Cuộc thi trực tuyến Tìm hiểu kiến thức chăm sóc mắt học đường vừa được Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) thành phố Đà Nẵng phối hợp với Quỹ Fred Hollows tại Việt Nam, phát động.
Đối tượng cuộc thi trực tuyến lần này hướng tới là các em học sinh tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn huyện Hòa Vang và quận Liên Chiểu (thành phố Đà Nẵng).
Cuộc thi nhằm mục đích tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên, học sinh, phụ huynh học sinh về chăm sóc mắt và phòng tránh suy giảm thị lực; củng cố kiến thức “Chăm sóc mắt và phòng chống mù lòa ở học sinh tiểu học và trung học cơ sở” đã được tích hợp, lồng ghép trong chương trình giáo dục theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và đào tạo.
Đồng thời, tạo sân chơi bổ ích, phát huy khả năng tư duy giúp học sinh nhận diện và phòng tránh các nguy cơ gây ra thương tích và các bệnh lý về mắt; nâng cao tính hiệu quả và đánh giá kết quả triển khai dự án chăm sóc mắt học đường mở rộng.
Học sinh tham gia bằng hình thức trắc nghiệm trực tuyến trên Microsoft Forms; học sinh trả lời 30 câu hỏi trong 30 phút do hệ thống phần mềm cung cấp ngẫu nhiên với nội dung kiến thức chăm sóc mắt và phòng chống suy giảm thị lực cho học sinh được trình bày trong Tài liệu “Chăm sóc mắt và phòng chống mù lòa ở học sinh tiểu học và trung học cơ sở” ban hành theo Quyết định số 1078/QĐ-BGDĐT ngày 29/4/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tập trung vào các nội dung: Cấu tạo và chức năng của đôi mắt; Tật khúc xạ học đường và các biện pháp phòng ngừa; Các bệnh mắt thường gặp ở học sinh; Chấn thương mắt, các biện pháp sơ cứu ban đầu và phòng ngừa và các nội dung liên quan đến chăm sóc mắt khác.
Thời gian chính thức diễn tra Cuộc thi và phần mềm sẽ được mở từ 8 giờ ngày 4/11/2024; đóng, kết thúc Cuộc thi lúc 20 giờ ngày 8/11/2024.
Ban Tổ chức sẽ trao 40 giải cá nhân và 24 giải tập thể cho các trường có tỉ lệ học sinh hưởng ứng tham gia đông nhất.
Theo báo cáo của Bệnh viện Mắt Trung ương, Việt Nam hiện có khoảng 2 triệu người mù và thị lực kém. Các bệnh lý về mắt ngày càng đa dạng, phức tạp, đặc biệt các bệnh lý mắt ở trẻ em như: Chấn thương mắt ở trẻ em, tật khúc xạ, nhược thị, các bệnh lý bẩm sinh như u võng mạc, lác mắt, sụp mi, đục thể thủy tinh bẩm sinh, võng mạc trẻ sinh non…
Đáng chú ý, tật khúc xạ (cận thị, viễn thị, loạn thị) đang ngày càng phổ biến trong thanh thiếu niên, với tỷ lệ mắc khoảng 15-20% ở học sinh nông thôn, 30-40% ở học sinh thành phố. Nếu tính riêng nhóm trẻ từ 6-15 tuổi (lứa tuổi cần ưu tiên được chỉnh kính), cả nước có khoảng gần 15 triệu em, với tỷ lệ mắc các tật khúc xạ khoảng 20%, thì Việt Nam ước tính có 3 triệu em mắc tật khúc xạ cần chỉnh kính, trong đó có tới 2/3 số em bị cận thị.
Bên cạnh các bệnh liên quan đến tật khúc xạ, các bệnh dịch về mắt và các chấn thương mắt hay gặp ở học sinh, đặc biệt là học sinh tiểu học cũng vẫn là những vấn đề cấp bách cần quan tâm giải quyết.
Nhằm đẩy mạnh hơn nữa việc giáo dục, nâng cao nhận thức cho học sinh phổ thông nói chung, học sinh tiểu học nói riêng, tầm quan trọng và các kĩ năng phòng ngừa các bệnh về mắt và các chấn thương mắt, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) phối hợp với Quỹ Fred Hollows (FHF) triển khai Dự án “Mắt sáng học hay”. Tài liệu “Chăm sóc mắt và phòng chống mù lòa” gồm 2 cuốn dành cho học sinh và giáo viên tiểu học nằm trong khuôn khổ các hoạt động của Dự án này.
Tài liệu “Chăm sóc mắt và phòng chống mù lòa” dành cho giáo viên tiểu học được biên soạn nhằm giúp giáo viên tổ chức tốt các hoạt động học tập của học sinh, thực hiện được mục tiêu, nội dung, yêu cầu của Tài liệu “Chăm sóc mắt và phòng chống mù lòa” dành cho học sinh tiểu học. Tài liệu là một công cụ cơ bản để giáo viên thiết kế kế hoạch bài học theo hướng dạy học tích cực, phù hợp đặc điểm đối tượng học sinh và đặc điểm địa phương.
Tài liệu là một phương án gợi ý việc giải quyết một số vấn đề cơ bản về mắt, trên cơ sở đó, giáo viên có thể chủ động điều chỉnh cấu trúc, bổ sung các nội dung, thiết kế các hoạt động dạy - học sao cho phù hợp, hiệu quả.
Mặt khác, trên cơ sở những thông tin của Tài liệu, giáo viên, cùng với nhà trường, phụ huynh có những giải pháp cụ thể nhằm phòng ngừa những bệnh/chấn thương về mắt cho học sinh (điều kiện ánh sáng phòng học, chế độ dinh dưỡng, tư thế ngồi đọc, việc sử dụng các phương tiện điện tử, ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, vui chơi…).