Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa và Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng chủ trì hội nghị.
Dự hội nghị có 26 đồng chí lão thành cách mạng là cán bộ cao cấp của thành phố Đà Nẵng gồm các nguyên Bí thư, Phó Bí thư Thành ủy; Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND thành phố; Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND thành phố và các đồng chí nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy từ năm 1997 đến nay.
Các đại biểu đã góp ý vào các nhóm vấn đề trọng tâm: Đánh giá những thành tựu, hạn chế, khuyết điểm nổi bật và nguyên nhân, những bài học kinh nghiệm rút ra sau 5 năm 2015-2020; đánh giá tổng quát diện mạo đất nước sau 10 năm thực hiện Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011), Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020, 30 năm thực hiện Cương lĩnh 1991, 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới; nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước...
Góp ý vào dự thảo Văn kiện Đại hội lần thứ XXII của Đảng bộ thành phố Đà Nẵng, đồng chí Bùi Công Minh, nguyên Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Đà Nẵng đề nghị: Dự thảo cần bổ sung và nhấn mạnh nội dung “Xây dựng và phát triển con người Đà Nẵng” vào một đề mục thích hợp. Phát triển con người một cách bền vững hiện nay đang là một trong những định hướng chiến lược quan trọng của hầu hết các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Theo đồng chí Bùi Công Minh, phát triển con người không chỉ được thể hiện qua việc chăm lo chất lượng “nguồn nhân lực kỹ thuật” như nhiều lần trong Dự thảo đã nêu, mà quan trọng hơn là phải quan tâm xây dựng, khơi dậy và phát huy toàn diện mọi năng lực thể chất, tinh thần, trí tuệ, nhân cách con người... từ đó trở thành nguồn lực xã hội, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung.
Nguyên Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng Trần Thọ góp ý: Về xây dựng Đảng, ở nhiệm kỳ qua, việc phát triển đảng viên mới giảm sút đáng kể hàng năm và cả nhiệm kỳ; do đó cần làm rõ lý do để rút kinh nghiệm và kịp thời khắc phục trong nhiệm kỳ tới. Một số dự án trọng điểm của thành phố cần được đưa vào văn kiện để thể hiện quyết tâm cao của đảng viên và nhân dân thành phố như: Dự án Cảng Liên Chiểu, đường Vành đai phía Tây thành phố...
Kết luận Hội nghị, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa cảm ơn những ý kiến, đóng góp của các đồng chí lão thành cách mạng, nguyên lãnh đạo thành phố Đà Nẵng và cho biết, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng sẽ nghiên cứu, chọn lọc kỹ những ý kiến đóng góp xác đáng để chỉnh sửa, bổ sung vào dự thảo Văn kiện Đại hội.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cũng thông tin tới các nguyên lãnh đạo thành phố một số phương hướng, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng trong nhiệm kỳ tới như: Phát triển Khu công nghệ cao, đầu tư phát triển khoa học công nghệ, công viên phần mềm, thu hút đầu tư về công nghiệp thông tin, tiếp tục quan tâm giáo dục, y tế, an sinh xã hội...
Trong dự thảo Văn kiện Đại hội lần thứ XXII của Đảng bộ thành phố Đà Nẵng nêu mục tiêu tổng quát đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 là: “Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, chính quyền tiên phong trong đổi mới và phát triển, đưa thành phố Đà Nẵng trở thành một đô thị khởi nghiệp, sáng tạo, là trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước, là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên; quốc phòng - an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc; phấn đấu xây dựng thành phố Đà Nẵng giàu đẹp, an bình, văn minh, hiện đại, hướng đến đô thị sinh thái, hiện đại, thông minh và đáng sống”.
Bên cạnh đó, một số chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2025 (xây dựng dựa trên cơ sở Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045) như sau: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) giai đoạn 2020-2025 tăng 9 - 10%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt 6.000 - 6.500 USD/năm; thu ngân sách tăng bình quân 9,8%/năm. Đến cuối năm 2025, tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo đạt 65%; duy trì 100% các phường, xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 99%; hàng năm có từ 80% tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên được xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.