Hội nghị có 12 ý kiến tham luận làm rõ hơn kết quả thực hiện của một số ngành, địa phương.
Phát biểu kết luận, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết đề nghị, các cấp ủy Đảng, chính quyền Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết số 23-NQ/TW; phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”; đồng thời, tiếp tục bám sát các chủ trương, chính sách của Trung ương, Thành ủy về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.
Ông Lương Nguyễn Minh Triết cũng yêu cầu các cấp ủy Đảng cần lấy chất lượng cuộc sống, sự hài lòng và tín nhiệm của nhân dân làm tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng của các chính sách, năng lực, uy tín của mỗi cấp ủy, tổ chức Đảng, hệ thống chính trị các cấp và đội ngũ cán bộ, đảng viên. Mọi chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước phải thực sự là “quyết sách lòng dân”, xuất phát từ lợi ích, nguyện vọng chính đáng của nhân dân; đồng thời phải động viên, tổ chức nhân dân tham gia quá trình thực hiện các chủ trương, chính sách đó một cách hiệu quả nhất.
Cùng với đó, các cấp ủy Đảng cần nâng cao nhận thức một cách sâu sắc, đầy đủ, toàn diện quan điểm của Đảng về đại đoàn kết toàn dân tộc; thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ, thường xuyên tự phê bình và phê bình; tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên gây mất đoàn kết nội bộ. Đồng thời, các đơn vị phải triển khai, thực hiện đảm bảo Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở vừa được Quốc hội khóa XV thông qua ngày 10/11/2022 vừa qua…
Theo báo cáo Thành ủy Đà Nẵng, cái được lớn nhất đối với Đà Nẵng sau 20 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW qua chính là “lòng dân”. Đây chính là nền tảng quan trọng để thành phố xây dựng, ban hành và thực hiện các chính sách phát triển, thay đổi diện mạo thành phố như ngày hôm nay.
Bên cạnh đó, thành phố luôn dựa vào dân để xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và hệ thống chính trị; xây dựng các chính sách đặt người dân là trung tâm, đặt lợi ích nhân dân lên trên hết, với phương châm “Đảng nói - dân tin; Mặt trận, đoàn thể vận động - dân theo; Chính quyền làm - dân ủng hộ”. Nhờ vậy so với năm 1997, quy mô và trình độ nền kinh tế thành phố thuộc nhóm phát triển của Việt Nam, kinh tế tăng trưởng tương đối nhanh. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 1997-2021 của thành phố đạt khoảng 9%/năm, GRDP bình quân đầu người hiện nay gấp hơn 15 lần so với năm 1997; không gian đô thị được mở rộng gấp hơn 3,5 lần so với thời điểm năm 1997. Từ một thành phố chỉ có 360 đường phố, thì hiện nay Đà Nẵng đã có hơn 2.300 con đường.
Ngoài ra, Đà Nẵng luôn xem trọng, cầu thị và tiếp thu ý kiến của nhân dân vào quá trình phát triển thành phố. Cụ thể, trước khi ban hành các chủ trương, nghị quyết liên quan đến quyền, lợi ích chính đáng của nhân dân, Đà Nẵng đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và các đơn vị chức năng tổ chức 120 hội nghị phản biện xã hội (trong quá trình thực hiện quy hoạch đô thị, có gần 120.000 hộ dân di dời, giải tỏa, tổng diện tích thu hồi đất 11.488 ha, tổng số tiền chi cho đền bù giải tỏa khoảng 5.000 tỷ đồng nhưng số trường hợp bị cưỡng chế rất ít).
Đặc biệt, đối với Nghị quyết số 23-NQ/TW, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đã tổ chức quán triệt, triển khai và ban hành các văn bản cụ thể hóa; tổ chức 2 hội nghị quán triệt Nghị quyết và Chương trình hành động; ban hành Chương trình hành động về “Xây dựng thực lực chính trị, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, tham gia giám sát bộ máy công quyền” để triển khai Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị.