Khát vọng từ thành phố động lực khu vực miền Trung - Tây Nguyên

Giai đoạn 2015-2020 là thời kỳ khá nhiều “sóng gió” đối với TP Đà Nẵng khi có nhiều sự cố liên quan đến một số cán bộ chủ chốt bị kỷ luật, tình hình dịch COVID-19 bùng phát, diễn biến phức tạp... Tuy nhiên, với những nỗ lực của lãnh đạo thành phố cũng như sự đồng thuận của người dân, Đà Nẵng đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Đà Nẵng lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2015 - 2020, trong bối cảnh tình hình quốc tế, đất nước có nhiều diễn biến khó lường, phức tạp, với ý chí và khát vọng vươn lên, quyết tâm xây dựng Đà Nẵng giàu đẹp, an bình, văn minh, hiện đại, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đã không ngừng nỗ lực, phấn đấu đạt được những thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí là thành phố động lực khu vực miền Trung - Tây Nguyên. 

Chú thích ảnh
Thành phố Đà Nẵng hôm nay. Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN

Thành tựu từ 3 hướng đột phá chiến lược kinh tế - xã hội

Nhiệm kỳ 2015-2020 chứng kiến tình hình kinh tế - xã hội thế giới, khu vực và trong nước với nhiều diễn biến phức tạp, nhất là ảnh hưởng toàn cầu của đại dịch COVID-19 từ đầu năm 2020. Cùng với sự chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Trung ương, Đảng bộ, chính quyền và người dân thành phố Đà Nẵng đã tập trung phát triển thành phố theo 3 hướng đột phá chiến lược kinh tế - xã hội, quyết liệt thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh... Đà Nẵng luôn nằm trong nhóm 5 địa phương dẫn đầu bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh của các tỉnh, thành phố (PCI); 11 năm liên tiếp dẫn đầu cả nước về chỉ số sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin (ICT Index); liên tục được xếp trong nhóm đứng đầu bảng xếp hạng cải cách hành chính. Kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2015-2019 duy trì ổn định và phát triển tương đối toàn diện, đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Năm 2020, thành phố đã thực hiện tốt “nhiệm vụ kép”, vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Có thể nói, giai đoạn 2015-2020 là thời kỳ khá nhiều “sóng gió” đối với thành phố trẻ Đà Nẵng khi có nhiều sự cố liên quan đến một số cán bộ chủ chốt bị kỷ luật, tình hình dịch COVID-19  bùng phát và diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, với những nỗ lực không mệt mỏi của lãnh đạo thành phố cũng như sự đồng thuận của người dân, Đà Nẵng đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP giai đoạn 2016 - 2019 tăng bình quân khoảng 7,5%/năm, quy mô GRDP năm 2019 ước đạt khoảng 110.792 tỷ đồng, gấp 1,5 lần so với năm 2015.

Các sự kiện lớn mang tầm quốc tế được thành phố đăng cai tổ chức thường xuyên, từng bước hình thành thành phố “sự kiện”. Năm 2017, Tuần lễ Cấp cao APEC-2017 tổ chức tại Đà Nẵng, với sự tham gia của lãnh đạo 21 nền kinh tế và các doanh nghiệp hàng đầu thế giới, thu hút hơn 10.000 đại biểu. Việc tổ chức thành công toàn diện Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 và các sự kiện lớn khác của thành phố trong những năm qua (Lễ hội pháo hoa quốc tế, Cuộc thi Marathon Quốc tế, Hội nghị thượng đỉnh Thành phố thông minh…) cho thấy khả năng đáp ứng các điều kiện về nhân lực, hạ tầng và sẵn sàng tổ chức các sự kiện mang tầm quốc tế của Đà Nẵng. Các sự kiện đã để lại ấn tượng sâu sắc về hình ảnh thành phố Đà Nẵng năng động, thanh bình, mến khách, mở ra nhiều cơ hội mới cho đầu tư phát triển thành phố trong những năm tới. 

Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh cho biết: Với những nỗ lực của mình, hiện Đà Nẵng là địa phương duy nhất có hai khu Công nghệ thông tin tập trung được công nhận; từng bước giữ vai trò là đầu tàu của khu vực miền Trung về phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, thu hút được một lực lượng đáng kể nguồn nhân lực chất lượng cao cho thành phố. Đà Nẵng đã phê duyệt Quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng logistics đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; làm việc với các bộ, ngành Trung ương xúc tiến đầu tư các dự án xây dựng cảng Liên Chiểu, hàng lang kinh tế Đông Tây 2 (Quốc lộ 14D), Quốc lộ 14G, di dời ga đường sắt; phối hợp đẩy nhanh tiến độ triển khai hoàn thành các dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đường Hồ Chí Minh (đoạn La Sơn - Túy Loan), góp phần hỗ trợ, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa của thành phố và các tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Các chính sách an sinh, phúc lợi xã hội mang đậm tính nhân văn được duy trì triển khai thực hiện, đặc biệt là những chủ trương lớn với các chương trình “Thành phố 5 không”, “Thành phố 3 có”, “Thành phố 4 an” nhằm hướng đến các mục tiêu an sinh bền vững. Ước tính đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo còn sức lao động chuẩn mới theo hướng tiếp cận đa chiều giảm còn 2,04% (tương ứng 6.125 hộ), giảm bình quân 1,13%/năm.

Khát vọng vươn lên

Ngày 24/1/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với nhiều kỳ vọng cho thành phố và yêu cầu phát triển rất cao cho chặng đường tới. Mục tiêu đến năm 2030 là xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á, với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ; là một trong những trung tâm văn hóa - thể thao, giáo dục - đào tạo, y tế chất lượng cao, khoa học - công nghệ phát triển của đất nước; trung tâm tổ chức các sự kiện tầm khu vực và quốc tế.

Đà Nẵng hướng đến là thành phố cảng biển, đô thị biển quốc tế với vị trí là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên; trở thành đô thị sinh thái, hiện đại và thông minh, thành phố đáng sống, có tổ chức Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh, chính quyền tiên phong trong đổi mới và phát triển. Người dân có mức sống thuộc nhóm địa phương dẫn đầu cả nước với chất lượng cuộc sống tốt, thân thiện, hạnh phúc và sáng tạo. Quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc.

Tuy nhiên, thành phố cũng phải đối diện với nhiều thách thức về năng lực cạnh tranh, chất lượng tăng trưởng, quy mô kinh tế còn nhỏ…; thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt đại dịch COVID-19 đã tác động lớn đến kinh tế - xã hội thành phố và khả năng còn kéo dài trong những năm đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025… Điều này đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố phải nỗ lực phấn đấu hơn nữa trong việc xây dựng và triển khai các kịch bản, giải pháp khôi phục, tăng trưởng kinh tế; đồng thời đảm bảo an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội, vững vàng đưa thành phố phát triển đi lên nhanh và mạnh hơn, vững chắc hơn.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa cho biết: Những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ 2015 - 2020 là sự quyết tâm, nỗ lực rất lớn của các cấp ủy Đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị thành phố, đó là sự “chung lưng đấu cật”, đồng lòng của người dân trong những thời điểm thành phố gặp khó khăn nhất. Người dân Đà Nẵng luôn luôn có khát vọng vươn lên, có niềm tự hào về quê hương Đà Nẵng anh hùng, luôn “kề vai, sát cánh”, đồng thuận trong việc triển khai thực hiện các chủ trương vì sự phát triển chung của thành phố.

Đà Nẵng đặt mục tiêu tốc độ tăng bình quân GRDP (giá so sánh 2010) giai đoạn 2020-2025 đạt khoảng 9-10%. Trong đó, cụm ngành công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ công nghệ thông tin và kỹ thuật số được kỳ vọng tăng trưởng nhanh và chiếm khoảng 10-15% GRDP của thành phố. Lĩnh vực mũi nhọn là du lịch và dịch vụ chất lượng cao gắn với bất động sản nghỉ dưỡng; cảng biển, hàng không gắn với dịch vụ logistics. Trong đó, phấn đấu cụm ngành du lịch chiếm khoảng 20%, cụm ngành logistics chiếm khoảng 15% GRDP của thành phố, góp phần phục hồi vị thế của khu vực dịch vụ sau đại dịch COVID-19, duy trì tốc độ tăng trưởng trên 8,5%.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh chia sẻ: Thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, hướng đến xây dựng “thành phố đáng sống”, Đà Nẵng ưu tiên nguồn lực phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo; kiện toàn, nâng cao chất lượng hệ thống y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn và chủ động kiểm soát, ứng phó kịp thời với các dịch bệnh. Thành phố chú trọng xây dựng môi trường văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao lành mạnh; nếp sống văn hóa, văn minh đô thị giàu tính nhân văn, sáng tạo, thông minh, bền vững; hoàn thiện hệ thống các chính sách giúp người nghèo tiếp cận với các dịch vụ xã hội, phát triển hệ thống dịch vụ trợ giúp xã hội…

Với những nỗ lực không mệt mỏi, cố gắng bền bỉ của lãnh đạo thành phố cũng như sự chung sức, chung lòng của nhân dân, chúng ta có thể tin tưởng, Đà Nẵng sẽ tiếp tục kế thừa và phát huy những ưu điểm, khắc phục hạn chế, khó khăn, tiếp tục lãnh đạo đẩy mạnh toàn diện công cuộc xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trở thành trung tâm kinh tế - xã hội lớn, đô thị sinh thái, hiện đại, thông minh và đáng sống.

Hà Quảng (TTXVN)
Sôi nổi các ý kiến thảo luận đóng góp vào Dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng
Sôi nổi các ý kiến thảo luận đóng góp vào Dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng

Chiều 15/10, tiếp tục chương trình Đại hội Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, các đại biểu tiến hành thảo luận tại tổ các Dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng và Dự thảo văn kiện Đại hội lần thứ XI của Đảng bộ Thành phố.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN