Kết hợp tài chính với du lịch
Những năm qua, nhiều danh hiệu bình chọn quốc tế đã được trao cho Đà Nẵng như: "Sân bay có dịch vụ tốt nhất thế giới"; "Một trong 20 thành phố sạch nhất thế giới"; "Bãi biển quyến rũ nhất hành tinh"; "Địa điểm du lịch mới hấp dẫn nhất hành tinh", "Top 10 thành phố tốt nhất để sinh sống và đầu tư"... Thành phố cũng có sẵn quỹ đất sạch nằm ngay sát biển sẽ được thiết kế chức năng hỗn hợp để hình thành một điểm nhấn kiến trúc mang tính biểu tượng cho trung tâm tài chính.
Theo Giám đốc Sở Tài chính Đà Nẵng Nguyễn Văn Phụng, các nhà đầu tư lớn từ Mỹ và Singapore đều rất quan tâm đến lợi thế này. Đà Nẵng có thể trở thành trung tâm tổ chức sự kiện giao lưu, hợp tác giữa các tổ chức tài chính quốc tế, cung cấp các dịch vụ nghỉ dưỡng, hội nghị, giải trí, tiện ích đẳng cấp cho các nhà đầu tư và khách du lịch đến Đà Nẵng sống, làm việc, giao lưu, hưởng thụ và thưởng ngoạn.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đức Quỳnh, Chủ tịch Hội Khách sạn thành phố Đà Nẵng, Tổng giám đốc Quần thể Du lịch Quốc tế Ariyana - Furama Đà Nẵng cho rằng, việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế bao gồm dịch vụ hội nghị, giải trí, nghỉ dưỡng chất lượng cao là một lợi thế lớn của Đà Nẵng.
Về hệ thống giao thông vận tải, Đà Nẵng có thuận lợi về các phương tiện vận chuyển bao gồm: hàng không, đường sắt, đường biển, và nhiều tuyến cao tốc. Trong tương lai, sân bay Đà Nẵng được nâng công suất có thể đón 20 triệu khách mỗi năm. Các chuyến bay thẳng tới hầu hết các nước trong khu vực cũng như nói chuyến tới các điểm đến châu Âu, Australia, Mỹ cũng là một điểm thuận lợi cho các sự kiện MICE (du lịch hội nghị) quốc tế.
Hiệp hội Du lịch thành phố Đà Nẵng và các doanh nghiệp đã nỗ lực, hợp tác với các trường nghề mang đến các chương trình đào tạo, cơ hội thực hành, tiếp xúc với công việc thực tế cho sinh viên ngay từ những năm học đầu tiên. Một mặt mạnh nữa của Đà Nẵng là đội ngũ cán bộ từng tổ chức các sự kiện lớn như APEC, chuỗi sự kiện ABAC, các hội nghị ASEAN... đã làm nên tên tuổi của Đà Nẵng trên thị trường du lịch hội nghị quốc tế.
Định hướng phát triển công nghệ tài chính
Lĩnh vực công nghệ tài chính (Fintech) là xu hướng toàn cầu mạnh nhất và nóng nhất của các trung tâm tài chính quốc tế hiện nay. Đà Nẵng sẽ phấn đấu trở thành một trong những trung tâm Fintech của quốc gia, khu vực, gắn với tầm nhìn trở thành một trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo theo Nghị quyết 43/NQ-TW của Bộ Chính trị khóa XII.
Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Văn Phụng cho rằng, thành phố Đà Nẵng là một trong những đô thị có công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ nhất ở Việt Nam. Đây là một trong những yếu tố tiền đề để các hoạt động công nghệ tài chính, công nghệ số trong lĩnh vực tài chính phát triển.
Hiện số doanh nghiệp công nghệ thông tin - truyền thông tại Đà Nẵng là 2,1 trên 1.000 dân, chỉ xếp sau Tp. Hồ Chí Minh và chiếm 5,5% số doanh nghiệp của Việt Nam. Đối với hạ tầng về công nghệ thông tin, thành phố cũng đã đặt mục tiêu đến năm 2030 phủ sóng thông tin di động 5G và các công nghệ tiếp theo trên địa bàn toàn thành phố; đồng thời thu hút các tập đoàn công nghệ hàng đầu trong và ngoài nước đầu tư các trung tâm kết nối, lưu trữ và xử lý dữ liệu số, trung tâm dữ liệu...
Về hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, thành phố đã ban hành "Đề án xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên". Đà Nẵng hiện có 6 vườn ươm doanh nghiệp, 2 không gian sáng tạo, 9 không gian làm việc chung. Trong 3 năm qua Đà Nẵng đã ươm tạo được 137 doanh nghiệp/dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hình thành khoảng 50 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo...
Phó giáo sư, Tiến sỹ Võ Thị Thúy Anh, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) cũng cho rằng, lĩnh vực công nghệ tài chính, đổi mới sáng tạo sẽ là cơ hội bứt phá cho trung tâm tài chính Đà Nẵng. Lĩnh vực Fintech mới phát triển bùng nổ trong vài năm nay, nhưng rất rộng, bao gồm toàn bộ các hoạt động giao thoa công nghệ, tài chính và đổi mới sáng tạo. Phát triển Fintech sẽ giúp Đà Nẵng có thể đi tắt đón đầu, cạnh tranh với các trung tâm tài chính sẵn có của khu vực và trên thế giới.
Trước xu thế của thế giới, từ khoảng 10 năm nay, trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) đã đào tạo nhân lực phục vụ các ngành lĩnh vực tài chính, công nghệ như: thương mại điện tử, kinh doanh số, phân tích dữ liệu, công nghệ tài chính... Chỉ tiêu tuyển sinh của các ngành trên lên đến hàng nghìn sinh viên, chiếm khoảng 1/3 chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm. Nhà trường cũng chú trọng đào tạo về ngoại ngữ, liên kết quốc tế, tổ chức các hoạt động bồi dưỡng kỹ năng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho sinh viên. Việc này nhằm đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố, nhất là trên lĩnh vực dịch vụ tài chính gắn với lộ trình phát triển của trung tâm tài chính quốc tế Đà Nẵng.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh, trong bối cảnh quốc tế có nhiều biến động và sự bùng nổ của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các trung tâm tài chính toàn cầu bị tác động mạnh mẽ, việc tận dụng cơ hội, tranh thủ hình thành trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam lúc này là nhiệm vụ quan trọng mà Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ đặc biệt quan tâm.
Trước tình hình đó, việc tìm hướng đi xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế của Việt Nam; trong đó, có hình thành Trung tâm tài chính quy mô khu vực tại thành phố Đà Nẵng là hoàn toàn phù hợp với mục tiêu của Đảng và khát vọng phát triển của dân tộc để đến năm 2045, Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, có thu nhập cao và đồng thời góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết 43-NQ/TW của Bộ Chính trị.