Qua bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và với thực tiễn tại thành phố Đà Nẵng, ông có thể cho biết quá trình phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân trên địa bàn trong thời gian qua?
Để đánh giá quá trình phát triển kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng trong giai đoạn vừa qua, tôi có thể đưa ra một số con số cụ thể, cho đến năm 2019, quy mô GRDP thành phố vẫn tăng bình quân 7,3%/năm cho giai đoạn 2016-2019, cao gấp 1,5 lần so với năm 2015. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng bình quân 16,4%/năm cho giai đoạn 2016-2019, trong đó thu nội địa không kể đất tăng 18,4%, đây là mức tăng khá bền vững trong thời gian qua và đạt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXI.
Dịch vụ du lịch tiếp tục là ngành kinh tế mũi nhọn của Đà Nẵng, có khả năng cạnh tranh quốc tế; dịch vụ bưu chính - viễn thông, công nghệ thông tin của thành phố phát triển mạnh; hạ tầng công nghệ thông tin - truyền thông được đầu tư đồng bộ, hiện đại và nâng cấp thường xuyên. Giá trị tăng thêm của ngành thông tin truyền thông giai đoạn 2015 - 2020 tăng bình quân 8,2%/năm, mỗi năm đóng góp 24,6% vào mức tăng trưởng GRDP toàn thành phố. Đà Nẵng dẫn đầu cả nước trong 11 năm liền về Chỉ số sẵn sàng ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin (2009-2019).
Kinh tế biển và cảng biển có bước phát triển, hạ tầng kỹ thuật được đầu tư xây dựng và khai thác hiệu quả. Dự án mở rộng cảng Tiên Sa giai đoạn 2 được hoàn thành, nâng năng lực bốc dỡ lên 10 - 12 triệu tấn/năm vào năm 2020; sản lượng hàng hóa qua cảng ước đạt 43,1 triệu tấn, tăng bình quân 9,3%/năm.
Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản có những bước phát triển quan trọng, đang tiến đến một nền nông nghiệp hàng hóa, kỹ thuật tiên tiến, đa ngành và tăng trưởng ổn định. Lĩnh vực nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tái cơ cấu sản xuất, phát triển sản phẩm chủ lực, đặc trưng, phục vụ du lịch và đô thị. Chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai tích cực, tạo chuyển biến trong phát triển kinh tế nông thôn, có toàn bộ 11 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2015-2020; tỷ lệ che phủ rừng đạt 47%, cao hơn 5% so với cả nước.
Chương trình “Không có hộ đặc biệt nghèo” gắn với Chỉ thị 24-CT/TU của Thành ủy Đà Nẵng là nền tảng để huy động toàn xã hội vào cuộc, tạo nguồn lực to lớn thực hiện có kết quả nhiều chương trình, chính sách giảm nghèo. Thành phố đã nâng chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020 cao hơn mức của Trung ương và bằng nhiều giải pháp đã giải quyết tốt các chính sách xã hội, về đích trước 2 năm (2018); năm 2019 tiếp tục nâng chuẩn mới, thực hiện tiêu chí đa chiều và tăng thêm tiêu chí về việc làm so với Trung ương. Đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo theo hướng tiếp cận đa chiều của thành phố giảm còn 2,04%.
Thành phố tiếp tục phát huy những thành quả của các chương trình “5 không”, “3 có”, Chương trình “An sinh xã hội” thuộc Chương trình thành phố “4 an” đã thực sự thúc đẩy và bổ sung các chính sách an sinh xã hội đồng bộ, đạt hiệu quả cao. Thành phố đã triển khai có hiệu quả việc huy động nhiều nguồn lực xây dựng chung cư, nhà ở xã hội để bố trí cho các hộ chính sách, hộ nghèo chưa có chỗ ở ổn định, các hộ tái định cư, đối tượng hưởng lương từ ngân sách; khuyến khích đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp và ký túc xá sinh viên. Thành phố kịp thời hỗ trợ giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền lợi của người lao động. Đà Nẵng tiếp tục thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm cho người trong độ tuổi lao động, qua đó khẳng định đây là chính sách trụ cột của hệ thống an sinh xã hội.
Chất lượng công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân được nâng lên đáng kể. Thành phố đã tập trung xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo hệ thống các bệnh viện chuyên khoa, đa khoa và trung tâm y tế, trạm y tế; đầu tư phát triển dịch vụ y tế chuyên sâu, từng bước hội nhập với khu vực và quốc tế; giảm tỷ lệ chuyển bệnh nhân đi tuyến trên và ra nước ngoài điều trị. Thành phố triển khai đồng bộ các chương trình mục tiêu y tế quốc gia; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế trên địa bàn đạt 98,8%. Lĩnh vực y tế dự phòng được đầu tư nâng cấp, mở rộng, chủ động triển khai tốt công tác dự báo và thực hiện tốt các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là trong đại dịch COVID-19.
Việc đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, với các đột phá chiến lược, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Đà Nẵng đã đạt được những thành tựu như thế nào và bài học rút ra là gì, thưa ông?
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp, thực hiện từng bước, căn bản việc chuyển đổi các ngành, lĩnh vực có giá trị gia tăng thấp sang những ngành, lĩnh vực có giá trị cao đã tạo ra một số kết quả khả quan. Kinh tế duy trì được nhịp độ tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; chất lượng tăng trưởng một số mặt được cải thiện. Ba đột phá về kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội XXI của thành phố đạt kết quả rõ nét trên một số lĩnh vực. Ngành dịch vụ dẫn đầu về tỷ trọng; dịch vụ thương mại, thông tin và truyền thông, vận tải, logistics, tài chính, ngân hàng, giáo dục - đào tạo, y tế đều phát triển với tốc độ cao. Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có thương hiệu, có khả năng cạnh tranh quốc tế, Đà Nẵng được biết đến như là một điểm đến hấp dẫn, an toàn, thân thiện. Công nghiệp duy trì mức tăng trưởng khá, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin được chú trọng phát triển. Tiềm năng, thế mạnh kinh tế biển ngày càng được phát huy với vị thế là một trong 3 trụ cột phát triển của Đà Nẵng.
Môi trường đầu tư thông thoáng; hoạt động đối ngoại được mở rộng; các chỉ số về tính hấp dẫn, về tính cạnh tranh địa phương, chỉ số phát triển con người duy trì được trong nhóm các địa phương dẫn đầu của cả nước. Đặc biệt, thành phố đã nỗ lực, bình tĩnh, quyết tâm và có nhiều biện pháp sáng tạo trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, khôi phục kinh tế và đảm bảo đời sống nhân dân.
Qua thực tiễn, có thể thấy rằng việc đánh giá, nhận định đúng, kịp thời tình hình liên quan đến thành phố, nhất là các “điểm nghẽn” cản trở sự phát triển để có những quyết sách và hành động nhanh chóng, quyết liệt, phù hợp; từ đó xác định đúng nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp đột phá để tập trung thực hiện. Trong lãnh đạo, quản lý, điều hành phải mạnh dạn, quyết liệt, hiệu quả và đúng các quy định của pháp luật. Tranh thủ sự ủng hộ của Trung ương, mạnh dạn đề xuất, kiên trì, quyết liệt trong việc đề nghị các cơ chế, chính sách đặc thù để thành phố phát triển nhanh, bền vững. Đầu tư giải quyết những vấn đề có tính cơ bản, lâu dài, đồng thời tập trung giải quyết kịp thời, hiệu quả những vấn đề phức tạp mới nảy sinh theo từng chuyên đề và đối tượng cụ thể. Tăng cường kiểm tra, giám sát thường xuyên, liên tục, kịp thời phát hiện những thiếu sót, sai phạm ngay từ đầu. Lắng nghe ý kiến của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, kịp thời đối thoại và giải quyết hiệu quả các vướng mắc phát sinh từ thực tiễn; tăng cường đồng thuận nhằm thực hiện các nghị quyết, chủ trương, chính sách trên địa bàn thành phố.
Thành phố cần đảm bảo mối tương quan hợp lý, hài hòa giữa tăng trưởng và ổn định trong phát triển kinh tế - xã hội; phải thực sự coi trọng phát triển văn hóa, xã hội và con người tương xứng với phát triển kinh tế; coi giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là nền tảng quan trọng, động lực chủ yếu cho phát triển.
Đà Nẵng xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, phát huy nội lực gắn với tranh thủ nguồn lực bên ngoài đã đạt được những thành tựu gì trong 10 năm qua, thưa ông?
Để thực hiện tốt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa XII), trong đó có Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 3/6/2017 về “Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, Thành ủy Đà Nẵng đã ban hành Chương trình hành động số 13-CTr/TU ngày 5/9/2017 thực hiện các Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa XII), trong đó tập trung tăng cường công tác tư tưởng, nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng, những nội dung cơ bản về chủ trương, giải pháp nêu trong các Nghị quyết, qua đó tạo sự thống nhất triển khai trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phát triển với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, hình thức tổ chức kinh doanh và hình thức phân phối. Trên cơ sở định hướng, khung pháp lý ngày càng được Đảng và Nhà nước đổi mới theo hướng tạo thuận lợi cho việc phát triển nền kinh tế thị trường, giải phóng sức sản xuất, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tạo đà cho tăng trưởng và phát triển kinh tế. Năm 2011, trong tổng GRDP thành phố, kinh tế nhà nước chiếm tỷ trọng 21,2%, kinh tế ngoài nhà nước chiếm 59,2% và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 8%. Đến năm 2020, kinh tế nhà nước ước chiếm 23,8%, kinh tế ngoài nhà nước chiếm 55,8% và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 9,9% tổng GRDP thành phố.
Có thể nhận định, kinh tế nhà nước trong giai đoạn 2011-2020 đóng góp tích cực trong sự phát triển của thành phố, là lực lượng vật chất quan trọng để định hướng, điều tiết nền kinh tế, tạo môi trường và điều kiện thúc đẩy các thành phần kinh tế khác cùng phát triển. Kinh tế tư nhân có vai trò quan trọng, là một trong những động lực phát triển kinh tế, với sự thông thoáng về cơ chế, chính sách phát triển các thành phần kinh tế trong xu thế hội nhập, các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân đã cải thiện quy mô và chất lượng phát triển, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế - xã hội, huy động vốn đầu tư phát triển, giải quyết việc làm… trên địa bàn thành phố. Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài thực sự trở thành bộ phận quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng, là cơ sở để nâng cao độ mở kinh tế thành phố, mở rộng quan hệ hợp tác thương mại, đầu tư với các quốc gia, khu vực và trên thế giới.
Trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của Đà Nẵng thời gian qua mặc dù phát sinh một số vấn đề nổi cộm, phức tạp, gây dư luận không tốt, tác động đến tư tưởng cán bộ, đảng viên và nhân dân cũng như công tác chỉ đạo, điều hành của thành phố, song Đảng bộ thành phố đã thể hiện rõ quyết tâm chính trị, đề ra nhiều chủ trương, biện pháp khắc phục hạn chế, khuyết điểm, tổ chức thực hiện nhiệm vụ công tác xây dựng Đảng đạt những kết quả quan trọng. Phương thức lãnh đạo của Đảng và hoạt động của bộ máy chính quyền hiệu quả hơn; dân chủ, công khai, minh bạch trong lãnh đạo, chỉ đạo được thực hiện tốt hơn. Hệ thống chính trị ngày càng hướng về cơ sở, sâu sát quần chúng, bước đầu tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Công tác vận động quần chúng giúp tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân. Mặt trận và đoàn thể các cấp phát huy tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội. Qua đó, góp phần tạo sự ổn định và phát triển thành phố trong những năm qua; tiếp tục khẳng định Đảng bộ thành phố Đà Nẵng là đảng bộ mạnh, đoàn kết, thống nhất cao; nhân dân Đà Nẵng kiên cường, tự hào và luôn đồng hành với thành phố.
Thành phố đã vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách và có nhiều cách làm mới, sáng tạo phù hợp với thực tiễn để phát huy tối đa nội lực, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư, nhất là các chủ trương, chính sách của Trung ương đối với Đà Nẵng, trong đó chú trọng đầu tư phát triển các ngành kinh tế mới để tìm động lực phát triển mạnh mẽ.
Ông có thể cho biết thời cơ, thách thức, mục tiêu, định hướng và giải pháp thực hiện của Đà Nẵng trong quá trình chủ động, tích cực hội nhập, nâng cao vị thế, uy tín trên trường quốc tế?
Thực hiện Chương trình hành động của Thành ủy Đà Nẵng về việc thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về hội nhập quốc tế, công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế tại thành phố Đà Nẵng đã được đẩy mạnh, không ngừng phát triển. Mục tiêu phát triển kinh tế luôn được quán triệt trong mọi hoạt động đối ngoại của thành phố. Đề án tổng thể “Ngoại giao kinh tế thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2016 - 2020” được UBND thành phố ban hành ngày 25/12/2015 nhằm cụ thể hóa chủ trương, đường lối, mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXI đề ra đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế của thành phố nói chung và công tác đối ngoại, hội nhập kinh tế quốc tế nói riêng. Ngoại giao kinh tế đã thực hiện tốt vai trò hỗ trợ, triển khai các hoạt động kinh tế đối ngoại, phát huy tối đa nội lực của địa phương về vị trí, địa lý, tài nguyên, cơ sở hạ tầng, nhân lực, các lợi thế so sánh thu hút đầu tư trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Ngoại giao kinh tế đã kết hợp hài hòa với ngoại giao chính trị và ngoại giao văn hóa, góp phần mở ra các cơ hội, kết nối đối tác, khai thác thị trường tiềm năng.
Tuy nhiên, Đà Nẵng vẫn tiếp tục đối mặt với những khó khăn, thách thức như: Việc tiếp cận trực tiếp với các đối tác quốc tế có tầm ảnh hưởng lớn còn nhiều hạn chế; việc khảo sát thị trường mới chỉ ở mức độ thăm dò, chưa ổn định; các hoạt động xúc tiến thương mại, du lịch, đầu tư tại thị trường nước ngoài chưa thực sự hiệu quả. Thành phố vẫn chưa phát triển được những mặt hàng xuất khẩu mới, tiềm năng; chưa hình thành trung tâm logistics đủ lớn để hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu. Mặt khác, thành phố vẫn chưa có các dự án đầu tư mới vào sản xuất - xuất khẩu với quy mô lớn, tạo sức bật mạnh mẽ, đáng kể cho hoạt động xuất khẩu…
Trước những thời cơ và thách thức trong giai đoạn mới, công tác ngoại giao kinh tế của Đà Nẵng sẽ tiếp tục bám sát bối cảnh tình hình mới, quán triệt các chủ trương, chính sách quan trọng của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXII để đề ra các kế hoạch dài hạn, phương hướng và trọng tâm ngoại giao kinh tế, phục vụ thiết thực cho phát triển kinh tế - xã hội thành phố. Trong đó tập trung tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo, nắm bắt thông tin về tình hình kinh tế, chính trị thế giới phục vụ việc hoạch định chính sách phù hợp với xu hướng kinh tế toàn cầu, đặc biệt là những xu hướng nổi lên sau đại dịch COVID-19, chuyển dịch đầu tư và chuỗi sản xuất, cung ứng, phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh; bên cạnh đó nghiên cứu các cơ chế hợp tác mới, gắn kết nhuần nhuyễn ba trụ cột ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế và ngoại giao văn hóa, phát huy sức mạnh tổng thể của thành phố; thực hiện các chương trình, đề án của thành phố nhằm triển khai hiệu quả Nghị quyết 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (Khóa XII) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp và phát huy vai trò của doanh nghiệp trong nền kinh tế, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ; chú trọng yêu cầu đối ngoại đa phương trong lĩnh vực kinh tế, bám sát Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 8/8/2018 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030, chương trình, kế hoạch của Thành ủy cũng như UBND thành phố để đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, tham gia thực chất vào các diễn đàn kinh tế khu vực và toàn cầu; chú trọng thu hút đầu tư công nghệ cao, khuyến khích chuyển giao công nghệ; về thương mại, triển khai và tích cực khai thác hiệu quả các FTA thế hệ mới như EVFTA, CPTPP… để hỗ trợ doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Trân trọng cảm ơn ông!