Mỹ) với tổng số vốn đầu tư 170 triệu USD cũng đã đi vào hoạt động.
Kỳ vọng cho một năm Tân Sửu thành công hơn nữa, ông Phạm Trường Sơn, Trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao và các Khu công nghiệp thành phố Đà Nẵng cho biết: “Một tin rất vui chúng tôi nhận được ngay trước Tết là Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Trong đó, bổ sung Khu công nghiệp hỗ trợ khu Công nghệ cao Đà Nẵng với quy mô diện tích hơn 58,5 ha. Công nghiệp hỗ trợ là lĩnh vực quan trọng mà các nhà đầu tư rất quan tâm, tìm hiểu. Việc Khu công nghiệp hỗ trợ được hình thành ngay sát khu Công nghệ cao và giải quyết nhanh các nhu cầu cung ứng sẽ là một lợi thế vô cùng to lớn để xúc tiến thu hút đầu tư trong tương lai. Tôi kỳ vọng sau khi hình thành, khu công nghiệp hỗ trợ này sẽ giúp Đà Nẵng thực sự trở thành một “tổ ấm” thu hút các “đại bàng” công nghệ cao trên toàn thế giới.”
Còn với các gia đình người dân thành phố Đà Nẵng, ở nhà đón Tết vừa giúp phòng chống dịch hiệu quả, vừa là một dịp để cả nhà cùng nhau quây quần đầm ấm.
Có mặt tại gia đình Nghệ sỹ ưu tú Đỗ Linh (nghệ sỹ thuộc Nhà hát Trưng Vương, thành phố Đà Nẵng), một giọng ca Bài chòi nổi tiếng cả nước, chúng tôi cảm nhận được không khí Tết cổ truyền đậm đà hương sắc miền Trung. Ông trang trí phòng khách ấn tượng: trên bàn có cây Mai, cành Đào, trên tường treo đầy những nhạc cụ dân tộc, giữa nhà là một chiếc trống hội... Bên cành hoa xuân, Nghệ sỹ ưu tú Đỗ Linh ngồi đàn ca cùng con trai, con gái, cũng là người những nghệ sỹ đang nối nghiệp cha.
Theo Nghệ sỹ ưu tú Đỗ Linh, Tết là ở trong lòng, chứ không quan trọng khoảng cách: “Tôi còn gia đình con gái ở Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng đã động viên cháu năm nay không về ăn Tết nữa, mà nghiêm túc ở lại phòng chống dịch. Nhân dịp năm mới, tôi cũng mong muốn dịch bệnh COVID-19 sớm kết thúc trên toàn thế giới. Nhân dân cả nước và thành phố Đà Nẵng sẽ sớm trở lại với cuộc sống bình thường, khôi phục và phát triển kinh tế, tiếp tục xây dựng những giá trị văn hóa, văn nghệ trong thời kỳ mới!”
Ven bờ sông Hàn, trời càng tối cũng là lúc dòng người càng hối hả hơn để về nhà, trên xe là những cặp bánh chưng, cành hoa, trái cây để kịp cúng Giao thừa. Trên những chiếc khẩu trang là những đôi mắt tràn đầy sự tin tưởng, lạc quan, kỳ vọng vào một năm mới sạch bóng dịch bệnh, ấm no, sung túc.